Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn 3253/TCT-TTHT đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 3253/TCT-TTHT
Ngày ban hành 25/08/2010
Ngày có hiệu lực 25/08/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Phạm Duy Khương
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3253/TCT-TTHT
V/v đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ

Hà Nội, ngày 25 tháng 08 năm 2010

 

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 26/7/2010 Tổng cục Thuế đã có Công văn số 2747/TCT-CS về việc triển khai thực hiện Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Để công tác tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ NNT thực hiện Nghị định 51/2010/NĐ-CP được thống nhất trong cả nước, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục thuế địa phương thực hiện một số nội dung trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ sau:

1. Công tác Tuyên truyền

- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông tại địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức tuyên truyền về Nghị định 51/2010/NĐ-CP tới cộng đồng xã hội, giúp cho các tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu được những Điểm mới của Nghị định và những việc cần phải làm ngay để chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi Nghị định có hiệu lực thi hành.

- Chủ động viết tin, bài tuyên truyền về Nghị định 51/2010/NĐ-CP; tăng cường tuyên truyền trong các chuyên Mục về thuế trên báo, đài; tổ chức tọa đàm trên đài phát thanh, truyền hình; đặt chuyên Mục về hóa đơn trên các Website của Cục thuế tỉnh, thành phố; Cập nhật thường xuyên các văn bản mới nhất hướng dẫn việc thực hiện Nghị định để cung cấp kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, cần tổ chức tập huấn cho các phóng viên giúp họ hiểu rõ về Nghị định 51/2010/NĐ-CP nắm được định hướng tuyên truyền của ngành thuế.

Trước mắt, để thống nhất công tác tuyên truyền, phổ biến về Nghị định 51/2010/NĐ-CP trong cả nước, Tổng cục Thuế xây dựng nội dung tuyên truyền cho các đối tượng (phụ lục số 01 kèm theo).

Đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố nghiên cứu tài liệu nói trên áp dụng vào thực tế địa phương để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nắm được các quy định mới về in, phát hành, sử dụng hóa đơn …, đảm bảo triển khai thông suốt từ ngày 01/01/2011.

2. Công tác Hỗ trợ

- Thực hiện gửi thông báo (phụ lục số 02a, 02b) đến các đối tượng trên địa bàn quản lý và cơ quan cấp đăng ký kinh doanh (một cửa liên thông).

- Phối hợp với Sở Kế hoạch đầu tư, cơ quan cấp đăng ký kinh doanh (một cửa liên thông) để thông báo với đơn vị mới đăng ký kinh doanh lần đầu biết quyền và nghĩa vụ của mình trong việc đặt in, tự in hóa đơn.

- Sau khi có Thông tư hướng dẫn Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, tiến hành mở các lớp tập huấn để phổ biến kiến thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh mua, bán hàng hóa dịch vụ; tổ chức nhận in hóa đơn; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn, giúp cho các tổ chức, cá nhân đó nắm bắt được kịp thời các quy định mới về in, phát hành, sử dụng hóa đơn trong sản xuất, kinh doanh.

- Tập trung bố trí cán bộ tại bộ phận một cửa để kịp thời giải quyết các vướng mắc của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến việc in, phát hành, sử dụng hóa đơn.

Tổng cục Thuế thông báo để các Cục Thuế triển khai thực hiện, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Tổng cục (Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế) để được hướng dẫn.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, TTHT (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Duy Khương

 

PHỤ LỤC 1

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN, HỖ TRỢ
Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ Quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

Phần 1.

SỰ CẦN THIẾT, MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Sự cần thiết ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 89/2002/NĐ-CP

Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật Điều chỉnh đến hoạt động của doanh nghiệp, do vậy Nghị định số 89/2002/NĐ-CP quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn cũng cần phải Điều chỉnh cho phù hợp như chứng từ trong thương mại điện tử, chứng từ trên khâu lưu thông, chứng từ thu mua hàng hóa từ người trực tiếp sản xuất, chứng từ tự in từ các giao dịch phi tín dụng của ngân hàng, chứng từ phục vụ cho việc bán lẻ hàng hóa cho người tiêu dùng…

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực quản lý thuế việc ban hành và thực hiện Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 01/7/2007 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng quy định rõ quyền hạn và nghĩa vụ của doanh nghiệp, cơ quan quản lý thuế và các cơ quan liên quan. Do đó, trong lĩnh vực quản lý và sử dụng hóa đơn, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi theo hướng mở rộng quyền tự chủ, tạo Điều kiện cho Doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn. Cơ quan quản lý thuế đóng vai trò hướng dẫn hỗ trợ, kiểm tra thực hiện. Một trong những Điểm mới của Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2009 có quy định để được khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đầu vào sản xuất kinh doanh với những giao dịch trên 20 triệu đồng phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, quy định này tạo tiền đề Điều kiện quan trọng trong quản lý thuế.

Như vậy, để phát huy những ưu Điểm, khắc phục những tồn tại của Nghị định 89/2002/NĐ-CP qua hơn 7 năm thực hiện, cùng với những thay đổi căn bản trong quản lý nhà nước nói chung và lĩnh vực quản lý thuế nói riêng cần thiết phải sửa đổi Nghị định 89/2002/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Mục tiêu:

- Mục tiêu chung: Đáp ứng các yêu cầu của hội nhập, thông lệ quốc tế, phù hợp với các luật mới hoặc thay thế luật cũ như Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán và Luật Giao dịch điện tử và việc cải cách các thủ tục hành chính hiện nay đồng thời quy định rõ hơn quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên có liên quan trong vấn đề in, phát hành và sử dụng hóa đơn (Doanh nghiệp, Cơ quan thuế và các tổ chức có liên quan). Làm rõ hơn một số định nghĩa như: In hóa đơn, Hóa đơn hợp pháp, Hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn hết giá trị sử dụng, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp… Đồng thời cũng làm rõ hơn quy định về loại, hình thức và nội dung của hóa đơn để phân biệt với một số loại hình khác như thẻ viễn thông in sẵn mệnh giá, thẻ nạp tiền… Tăng cường việc xử phạt để xử lý các vi phạm khi in, phát hành và sử dụng hóa đơn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đồng thời có cơ chế khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt hóa đơn và được quyền quy định áp dụng các biện pháp quản lý thuế thuận tiện hơn.

- Về phía Doanh nghiệp: Khuyến khích tổ chức, cá nhân vừa lựa chọn hình thức hóa đơn phù hợp vừa có thể lựa chọn thêm hình thức hóa đơn điện tử để thúc đẩy thương mại điện tử. Giao quyền chủ động cho các doanh nghiệp trong việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn, cơ quan thuế chỉ in và cấp cho các đối tượng là hộ gia đình và cá nhân kinh doanh.

- Về phía cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan thuế): Giao cho Cục Thuế địa phương trong việc in ấn, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn thay cho quy định trước đây là Bộ Tài chính, đồng thời cũng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc in hóa đơn. Thông qua việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn để phân loại doanh nghiệp và có các cơ chế quản lý, sử dụng cho phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp đồng thời có các cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in. Tăng cường quản lý hóa đơn để quản lý doanh thu, quản lý thu thuế hạn chế việc gian lận thuế qua hóa đơn.

[...]