Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Công văn 3068/CV-TCT năm 2022 hướng dẫn nội dung về triển khai, thực hiện dự án PPP do Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư ban hành

Số hiệu 3068/CV-TCT
Ngày ban hành 11/05/2022
Ngày có hiệu lực 11/05/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư
Người ký Trần Duy Đông
Lĩnh vực Đầu tư

TỔ CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ RÀ SOÁT, THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ THÚC ĐẨY THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3068/CV-TCT
V/v hướng dẫn một số nội dung về triển khai, thực hiện dự án PPP

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2022

 

Kính gửi: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư tại các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, tổng hợp và báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về các vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại công văn 8393/VPCP-CN ngày 16/11/2021 và Thông báo số 80/TB-VPCP ngày 23/3/2022 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin gửi quý Cơ quan một số nội dung trao đổi về các vướng mắc trong triển khai dự án PPP (chi tiết tại Phụ lục kèm theo).

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, thực hiện theo quy định của pháp luật./

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ
Phạm Bình Minh (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TP, TC, XD, CT, TN&MT, GTVT;
- Sở KH&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Thành viên Tổ công tác đặc biệt và nhóm giúp việc của Tổ công tác (D/S kèm theo);
- Bộ KH&ĐT: Lãnh đạo Bộ; các Đơn vị: PC, ĐTNN,
THKTQD, KTĐP&LT, KCHT&ĐT, GS&TĐĐT;
- Lưu VT, Cục QLĐT (Chi  )

TM. TỔ CÔNG TÁC
KT. TỔ TRƯỞNG
TỔ PHÓ




THỨ TRƯỞNG
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Trần Duy Đông

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ NỘI DUNG TRAO ĐỔI VỀ NHỮNG VƯỚNG MẮC TRONG  THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ
(Ban hành kèm theo công văn số 3068/CV-TCT ngày 11/5/2022 của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ)

1. Về hạn mức vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP tại địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn

Vấn đề: Cần ban hành cơ chế đặc thù cho các dự án PPP trên địa bàn các tỉnh miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn với hạn mức tham gia của vốn nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư của dự án do dự án tại địa bàn này có suất đầu tư rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài, khó thu hút nhà đầu tư.

Ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Khoản 2 Điều 69 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định mức trần tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, một trong những mục tiêu quan trọng của phương thức PPP là nhằm huy động nguồn vốn của khu vực tư nhân cho đầu tư phát triển công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công và nguồn vốn tham gia của Nhà nước trong dự án PPP chỉ nhằm góp phần hỗ trợ, bảo đảm sự thành công của dự án. Vì vậy, dự án PPP có phần vốn Nhà nước tham gia càng thấp thì càng có khả năng bảo đảm tính khả thi, hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước. Khi thông qua Luật PPP, Quốc hội đã cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này và đã quyết định mức trần vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Việc không hạn chế mức trần tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP có thể làm mất đi bản chất đối tác công tư, dẫn đến suy giảm mục tiêu, hiệu quả đầu tư của dự án. Đối với dự án ở vùng khó khăn, có tác động đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo thì có thể xem xét, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để thực hiện.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Luật PPP, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đòi hỏi áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt. Do vậy, đối với dự án thực hiện tại địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, có yêu cầu áp dụng cơ chế đặc biệt, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư (trong đó có nội dung áp dụng mức trần tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP).

2. Về yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia

Vấn đề: Luật PPP chưa quy định cụ thể tiêu chí xác định dự án “cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia” dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau.

Ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Việc quy định tiêu chí cụ thể xác định dự án “cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia” là không khả thi do yêu cầu bảo mật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, căn cứ vào đặc điểm, tính chất đặc thù của từng dự án, Bộ Quốc phòng (đối với yêu cầu về quốc phòng), Bộ Công an (đối với yêu cầu về an ninh quốc gia) sẽ có ý kiến cụ thể về nội dung này theo hướng dẫn tại Mục C.II.3.a Mẫu số 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP.

3. Về chức năng đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Vấn đề: Chức năng đăng tải thông tin khảo sát chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật kịp thời trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, do đó làm chậm tiến độ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Ngay sau khi Luật PPP được ban hành và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 29/3/2021), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện các chức năng liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP theo quy định mới của Luật PPP trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhằm đảm bảo đủ điều kiện để đơn vị chuẩn bị dự án thực hiện đăng tải thông tin khảo sát trên Hệ thống. Đề nghị các địa phương chủ động nghiên cứu, cập nhật quy định chính sách mới và các chức năng trên Hệ thống. Trường hợp có vướng mắc liên quan đến thao tác kỹ thuật trên Hệ thống, các địa phương có thể liên hệ trực tiếp số điện thoại trên Hệ thống để được hỗ trợ.

4. Về việc điều chỉnh giá, phí sản phẩm, dịch vụ công

Vấn đề: Các Nghị định hướng dẫn Luật PPP chưa có quy định trách nhiệm và phương án xử lý trong trường hợp nhà đầu tư không được tăng giá theo lộ trình trong hợp đồng BOT dẫn tới làm phương án tài chính mất cân đối, không thu hút được nhiều nhà đầu tư, tổ chức tín dụng cho vay vốn.

Ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Mức giá, phí hàng hóa, dịch vụ được quy định cụ thể tại hợp đồng dự án. Trường hợp các bên có yêu cầu tăng giá, phí theo tiến độ khác với quy định của hợp đồng dự án thì cần đàm phán, sửa đổi hợp đồng theo quy định tại Điều 50 và các điều khoản có liên quan của Luật PPP.

5. Về việc lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án PPP

[...]