Công văn số 3673/TM-ĐB ngày 14/08/2003 của Bộ Thương mại về việc hợp tác kinh tế ASEAN ấn Độ và việc tham gia AIFTA
Số hiệu | 3673/TM-ĐB |
Ngày ban hành | 14/08/2003 |
Ngày có hiệu lực | 14/08/2003 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Thương mại |
Người ký | Trương Đình Tuyển |
Lĩnh vực | Thương mại |
BỘ THƯƠNG MẠI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3673/TM-ĐB |
Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2003 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2786/VPCP-QHQT ngày 05 tháng 6 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thương mại đã phối hợp với một số Bộ, ngành hữu quan thành lập Nhóm đặc trách để nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến việc thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - ấn Độ (AIFTA) trong khuôn khổ Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - ấn Độ. Ngày 28 tháng 7 năm 2003, nhóm đặc trách đã họp phiên họp đầu tiên.
Trên cơ sở ý kiến tham gia của các thành viên Nhóm đặc trách, sau khi tham khảo lại ý kiến chính thức của các Bộ, ngành hữu quan, Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề hợp tác kinh tế ASEAN - ấn Độ và việc tham gia Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - ấn Độ như sau:
I. VỀ XUẤT XỨ CỦA VẤN ĐỀ:
Hội nghị cấp cao ASEAN - ấn Độ lần thứ nhất (Phnompenh, Campuchia, 11/2002) đã nhất trí về sự cần thiết phải tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên, phấn đấu thiết lập Liên kết ASEAN - ấn Độ. Trên tinh thần đó, các nhà lãnh đạo ASEAN - ấn Độ, trên cơ sở quyết định của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - ấn Độ, đã nhất trí đặt ra mục tiêu dài hạn và thiết lập Khu vực Thương mại và Đầu tư ASEAN - ấn Độ (RTIA). Các nhà lãnh đạo cũng đã thông qua việc thành lập Nhóm đặc trách về liên kết kinh tế ASEAN - ấn Độ và giao nhiệm vụ cho nhóm này dự thảo Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN - ấn Độ.
Triển khai quyết định của các nhà lãnh đạo, Nhóm đặc trách ASEAN - ấn Độ đã được thành lập và cho tới nay đã họp được 5 phiên để dự thảo Hiệp định khung. Nhóm kiến nghị Hiệp định khung có thể bao gồm các vấn đề như (i) tạo thuận lợi cho thương mại, (ii) xúc tiến thương mại và đầu tư, (iii) hợp tác trong các lĩnh vực khác và (iv) thiết lập AIFTA.
II. TÌNH HÌNH SOẠN THẢO HIỆP ĐỊNH CHUNG
Nhìn chung, việc soạn thảo Hiệp định khung không gặp vướng mắc gì lớn, trừ việc thành lập AIFTA. Đây là ý tưởng được ấn Độ và một số nước trong ASEAN-6 (Thái Lan, Singapore và Maylaysia) ủng hộ mạnh. Theo đề xuất của những nước này, AIFTA sẽ bao gồm cả thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và đầu tư, trong đó FTA về hàng hoá sẽ được hoàn thành trong khoảng 10 năm. Cách thức thiết lập AIFTA được đề xuất tương tự như cách đã làm giữa ASEAN và Trung Quốc, tức là cũng có Chương trình Thu hoạch sớm và 2 lộ trình giảm thuế theo kiểu “bình thường” và “nhạy cảm”, với tốc Độ cắt giảm chậm hơn và thời hạn giảm thuế dài hơn cho các nước thành viên mới của ASEAN (ASEAN-4). Đàm phán về AIFTA, theo đề xuất, sẽ bắt đầu ngay sau khi Hiệp định khung được ký kết (từ đầu năm 2004) và kết thúc vào giữa năm 2005 để bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2006. Trong hợp tác, sẽ dành đối xử linh hoạt, đặc biệt và khác biệt cho ASEAN - 4.
1. Về một số vấn đề có tính nguyên tắc:
Trong số các nước ASEAN, Maylaysia, Singapore và Thái Lan là những nước ủng hộ nhiệt tình nhất chủ trương thành lập AIFTA và rất muốn đẩy nhanh quá trình đàm phán để biến AIFTA thành hiện thực. Các nước còn lại, trừ Philippines, không muốn đẩy nhanh nhưng cũng chưa tỏ ra phản đối chủ trương thành lập AIFTA.
Philippines đã tuyên bố sẽ không tham gia AIFTA. Tuy nhiên, Philippines sẽ không ngăn cản tiến trình này nếu các nước khác vẫn muốn thúc đẩy. Để không kìm hãm các nước, Philippines đề nghị đưa vào Hiệp định khung một điều khoản cho phép Philippines được vận dụng nguyên tắc ASEAN trừ X để tạm thời chưa tham gia AIFTA nhưng vẫn bảo lưu quyền tham gia trong tương lai. Ngoài vấn đề này, Philippines cũng đã nêu một số quan ngại sau đây:
- Các nhà lãnh đạo ASEAN và ấn Độ, khi giao nhiệm vụ cho Nhóm đặc trách, chưa có chỉ đạo rõ về việc thiết lập AIFTA.
- Cho tới nay vẫn chưa rõ cấp có thẩm quyền ký Hiệp định khung sẽ là cấp nào, cấp Bộ trưởng hay nguyên thủ quốc gia. Thời gian ký Hiệp định khung cũng chưa được làm rõ. Theo Philippines thì không nhất thiết phải ký tại Bali vào tháng 10/2003.
Về việc này, các nước ASEAN đồng ý với Philippines nhưng một số nước vẫn quyết định (ở cấp chuyên viên) vận dụng ý tưởng của các nhà lãnh đạo để đẩy tới việc đàm phán và soạn thảo Hiệp định khung, trong đó có cả vấn đề AIFTA. Riêng ấn Độ cho rằng Hiệp định khung phải là một thể thống nhất và không chấp nhận đề xuất sử dụng công thức ASEAN trừ X của Philippines.
2. Về Chương trình Thu hoạch sớm (EHP):
Khác với Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc, danh mục EHP của AIFTA được đề xuất theo hướng 2 bên do tự lựa chọn mặt hàng quan tâm để gộp lại thành danh mục chung. ấn Độ và ASEAN, mỗi bên sẽ đưa ra khoảng 300 mặt hàng. Điều này có nghĩa là 10 nước ASEAN phải tự đàm phán với nhau để thống nhất về 300 mặt hàng của mình trong khi ấn Độ được một mình chào ra 300 mặt hàng mà ấn Độ quan tâm.
ấn Độ cương quyết loại bỏ nông sản và hàng dệt may ra khỏi EHP. Quyết định này của ấn Độ đã làm cho EHP gần như mất ý nghĩa đối với ASEAN - 4, trong đó có Việt Nam. ấn Độ cũng né tránh bàn luận về vấn đề NTBs trong khuôn khổ EHP nói riêng và Hiệp định khung nói chung trong khi đây lại là mối quan tâm số 1 của Việt Nam khi tiếp cận thị trường ấn Độ.
Trong số các nước ASEAN, hiện có Philippines, Singapore và Việt Nam là chưa chào ra danh mục EHP của mình. Các nước ASEAN còn lại đã xây dựng và chào ra cho ấn Độ. Tuy nhiên, cho tới nay, hai bên vẫn chưa thống nhất được danh mục chung.
Ngoài danh mục, các chuyên viên của Nhóm đặc trách cũng đã sơ bộ bàn về công thức giảm thuế cho EHP. ấn Độ đề xuất giảm thuế theo “biên độ” trong khi các chuyên viên ASEAN lại muốn đi theo mô hình đã thực hiện với Trung Quốc. Vấn đề này cho tới nay vẫn tạm thời bỏ ngỏ để tập trung vào việc đảm phán, thống nhất danh mục EHP. Theo nhiều chuyên viên thì công thức giảm thuế sẽ là trở ngại khó vượt qua trong tiến trình xây dựng EHP.
3. Về thời hạn hoàn thành AIFTA.
Thời hạn hoàn thành AIFTA cũng là vấn đề đang còn nhiều tranh cái. Malaysia, Singapore, và Thái Lan muốn thời hạn hoàn thành là 2010 trong khi Indonesia và Brunei đề đề xuất 2013. Campuchia, Lào và Myanmar đề xuất 2017 đối với các thành viên ASEAN mới. Về phía mình, ấn Độ đề xuất bắt đầu AIFTA vào 2006 và hoàn thành vào 2011.
III. QUAN ĐIỂM CỦA VIỆT NAM (CẤP CHUYÊN VIÊN).
Ngay sau phiên họp thứ 2 của Nhóm đặc trách (tháng 2/2003), Bộ Thương mại đã có công văn số 828/TM-ĐB ngày 05 tháng 3 năm 2003 xin ý kiến các Bộ, ngành về vấn đề tham gia AIFTA. Ngày 17 tháng 4 năm 2003, tại Tờ trình số 1610/TM-ĐB báo cáo kết quả Hội nghị Nội bộ Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tại Luang Pranbang. Bộ Thương mại đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Tới ngày 05 tháng 6 năm 2003, tại công văn số 2786/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “ta chưa chủ động nêu vấn đề khu vực mậu dịch tự do ASEAN - ấn Độ” mà chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu.
Do chưa được phép chủ động đàm phán sâu về AIFTA nêu tại các phiên họp vừa qua của Nhóm đặc trách ASEAN - ấn Độ, các chuyên viên của Việt Nam chủ yếu mới đưa ra các vấn đề có tính nguyên tắc, dựa trên ý kiến góp ý của các Bộ, ngành mà Bộ Thương mại nhận được từ tháng 4/2003. Xét quan hệ truyền thống, tốt đẹp giữa Việt Nam và ấn Độ, trong khi chờ chỉ đạo đàm phán của Thủ tướng Chính phủ, các chuyên viên chưa bày tỏ ý kiến phản đối hay ủng hộ đối với việc đàm phán thiết lập AIFTA. Quan điểm đã được trình bày với ASEAN và ấn Độ là:
1. Việt Nam cho rằng các bên trước hết cần làm rõ về thuế nhập khẩu và hàng rào phi quan thuế (NTBs) của mình. Chỉ khi đã rõ huế nhập khẩu và NTBs của nhau thì mới có thể xác định được mục tiêu và phương thức đề đạt tới mục tiêu đó.
2. Việt Nam rất coi trọng vấn đề NTBs và công thức loại bổ NTBs trong quá trình đàm phán thiết lập AIFTA. Theo Việt Nam, nếu AIFTA chỉ đề cập đến việc giảm thuế mà không đề cập đến việc cắt giảm NTBs hoặc có đề cập đến nhưng sơ sài, chung chung thì AIFTA sẽ không có ý nghĩa thực tiễn. chủ yếu do hàng rào NTBs của ấn Độ quá phức tạp.
3. Về phạm vi của EHP, Việt Nam nhận thấy khó có thể chấp nhận đề xuất của ấn Độ. Việc loại nông sản và hàng dệt may ra khỏi EHP sẽ làm cho chương trình này trở nên kém ý nghĩa hơn đối với Việt Nam. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Chương trình EHP nói riêng và AIFTA nói chung được đưa ra để thực hiện hoá lợi ích so sánh của các bên. Phạm vi của EHP, vì vậy, cần thể hiện được nguyên tắc này.
4. Việc ASEAN có một danh mục EHP chung cũng cần được xem xét kỹ bởi như vậy sẽ làm giảm khả năng mặc cả của ASEAN và đưa các nước ASEAN vào thế phải loại bỏ lẫn nhau. Cách tiếp cận hay hơn là từng nước ASEAN sẽ đàm phán danh mục EHP với ấn Độ theo những nguyên tắc xây dựng EHP được xác định.
5. Theo Việt Nam, chưa thể thoả thuận về EHP khi chưa xác định được công thức cho việc giảm thuế. Công thức giảm thuế, đến lượt nó, lại phụ thuộc vào công thức cắt giảm NTBs như Việt Nam đã nhiều lần khẳng định.
6. ấn Độ cần làm rõ nguyên tắc “có đi có lại không tương xứng” đối với các nước ASEAN - 4 để Việt Nam sớm có điều kiện cân nhắc tham gia EHP nói riêng và AIFTA nói chung.
Mặc dù đoàn chuyên viên Việt Nam đã nhiều lần trình bày các quan điểm trên đây nhưng cho tới nay ấn Độ và một số nước ASEAN khác vẫn chưa có sự đáp ứng thoả đáng. ấn Độ chủ yếu tìm cách thuyết phục và né tránh trong khi một số nước ASEAN khác, chủ yếu là Thái Lan và Malaysia, cố tình bỏ qua các quan ngại của Việt Nam và Philippines để đẩy toàn bộ quá trình đàm phán tiến về phía trước. Với cách làm thiếu đoàn kết này, nhiều khả năng ASEAN sẽ có một Hiệp định “nhanh” chứ không phải một Hiệp định “tốt” với ấn Độ. Nhiều khả năng mâu thuẫn sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện, giống như đã phát sinh trong quá trình thực hiện Thu hoạch sớm của Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc.
IV. VỀ TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC ĐÀM PHÁN VÀ THAM GIA AIFTA:
Dù chưa chính thức đàm phán AIFTA nhưng tại công văn số 838/TM-BĐ ngày 05 tháng 3 năm 2003 gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, Bộ Thương mại cũng đã đưa ra những đánh giá ban đầu về mặt lợi và mặt hại khi tham gia AIFTA. Những đánh giá này là hết sức sơ bộ bởi khi đó, và có thể là tới tận thời điểm này, chúng ta vẫn chưa rõ về mô hình của AIFTA trong tương lai.
Trong 10 năm qua (1993 - 2002) xuất khẩu của Việt Nam sang ấn Độ chỉ tăng 2,8 lần từ 1,9 triệu USD lên 53 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu của ấn Độ sang Việt Nam đã tăng tới 41 lần, từ 8 triệu USD lên tới 325 triệu USD. Nếu chỉ tính những mặt hàng phi dầu mỏ thì xuất khẩu của Việt Nam sang ấn Độ chỉ bằng 1/10 xuất khẩu của ấn Độ sang Việt Nam. Hiện Việt Nam đang nhập siêu trầm trọng từ ấn Độ, với giá trị nhập siêu lên tới hơn 271 triệu USD vào năm 2002. Thực tế này đã làm nảy sinh những mối quan ngại sâu sắc nếu ta mở hơn nữa thị trường cho hàng hoá của ấn Độ.
Xét về tổng quan kinh tế hiện nay, ấn Độ là nước đông dân thứ nhì thế giới nhưng có đến 29% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Thực tế này đã làm hạn chế sức mua của thị trường ấn Độ và rất có thể sẽ hạn chế cả tác dụng của AIFTA trong tương lại nếu như có một AIFTA như vậy.
Xét về lợi thế so sánh, ấn Độ và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, sức cạnh tranh không thua kém nhau nhiều. Một số mặt hàng ta có thế mạnh thì ấn Độ cũng có khả năng sản xuất và đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, nhất là nhóm hàng nông sản (gạo, hạt tiêu, hạt điều, thuỷ sản...), điện và điện tử. Nhìn tổng thể, nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, và ấn Độ đều phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao Động và các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp. Có thể nói là cạnh tranh lẫn nhau hơn là bổ trợ cho nhau.
Về môi trường chính sách ấn Độ chỉ mới thực hiện mở cửa trong những năm gần đây và đến nay vẫn được coi là một nước “đóng cửa” có mức Độ bảo hộ cao nhất thế giới với hàng rào thuế và phi thuế dày đặc. Tính bất cập của môi trường chính sách thương mại ấn Độ được thể hiện trên một số mặt sau:
a. Thuế suất thuế nhập khẩu rất cao, biên độ chênh lệch lớn giữa các nhóm hàng;
b. Sự can thiệp của Nhà nước vào các hoạt Động kinh tế là tương đối nhiều, chủ yếu bằng các biện pháp phi thuế;
c. Môi trường chính sách rất phức tạp và thiếu minh bạch, nhất là khi tính đến chính sách của chính quyền địa phương;
d. ấn Độ và ASEAN thường cạnh tranh với nhau để tìm kiếm thị trường xuất khẩu, và hiện cũng đang cạnh tranh với nhau rất mạnh trên thị trường EU và Mỹ, chẳng hạn như đối với nhóm hàng dệt may, nông sản, thuỷ hải sản, linh kiện điện tử, máy tính...;
e. Hàng hoá của ASEAN có tiềm năng thâm nhập thị trường ấn Độ nhưng tiềm năng này không ổn định một phần là vì sự thay đổi Đột ngột về chính sách điều hành xuất nhập khẩu của ấn Độ.
Do chính sách của ấn Độ thiếu rõ ràng nên trên thực tế đã diễn ra rất nhiều vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp 2 nước mà phần mua thiệt bao giờ cũng thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. Tình trạng này đã làm cho doanh nghiệp Việt Nam phần nào mất lòng tin vào doanh nghiệp ấn Độ.
Việc tham gia FTA với ấn Độ song song với FTA với Trung Quốc sẽ gây sức ép cạnh tranh lớn cho sản xuất trong nước của Việt Nam. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ có thêm cơ hội thâm nhập thị trường ấn Độ nhưng cơ hội đó chỉ đến khi ấn Độ giải quyết thoả đáng cả vấn đề thuế và phi thuế trong AIFTA. Trong khi đó, nếu ta giảm thuế, nhập khẩu từ ấn Độ sẽ tăng rất mạnh bởi ta không còn duy trì nhiều hàng rào phi thuế. Nếu ấn Độ chỉ giảm thuế mà không xử lý hàng rào phi thuế thì AIFTA sẽ gần như mất ý nghĩa đối với ta, chỉ còn ý nghĩa với ấn Độ.
Ngoài ra, việc đàm phán và tham gia AIFTA vào lúc này có thể sẽ gây thêm phức tạp cho phương án đàm phán gia nhập WTO của ta. Đó là chưa kể việc nguồn lực có hạn bị dàn trải trên nhiều mặt trận, có thể gây ảnh hưởng đến mục tiêu chính của ta là đàm phán thành công để gia nhập WTO vào năm 2005.
Mặc dù có những quan ngại trên đây nhưng xét quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và ấn Độ cũng như những định hướng phát triển quan hệ trong tương lai giữa hai nước từ chuyến viếng thăm ấn Độ của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 5/2003 vừa qua, ta cần phải cân nhắc hết sức thận trọng quan điểm của mình, nhất là quan điểm sẽ đưa ra với ấn Độ, tránh để cho bạn hiểu lầm là ta không thiết tha thúc đẩy quan hệ với bạn hoặc không ủng hộ bạn tăng cường quan hệ với ASEAN.
V. KIẾN NGHỊ
Để không làm ảnh hưởng đến uy tín của ta trong ASEAN và không ảnh hưởng đến quan hệ song phương tốt đẹp giữa ta với ấn Độ, dựa trên những phân tích đã trình bày, Bộ Thương mại xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
1. Cho phép Bộ Thương mại được phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan đàm phán Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - ấn Độ.
2. Cho phép được nêu vấn đề thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - ấn Độ trong Hiệp định khung nhưng chưa đề cập đến các cam kết cụ thể. Các chi tiết về một khu vực thương mại tự do như vậy, kể cả Chương trình Thu hoạch sớm, cần được đàm phán chính thức từ 01/01/2004.
3. Trong trường hợp ấn Độ và các nước ASEAN vẫn quyết định đẩy nhanh tiến Độ đàm phán chương trình Thu hoạch sớm, Bộ Thương mại cần chính thức nêu các quan điểm như đã trình bày tại phần III của Tờ trình này tại các cuộc họp của quan chức cao cấp (SEOM). Chỉ khi nào các bên làm rõ được các vấn đề nêu trong quan điểm của Việt Nam, việc đàm phán mới có kết quả, và mới có khả năng có được một hiệp định tốt cho tất cả các bên tham gia.
4. Trường hợp ấn Độ và các nước ASEAN không đáp ứng thoả đáng các đề nghị chính đáng của ta, cần phối hợp với Philippines đưa điều khoản ASEAN trừ X vào Hiệp định khung và vận dụng điều khoản này để tạm thời chưa tham gia Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - ấn Độ.
5. Giao Bộ Thương mại phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan nghiên cứu xây dựng phương án đàm phán Khu vực Thương mại do ASEAN - ấn Độ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phục vụ cho đàm phán trong tương lai khi Chính phủ quyết định tham gia Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - ấn Độ.
6. Bộ Ngoại giao, thông qua các kênh thích hợp, giải thích cho ấn Độ về quan điểm của ta xung quanh vấn đề Hiệp định khung và AIFTA như đã trình bày trên, tránh không làm cho bạn hiểu nhầm, ảnh hưởng đến quan hệ song phương.
Bộ Thương mại xin kính trình và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về các vấn đề trên để Bộ Thương mại kịp chuẩn bị phương án cho các phiên họp sắp tới giữa ASEAN và ấn Độ.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI |