Công văn 2925/BYT-TT-KT năm 2019 giải đáp thắc mắc về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú" do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 2925/BYT-TT-KT |
Ngày ban hành | 28/05/2019 |
Ngày có hiệu lực | 28/05/2019 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Nguyễn Viết Tiến |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
BỘ Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2925/BYT-TT-KT |
Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2019 |
Kính gửi: |
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương; |
Ngày 28/12/2018 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 7888/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai xét tặng Danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú" lần thứ 13 - năm 2020. Trên cơ sở các ý kiến gửi, để bảo đảm thống nhất trong lần xét tặng này, Bộ Y tế xin làm rõ các ý kiến, cụ thể như sau:
1. Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 41/2015/NĐ-CP quy định: “Thầy thuốc trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản là bác sỹ, dược sỹ và y sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên y, dược có trình độ trung cấp chuyên ngành trở lên”. Vì vậy:
- Đối với đối tượng cử nhân sinh học, cử nhân hóa học, kỹ sư nông nghiệp không thuộc đối tượng xét tặng. Nếu sau đó, đối tượng này tham gia đào tạo chuyên ngành y, dược và được bổ nhiệm ngạch theo đúng chuyên ngành y, dược thì được tham gia xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”. Tuy nhiên, thời gian để tính thời gian làm chuyên môn kỹ thuật phải được tính từ khi được bổ nhiệm ngạch chuyên ngành y, dược.
- Đối với các thầy thuốc làm công tác quản lý y tế (có trình độ trung cấp chuyên ngành y, dược trở lên) phải có xác nhận thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật.
- Đối với thầy thuốc vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp tham gia công tác chuyên môn tại các khoa lâm sàng được tính theo điều kiện, tiêu chuẩn của thầy thuốc trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật quy định tại Khoản 4, Điều 9 và Khoản 5, Điều 10.
- Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 41/2015/NĐ-CP quy định: “Thầy thuốc làm công tác quản lý y tế” thì đối tượng được xem là cán bộ quản lý y tế trước hết phải là thầy thuốc theo quy định tại Điều 2 của Nghị định này. Các đối tượng không có bằng cấp về y, dược không thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” theo Điều 2 của Nghị định.
2. Điều 4 Nghị định số 41/2015/NĐ-CP quy định: “Danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” được xét 03 năm một lần” nghĩa là các thầy thuốc đã được công nhận “Thầy thuốc Ưu tú” đợt 12, nếu đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn vẫn có thể nộp hồ sơ tham gia xét tặng lần này. Các quy định hiện hành không quy định về khoảng cách thời gian giữa 02 lần xét tặng.
3. Khoản 4, Điều 6 Nghị định số 41/2015/NĐ-CP quy định: “Thời gian thầy thuốc đi học không gắn với bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ y, dược theo hình thức tập trung trên 12 tháng... không được tính là thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế”. Vì vậy, các thầy thuốc đi học gắn với chuyên môn y, dược được tính là thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế.
4. Khoản 5, Điều 6 Nghị định số 41/2015/NĐ-CP quy định: “Trường hợp các thầy thuốc có sự chuyển đổi vị trí công tác, gián đoạn thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật thì được cộng dồn các thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế” để tính số năm làm chuyên môn kỹ thuật.
- Thời gian trực tiếp làm chuyên môn trong giai đoạn lập sự hưởng 85% lương có được tính và bác sĩ có 02-03 lần chuyển đổi nơi làm việc, có tới 02-03 lần tập sự hưởng 85% thì tất cả các lần tập sự đó được cộng dồn tính là thời gian là chuyên môn kỹ thuật y tế nhưng phải có Giấy chứng nhận theo đúng quy định.
- Thời gian học bác sĩ nội trú được tính là thời gian làm chuyên môn kỹ thuật (phải có Giấy xác nhận của Nhà trường, bệnh viện hoặc Bằng Bác sĩ nội trú).
5. Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 41/2015/NĐ-CP quy định: "Cá nhân chuyển đơn vị công tác được đề nghị xét tặng tại đơn vị trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật hoặc quản lý về y tế trước khi chuyển công tác".
Ví dụ: Thầy thuốc Lê Thị A đang công tác tại Bệnh viện C, tỉnh X được điều động về Sở Y tế tỉnh X giữ chức Trưởng phòng Nghiệp vụ Y. Thầy thuốc Lê Thị A được tham gia nộp hồ sơ xét tặng tại Bệnh viện C, tỉnh X nếu Bệnh viện C, tỉnh X đủ điều kiện thành lập Hội đồng cấp cơ sở; hoặc thầy thuốc Lê Thị A có thể đề nghị xét tặng tại Hội đồng cấp cơ sở Sở Y tế tỉnh X.
6. Điều 9, Nghị định số 41/2015/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”: cụm từ “Danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân” được xét tặng cho thầy thuốc đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” và đạt các tiêu chuẩn sau:…” cụ thể, sau khi được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”, các thầy thuốc phải đạt được các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 41/2015/NĐ-CP thì mới tham gia xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”; các tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học và khen thưởng phải đạt được sau khi đã được phong tặng danh hiệu "Thầy thuốc Ưu tú".
7. Điểm b, Khoản 3, Điều 10 Nghị định số 41/2015/NĐ-CP quy định “Thầy thuốc công tác tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...” được quy định là các thầy thuốc công tác trên địa bàn các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các thầy thuốc làm việc tại các Trung tâm y tế huyện, các bệnh viện tuyến huyện đóng trên địa bàn các xã này đều được tính.
8. Khoản 4, Điều 10 Nghị định số 41/2015/NĐ-CP quy định: "đã được 06 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và ít nhất 02 Bằng khen cấp Bộ, tỉnh vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh, phát triển khoa học kỹ thuật về y tế". Không quy định về tính liên tục, cũng như năm liền kề giữa các lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Bằng khen cấp Bộ, tỉnh phải là bằng khen có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh, phát triển khoa học kỹ thuật về y tế. Vì vậy, Các Bằng khen của Bộ, tỉnh về chuyên đề về an ninh quốc phòng, phòng chống cháy nổ, công tác Đảng, công tác đoàn thể, Lễ kỷ niệm, Hội nghị, thành lập đơn vị, bằng khen cống hiến... không được tính vào điều kiện xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, "Thầy thuốc Ưu tú".
9. Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 41/2015/NĐ-CP quy định: Hội đồng cấp cơ sở và Hội đồng cấp Bộ, tỉnh do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định thành lập có từ 09 đến 19 thành viên.
10. Khoản 5, Điều 11 Nghị định số 41/2015/NĐ-CP: có thể mời một số Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú tham gia Hội đồng xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, "Thầy thuốc Ưu tú" (nếu có).
11. Khoản 7, Điều 11 Nghị định số 41/2015/NĐ-CP không quy định thành lập Tổ thư ký giúp Hội đồng thẩm định hồ sơ xét tặng. Tuy nhiên, các Hội đồng có thể thành lập Tổ Thư ký giúp việc cho Hội đồng; để bảo đảm tính khách quan, những cá nhân đang đề nghị xét tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú thì không tham gia Thành viên và Tổ thư ký giúp việc Hội đồng.
12. Điều 12 Nghị định số 41/2015/NĐ-CP:
- Cá nhân đang công tác ở những đơn vị không đủ điều kiện thành lập Hội đồng cơ sở (Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tỉnh, Hội đồng y, Hội Chữ thập đỏ...) nộp hồ sơ đề nghị xét tặng tại Hội đồng cấp cơ sở Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương đó. Việc lấy phiếu tín nhiệm của quần chúng được tổ chức tại đơn vị công tác chỉ hợp lệ khi đơn vị có đủ số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có trình độ trung cấp y, dược trở lên tham dự cuộc họp. Nếu không hợp lệ, cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Thầy thuốc phải thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm quần chúng tại Hội đồng cấp cơ sở tương ứng.
- Giải thích từ ngữ: cụm từ "các đơn vị y tế không đủ điều kiện thành lập Hội đồng" được nêu tại Điểm b, Khoản 3, Điều 12 của Nghị định số 41/2015/NĐ-CP là những đơn vị y tế không thuộc quy định tại Khoản 1, 2, Điều 12, Nghị định số 41/2015/NĐ-CP.
- Thầy thuốc đang công tác tại Trạm Y tế cấp xã thuộc Trung tâm Y tế huyện được xét tặng tại Hội đồng cấp cơ sở Trung tâm Y tế huyện theo Khoản 2, Điều 12, Nghị định số 41/2015/NĐ-CP. Thành phần Hội đồng theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 41/2015/NĐ-CP;
- Thầy thuốc công tác tại phòng Y tế huyện không có đơn vị trực thuộc không đủ điều kiện thành lập Hội đồng cấp cơ sở cấp huyện sẽ đề nghị xét tặng tại Hội đồng cấp cơ sở Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Khoản 1, Điều 12, Nghị định số 41/NĐ-CP quy định: “Hội đồng cấp cơ sở cấp huyện có Trạm y tế xã trực thuộc Phòng y tế và các cơ sở y tế khác trên địa bàn”, do vậy thầy thuốc đang công tác tại Trung tâm Dân Số-Kế hoạch hóa gia đình sẽ được xét tặng tại Hội đồng này. Ngoài ra, thầy thuốc công tác tại Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ được xét tặng tại Hội đồng cơ sở Sở Y tế tại địa phương đó.
- Ở những đơn vị nếu tất cả các đồng chí lãnh đạo đơn vị đều tham gia xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” thì Chủ tịch Hội đồng cấp cơ sở do Chủ tịch Công đoàn đảm nhiệm, trường hợp tất cả Các đồng chí đều tham gia xét tặng “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” thì chuyển hồ sơ về Hội đồng Cấp cơ sở tại cơ quan Bộ Y tế (nếu đơn vị đó thuộc, trực thuộc Bộ) hoặc Hội đồng cấp cơ sở tại sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Hội đồng cấp cơ sở tại các Bộ, Ban ở Trung ương có Y tế ngành.
- Thầy thuốc đang công tác tại các cơ sở y tế tư nhân thì được xét tại Hội đồng cấp cơ sở y tế tư nhân đó nếu cơ sở y tế tư nhân đủ điều kiện thành lập Hội đồng theo quy định tại các Khoản 1 và 2, Điều 12 Nghị định số 41/2015/NĐ-CP hoặc tại Hội đồng cấp cơ sở cấp huyện mà đơn vị đóng trên địa bàn huyện đó.