Kế hoạch 639/KH-UBND năm 2020 về triển khai hoạt động đáp ứng phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2020-2021

Số hiệu 639/KH-UBND
Ngày ban hành 28/10/2020
Ngày có hiệu lực 28/10/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Tôn Thị Ngọc Hạnh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 639/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 28 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG ĐÁP ỨNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH BẠCH HẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2020 - 2021

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH BẠCH HẦU

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH BẠCH HẦU

Bệnh Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nhiễm trùng - nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu Corynebacterium Diphtheriae gây nên. Đường lây chủ yếu là đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn Bạch hầu có trong dịch tiết từ mũi họng của bệnh nhân. Tổn thương của Bạch hầu là viêm, loét ở vùng mũi, họng, thanh quản với những màng giả mạc kèm theo biểu hiện nhiễm độc nặng, tổn thương khắp các cơ quan, nhất là hệ thần kinh trung ương, tim mạch, thận và thượng thận do ngoại độc tố (là độc tố do vi khuẩn tiết ra môi trường) theo hệ tuần hoàn và bạch huyết đi khắp cơ thể gây ra. Tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh Bạch hầu. Lứa tuổi dễ mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ nhiễm khoảng 15% - 20% ở trẻ chưa có miễn dịch. Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng bệnh Bạch hầu là tiêm vắc xin để tạo kháng thể kháng độc tố Bạch hầu.

Trong những năm gần đây, dịch bệnh Bạch hầu đã xuất hiện trở lại ở một số địa phương tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tại tỉnh Đắk Nông, tình hình dịch bệnh Bạch hầu từ năm 2004 đến năm 2019 chưa ghi nhận trường hợp mắc Bạch hầu. Tính đến ngày 27/10/2020, toàn tỉnh đã ghi nhận 14 ổ dịch1 bệnh Bạch hầu với tổng số 39 trường hợp mắc2, trong đó có 02 trường hợp tử vong3.

II. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CHÍNH ĐÃ TRIỂN KHAI

1. Công tác chỉ đạo điều hành

- Ngay sau khi có ca bệnh đầu tiên tại huyện Krông Nô, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2830/UBND-KGVX ngày 10/6/2020, Công văn số 3038/UBND-KGVX ngày 21/6/2020 chỉ đạo Sở Y tế và các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai quyết liệt trong công tác phòng chống dịch; ban hành Kế hoạch số 341/KH-UBND ngày 26/6/2020 về triển khai các hoạt động đáp ứng và phòng chống bệnh Bạch hầu; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Bạch hầu; ban hành Kế hoạch triển khai; thành lập đoàn kiểm tra, giám sát hướng dẫn về công tác phòng chống dịch và các văn bản chỉ đạo khác.

- UBND cấp huyện đã ban hành văn bản, kế hoạch, kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch và quyết liệt trong chỉ đạo phòng, chống dịch.

- Ngành Y tế:

+ Tiến hành ngay các cuộc điều tra, xác minh đánh giá ca bệnh, đồng thời kích hoạt các đội phản ứng nhanh, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, trang phục phòng, chống dịch xuống ngay địa bàn có ca bệnh để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định (khử khuẩn môi trường, uống thuốc dự phòng...).

+ Phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, xuống thực địa chỉ đạo công tác phòng, chống Bạch hầu tại các địa phương có ca mắc.

+ Xây dựng các kế hoạch chuyên môn, các văn bản chỉ đạo y tế địa phương tăng cường giám sát, xét nghiệm, khoanh vùng xử lý các ổ dịch Bạch hầu trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Chuyên môn kỹ thuật

2.1. Công tác tập huấn

Đã tổ chức 08 lớp tập huấn cho 202 cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã về công tác chẩn đoán điều trị; giám sát, phòng chống, khoanh vùng và xử lý các ổ dịch/ca bệnh Bạch hầu trên địa bàn.

2.2. Điều tra xác minh ca bệnh, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần

Ngành Y tế đã triển khai ngay các hoạt động truy vết, khám sàng lọc tại cộng đồng khu vực có ca bệnh để phát hiện sớm các ca mắc và quản lý toàn bộ các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc. Kết quả đã giám sát 39 ca mắc và quản lý, điều trị 1.770 trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc tại Krông Nô (333 trường hợp), Đắk Glong (862 trường hợp), Đắk R’Lấp (284 trường hợp), Tuy Đức (291 trường hợp).

Tổ chức khám sàng lọc, giám sát phát hiện 101 trường hợp nghi ngờ (101/101 trường hợp này có kết quả xét nghiệm âm tính với vi khuẩn Bạch hầu), trong đó Krông Nô 41 trường hợp, Đắk Glong 47 trường hợp, Đắk R’Lấp 05 trường hợp, Đắk Song 02 trường hợp, Tuy Đức 05 trường hợp, Cư Jút 01 trường hợp.

2.3. Lấy mẫu xét nghiệm

Toàn ngành Y tế tiến hành lấy 1.296 mẫu xét nghiệm để tầm soát và xác định sớm các trường hợp mắc Bạch hầu (Tuy Đức 118 mẫu, Cư Jút 14 mẫu, Đắk Song 11 mẫu, Krông Nô 269 mẫu, Đắk R’Lấp 208 mẫu, Đắk Glong 615 mẫu, Bệnh viện đa khoa tỉnh 61 mẫu).

2.4. Công tác quản lý và uống thuốc điều trị

- Tổng số trường hợp tiếp xúc gần, có nguy cơ được khám sàng lọc và cho uống thuốc điều trị dự phòng là 4.496 trường hợp, trong đó có 4.496 trường hợp đã kết thúc liệu trình uống (Krông Nô 1.180 trường hợp, Đắk Glong 2.380 trường hợp, Đắk R’Lấp 567 trường hợp, Đắk Song 8 trường hợp, Tuy Đức 359 trường hợp, Cư Jút 02 trường hợp).

- Kết quả đã cấp 36.589 viên Erythromycin 500mg, 18.726 viên Erythromycin 250mg, 8.729 gói Erythromycin 250mg, 1.440 viên Azithromycin 500mg, 300 gói Azithromycin 250mg.

2.5. Thực hiện cách ly y tế

- Toàn bộ các trường hợp dương tính được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện hoặc bệnh viện tuyến trên để điều trị.

[...]