Hướng dẫn 297/NHCS-TDNN thực hiện cho vay người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp theo Quyết định 52/2012/QĐ-TTg do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành

Số hiệu 297/NHCS-TDNN
Ngày ban hành 04/02/2013
Ngày có hiệu lực 04/02/2013
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ngân hàng Chính sách Xã hội
Người ký Nguyễn Văn Lý
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Lao động - Tiền lương,Bất động sản

NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH
XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 297/NHCS-TDNN

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHO VAY NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ THU HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 52/2012/QĐ-TTg NGÀY 16/11/2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Ngày 16/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hướng dẫn chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố thực hiện như sau:

I. CHO VAY ĐI LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN Ở NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ THU HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP

1. Đối tượng được vay vốn

Người lao động thuộc các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên phạm vi cả nước bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường (sau đây gọi là người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp)

Riêng người lao động thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, khi đi làm việc ở nước ngoài được thụ hưởng chính sách theo quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ; việc cho vay thực hiện hướng dẫn tại văn bản số 2667/NHCS-TDNN ngày 21/9/2009 và các văn bản chỉ đạo hiện hành của Tổng giám đốc.

2. Điều kiện vay vốn

Người lao động phải có đủ các điều kiện sau:

a) Có hộ khẩu thường trú tại hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi;

b) Có Quyết định thu hồi đất với thời hạn trong vòng 3 năm kể từ ngày Quyết định thu hồi đất có hiệu lực;

c) Được bên tuyển dụng (Doanh nghiệp được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài - sau đây gọi là Doanh nghiệp xuất khẩu lao động) chính thức tiếp nhận đi lao động có thời hạn ở nước ngoài (có hợp đồng lao động ký kết giữa người lao động với đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp xuất khẩu lao động).

3. Mức cho vay

Mức cho vay được xác định theo nhu cầu và khả năng trả nợ của người vay nhưng tối đa bằng tổng các khoản chi phí cần thiết mà người lao động phải đóng góp theo quy định được ghi trên Hợp đồng và không vượt quá mức trần cho vay theo từng thị trường lao động đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định từng thời kỳ.

Hiện nay, mức trần cho vay theo từng thị trường thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại phụ lục đính kèm văn bản số 3354/LĐTBXH-QLLDNN ngày 09/9/2009 về mức chi phí đối với lao động huyện nghèo vay vốn đi làm việc ở nước ngoài và văn bản số 3328/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 04/10/2011 về việc bổ sung mức trần chi phí đối với lao động huyện nghèo vay vốn đi làm việc ở Malaysia.

Trong mức cho vay không bao gồm các khoản chi phí ngoài Hợp đồng như: học phí học nghề, học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định của pháp luật; lệ phí làm visa, hộ chiếu, khám sức khỏe, lệ phí lý lịch tư pháp, do người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp khi đi xuất khẩu lao động được Nhà nước hỗ trợ 100% các khoản chi phí này.

4. Hồ sơ vay vốn

a) Ngoài các loại giấy tờ trong bộ hồ sơ vay vốn theo quy định hiện hành của chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, người vay phải có Quyết định thu hồi đất nông nghiệp của cấp có thẩm quyền (bản sao có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã).

b) Trường hợp người có tên trong Quyết định thu hồi đất nông nghiệp không phải chủ hộ và không trùng với người đứng tên vay trong Sổ vay vốn (hộ đã vay vốn NHCSXH) thì người vay đề nghị UBND cấp xã xác nhận quan hệ của người vay và người lao động thuộc đối tượng được vay đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là vợ, chồng, bố, mẹ,... của người có tên trong Quyết định thu hồi đất đang trong cùng hộ khẩu của gia đình.

5. Các quy định khác

Các quy định khác về: lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, phương thức cho vay, chi trả phí dịch vụ ủy thác cho đơn vị nhận ủy thác và hoa hồng cho Tổ Tiết kiệm và vay vốn, quy trình cho vay, xử lý nợ bị rủi ro,... được thực hiện như chương trình cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hướng dẫn của Tổng Giám đốc NHCSXH tại văn bản số 1034/NHCS-TD ngày 21/4/2008.

6. Hạch toán kế toán

NHCSXH nơi cho vay sử dụng tài khoản cho vay đi lao động nước ngoài, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để hạch toán các khoản cho vay người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp đi xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, chi phí học tập cho học sinh sinh viên theo chế độ quy định.

II. CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ THU HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp được NHCSXH ưu tiên cho vay vốn để tạo việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của NHCSXH.

III. CHO VAY THEO CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG HỌC SINH SINH VIÊN ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ THU HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Đối với người lao động thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp đồng thời cũng thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh sinh viên thì được vay vốn chương trình cho vay học sinh sinh viên theo quy định hiện hành.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

[...]