Công văn 3289/UBND-KGVX năm 2020 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và bạch hầu do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 3289/UBND-KGVX
Ngày ban hành 22/07/2020
Ngày có hiệu lực 22/07/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Ngô Văn Quý
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3289/UBND-KGVX
V/v tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và bạch hầu

Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã.

Theo báo cáo Sở Y tế lũy tích đến ngày 20/7/2020, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 1.007 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 999 trường hợp mắc tay chân miệng, số mắc gia tăng trong các tuần cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm 2020. Dự báo trong thời gian tới số ca mắc có thể sẽ tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó tình hình dịch bệnh bạch hầu đang có diễn biến phức tạp tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên. Thực hiện Công điện số 862/CĐ-TTg ngày 08/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu; Công văn số 3608/BYT-DP ngày 03/7/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết và Công văn số 583/DP-DT ngày 13/7/2020 của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện nội dung như sau:

1. Các Sở, ngành đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai nghiêm túc các nội dung theo chỉ đạo tại Kế hoạch số 257/KH-UBND ngày 18/12/2019 của UBND Thành phố về triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội năm 2020 và Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 19/5/2020 của UBND Thành phố về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội năm 2020.

2. Trong thời gian tiếp theo cần tăng cường triển khai các nội dung sau

a) UBND các quận, huyện, thị xã

- Thường xuyên tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn (duy trì thực hiện vào ngày thứ Bảy hàng tuần), với các đơn vị chưa triển khai cần thực hiện ngay trong tháng 07/2020. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh một cách triệt để, trong các chiến dịch cần có sự tham gia của lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn và Công an để đảm bảo 100% hộ gia đình được xử lý.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập ngay các Đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch và Tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết (như đã triển khai năm 2017); tổ chức hoạt động một cách có hiệu quả, không hình thức và phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.

- Ngoài việc triển khai công tác phòng chống dịch tại khu vực dân cư cần chú trọng đến các khu vực công cộng như tại các cơ quan, công trường, xí nghiệp, nghĩa trang, trường học...; yêu cầu các đơn vị đóng trên địa bàn, đặc biệt là các trường học, công trường xây dựng phối hợp và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, thường xuyên tiến hành kiểm tra việc chủ động phòng chống dịch bệnh của các đơn vị này.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tổ chức giám sát chặt chẽ ca bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch. Kiên quyết không để dịch kéo dài, lan rộng.

- Tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng để phòng chống các dịch bệnh, đặc biệt là đối với bệnh bạch hầu. Phát hiện sớm và phải điều trị tích cực, tránh để bệnh lan rộng ra cộng đồng.

- Chỉ đạo ngành Giáo dục của địa phương yêu cầu các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ...trên địa bàn thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng, bạch hầu, đặc biệt là công tác vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở giáo dục.

- Giao Phòng Văn hóa và Thông tin tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng để mọi người tự áp dụng các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết (ngủ màn, diệt muỗi, diệt bọ gậy) và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết. Tại các khu vực đã ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết cần tổ chức họp tổ dân cư để thông báo tình hình dịch và hướng dẫn cho người dân biết cách chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng như: vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ. Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu như: đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; người mắc bệnh phải được đến khám, điều trị và cách ly tại cơ sở y tế; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương; báo cáo tình hình, diễn biến dịch về Sở Y tế (cơ quan thường trực) để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.

- Bố trí đủ và kịp thời kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch (kinh phí từ nguồn phòng chống dịch, kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn lực khác...).

b) Sở Y tế

- Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch; xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng.

- Tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến.

- Thực hiện tốt việc thu dung, phân loại và điều trị bệnh nhân. Đảm bảo đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm bệnh nhân, hạn chế tối đa tử vong do sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu...

- Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch; thông tin diễn biến dịch, các biện pháp phòng chống dịch cho các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân.

- Chỉ đạo các tuyến y tế rà soát, tăng cường công tác tiêm chủng các trường hợp chưa được tiêm chủng các dịch bệnh (đặc biệt bệnh bạch hầu). Đảm bảo đủ vắc xin dự phòng đối với từng loại dịch bệnh.

- Thường xuyên báo cáo, đề xuất UBND Thành phố kịp thời các giải pháp, phương án để chỉ đạo xử lý tình hình dịch bệnh bất thường trên địa bàn.

c) Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai tích cực các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong trường học, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết; Nhà trường phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương phát phiếu điều tra xử lý bọ gậy tại hộ gia đình cho các học sinh để triển khai thực hiện tại gia đình; thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời; thường xuyên tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường tại các trường học. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và bạch hầu trong trường học, lưu ý tăng cường các biện pháp vệ sinh khử khuẩn trường lóp, đảm bảo môi trường thông thoáng, có đủ ánh sáng, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ.

d) Sở Xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án về xây dựng trên địa bàn Thành phố đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh tại các công trường lao động và nơi ăn ở sinh hoạt của công nhân. Yêu cầu công nhân phải ngủ màn tránh muỗi đốt và phải đậy kín các dụng cụ chứa nước, bể chứa nước, không để cho muỗi có nơi sinh sản phát triển lây truyền bệnh sốt xuất huyết.

e) Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo, đài của Thành phố phối hợp Sở Y tế chủ động tuyên truyền cách phát hiện và các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và bạch hầu theo khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân nhận thức đúng về dịch bệnh và chủ động phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch cho gia đình, cộng đồng. Đặc biệt khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.

f) Sở Tài chính: Trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế kịp thời tham mưu UBND Thành phố bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và bạch hầu.

g) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cùng các đoàn thể Thành phố tích cực và chủ động tham gia cùng chính quyền các cấp, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến và vận động truyền tải thông tin về công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và bạch hầu đến với người dân.

UBND Thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cùng các đoàn thể Thành phố và yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc những nội dung trên. Giao Sở Y tế (là cơ quan thường trực) tổng hợp thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như công tác phòng, chống dịch, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Y tế./.

 

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ