Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị định 41/2015/NĐ-CP Quy định về xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân", "Thầy thuốc Ưu tú"

Số hiệu 41/2015/NĐ-CP
Ngày ban hành 05/05/2015
Ngày có hiệu lực 20/06/2015
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/2015/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2015

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ XÉT TẶNG DANH HIỆU “THẦY THUỐC NHÂN DÂN”, “THẦY THUỐC ƯU TÚ”

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định đối tượng, tiêu chuẩn, hồ sơ, quy trình xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”.

Điều 2. Đối tượng xét tặng

Đối tượng được xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” gồm bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, lương y, lương dược và cán bộ quản lý y tế (sau đây gọi chung thầy thuốc).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Thầy thuốc trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản là bác sỹ, dược sỹ và y sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên y, dược có trình độ trung cấp chuyên ngành trở lên.

2. Thầy thuốc làm công tác quản lý y tế là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ sở y tế; viên chức làm việc trong các phòng, ban, văn phòng của bệnh viện, viện, trung tâm; cán bộ, công chức tại phòng Y tế, Sở Y tế, Bộ Y tế; công chức chuyên trách công tác quản lý y tế tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

3. Thầy thuốc làm công tác nghiên cứu y, dược là thầy thuốc, trực tiếp làm công tác nghiên cứu tại các bộ phận nghiên cứu y, dược của các đơn vị chuyên môn kỹ thuật y tế hoặc tại các phòng xét nghiệm (labo) của các đơn vị có chức năng nghiên cứu y, dược trong ngành Y tế.

4. Lương y là người có hiểu biết về lý luận y dược học cổ truyền, có kinh nghiệm khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y dược học cổ truyền có dùng thuốc hoặc không dùng thuốc được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế công nhận sau khi có ý kiến của Hội đồng y trung ương hoặc Hội đồng y cấp tỉnh.

5. Lương dược là người có hiểu biết sâu về lý luận y học cổ truyền cũng như kỹ thuật thực hành trong lĩnh vực chế biến và bào chế, sản xuất và dùng thuốc y học cổ truyền; đã được cấp Giấy chứng nhận lương dược do cơ sở có chức năng đào tạo được Bộ Y tế chỉ định đào tạo và cấp bằng.

6. Thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật y tế là thời gian thường xuyên làm công tác khám bệnh, chữa bệnh; y học cổ truyền; kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm; sản xuất dược phẩm; nghiên cứu y, dược; phòng chống dịch, bệnh; giám định y khoa và truyền thông giáo dục sức khỏe.

Điều 4. Thời gian xét tặng

Danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” được xét 3 năm một lần và công bố vào dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2, theo kế hoạch do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Điều 5. Quyền lợi và trách nhiệm của “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”

1. Cá nhân đạt danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” được tặng:

a) Huy hiệu và Bằng chứng nhận của Chủ tịch nước;

b) Tiền thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng;

c) Các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Cá nhân đạt danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú” có trách nhiệm tiếp tục phát huy phẩm chất đạo đức, tài năng để thực sự là gương sáng cho đồng nghiệp noi theo và nhân dân quý trọng.

[...]