Công văn số 2666/LĐTBXH-LĐVL của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP

Số hiệu 2666/LĐTBXH-LĐVL
Ngày ban hành 04/08/2006
Ngày có hiệu lực 04/08/2006
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Đại Đồng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2666/LĐTBXH-LĐVL
V/v: Giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 08 năm 2006 

Kính gửi: Sở lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Giang

Trả lời Công văn số 670/LĐTBXH-TL ngày 21/7/2006 của quý Sở về nội dung ghi ở trích yếu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Đối với người lao động có tên trong danh sách lao động hiện có của nông trường tại thời Điểm giải thể thực hiện theo đúng quy định tại Tiết g, Điểm 2 Mục II Thông tư số 16/2005/TT-BLĐTBXH ngày 19/4/2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số Điều về chính sách lao động theo Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh.

2. Ngày 10/8/2004 Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về  chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, trong đó bổ sung đối tượng là người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của nông, lâm trường quốc doanh. Như vậy, người lao động thuộc các lâm trường được giao rừng thực hiện trả lại cho Nhà nước trước thời Điểm Nghị định số 155/2005/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành thì được hưởng chính sách đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ.

3. Chính sách đối với các đối tượng không thuộc diện ký hợp đồng lao động không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trên đây là ý kiến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đề nghị quý Sở hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, Vụ LĐ-VL

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ LAO ĐỘNG - VIỆC LÀM



 
Nguyễn Đại Đồng