Công văn 2929/BKHĐT-QLĐT năm 2019 trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về sửa đổi Luật đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Số hiệu | 2929/BKHĐT-QLĐT |
Ngày ban hành | 07/05/2019 |
Ngày có hiệu lực | 07/05/2019 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Người ký | Đặng Quang Tư |
Lĩnh vực | Đầu tư |
BỘ
KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2929/BKHĐT-QLĐT |
Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2019 |
Kính gửi: Công ty CP Xử lý Ùn tắc giao thông - Môi trường
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được văn bản số 2229/UBPL14 ngày 10/4/2019 của Ủy ban pháp luật của Quốc hội và văn bản số 456/PC-VPCP ngày 8/4/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc xem xét kiến nghị của Quý Công ty tại các văn bản số: 487/XLUTGT-MT ngày 22/3/2019, 552/XLUTGT-MT ngày 29/3/2019 về việc góp ý sửa đổi Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP; đồng thời trong thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhận được nhiều văn bản của Quý Công ty kiến nghị sửa đổi Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (tại các văn bản số: 569/XLUTGT-MT ngày 01/4/2019, 614/XLUTGT-MT ngày 5/4/2019) và gần đây nhất là các văn bản: 676/XLUTGT-MT ngày 13/4/2019, 759/XLUTGT-MT ngày 2/5/2019. Sau khi nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy các văn bản kiến nghị nêu trên của Quý Công ty đều đề cập đến việc sửa đổi Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP theo hướng thực hiện đấu thầu trực tuyến (đấu thầu qua mạng) đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu. Liên quan đến kiến nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 2150/BKHĐT-QLĐT ngày 4/4/2019 (phúc đáp các văn bản số: 440/XLUTGT-MT ngày 18/3/2019, 486/XLUTGT-MT ngày 22/3/2019, 505/XLUTGT-MT ngày 25/3/2019 của Quý Công ty) và gửi đến Quý Công ty theo đường bưu điện và qua email của Quý Công ty theo địa chỉ xulyuntacgiaothong@gmail.com. Do đó đề nghị Quý Công ty nghiên cứu kỹ văn bản số 2150/BKHĐT-QLĐT ngày 4/4/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (bản chụp kèm theo) mà không nên đưa ra các quan điểm, nhận định một cách phiến diện và chung chung, không chỉ rõ được đâu là hạn chế ở quy định hay tồn tại ở khâu thực thi. Quá trình soạn thảo Luật đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành; được lấy ý kiến rộng rãi trên toàn quốc qua rất nhiều cuộc họp, hội thảo..., trước khi ban hành đều đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ cũng như của Chính phủ để các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến. Sau 5 năm thi hành Luật đấu thầu, việc mua sắm luôn đem lại giá trị tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, qua xem xét các tài liệu gửi kèm (theo dạng một bản thảo sửa đổi Luật đấu thầu), chúng tôi thấy rằng bản thảo hầu như chép lại một cách cắt xén các quy định của Luật đấu thầu hiện hành. Riêng đối với nội dung đề xuất đấu thầu trực tuyến công khai, Quý Công ty còn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa đấu thầu lựa chọn nhà thầu và đấu giá nên không có cơ sở khoa học cả về lý luận thực tiễn để tiếp thu. Một lần nữa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định rằng quy trình về lựa chọn nhà thầu hiện nay (bao gồm đấu thầu qua mạng - đấu thầu trực tuyến) đã được quy định rõ ràng, thống nhất, đồng bộ tại Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, quy trình lựa chọn nhà thầu (cả đấu thầu truyền thống và qua mạng) đều phải qua các bước đánh giá về tư cách nhà thầu (về pháp lý), năng lực kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện gói thầu rồi cuối cùng mới xét đến giá. Do vậy, đề xuất của Quý Công ty chỉ bàn về giá thấp, giá cao là chưa bảo đảm tính khoa học của đấu thầu theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các thông lệ tốt trên thế giới.
Đề nghị Quý Công ty không gửi liên tục các kiến nghị trùng lặp (nhưng không có cơ sở để tiếp thu như phân tích ở trên) đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và các cơ quan khác để tránh gây lãng phí về mặt thời gian và ảnh hưởng đến công tác chung.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo để Quý Công ty được biết./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |