Công văn 3456/UBND-KT năm 2022 thực hiện Quyết định 327/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 3456/UBND-KT |
Ngày ban hành | 27/09/2022 |
Ngày có hiệu lực | 27/09/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Võ Văn Hoan |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 3456/UBND-KT |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 9 năm 2022 |
Kính gửi: |
- Các Sở, ban, ngành Thành phố; |
Thực hiện Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030;
Nhằm xây dựng công nghiệp chế biến gỗ của Thành phố trở thành ngành sản xuất quan trọng với công nghệ tiên tiến, hiện đại, có đóng góp quan trọng trong cơ cấu phát triển công nghiệp Thành phố; có khả năng cạnh tranh cao, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng phát triển chế biến sâu đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và thâm nhập thị trường xuất khẩu: tăng kim ngạch xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa; đóng góp tỷ trọng lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2011/TTr-SNN ngày 23 tháng 8 năm 2022;
Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo như sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì phối hợp Sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, phù hợp với quy hoạch của Thành phố.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công thương và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu vận dụng cơ chế, chính sách về: đầu tư, thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến gỗ.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các chủ rừng, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ về yêu cầu thị trường và các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
- Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm Thành phố tăng cường trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên địa bàn Thành phố, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính bố trí nguồn vốn đầu tư hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững.
- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ.
3. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện nghiên cứu ban hành chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng đồ gỗ từ các sản phẩm gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu có nguồn gốc hợp pháp được sản xuất tại Thành phố.
- Cân đối, bố trí kinh phí thực hiện các đề án, kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, góp ý hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu; quảng bá sản phẩm, nâng cao thương hiệu gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
- Phát huy hiệu quả trong việc phòng chống gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, trốn thuế và chống bán phá giá, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển sản phẩm mới; rà soát hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về lĩnh vực lâm nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các biện pháp truy xuất nguồn gốc gỗ; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến, chuyển giao công nghệ như chợ công nghệ và thiết bị, triển lãm công nghệ, hội thảo công nghệ và hỗ trợ kết nối cung - cầu công nghệ.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu ngành sản xuất, chế biến gỗ.
6. Công an Thành phố
- Chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện những thiếu sót về cơ chế, chính sách, bất cập trong công tác quản lý nhà nước để tham mưu, kiến nghị sửa đổi cho phù hợp.
- Phối hợp các đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng được chế biến từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ theo Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
7. Cục Quản lý thị trường
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra thị trường, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và gian lận thương mại của các tổ chức, cá nhân.
8. Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố (HAWA)
- Tăng cường thông tin cho hội viên về thị trường trong nước và xuất khẩu nâng cao tính chủ động, phòng ngừa rủi ro; tăng cường công tác truyền thông về các chính sách, quy định của pháp luật; xây dựng thương hiệu và hình ảnh đẹp của ngành công nghiệp chế biến gỗ Thành phố.