Công văn về việc quản lý hàng hoá chuyên dành phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp theo Nghị định 89/CP ngày 15/12/95 của Chính phủ

Số hiệu 2515-NN-HTQT/CV
Ngày ban hành 29/07/1996
Ngày có hiệu lực 29/07/1996
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Quang Hà
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2515-NN-HTQT/CV

Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 1996

 

CÔNG VĂN

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 2515 NN-HTQT/CV NGÀY 29 THÁNG 7 NĂM 1996 VỀ VIỆC QUẢN LÝ XNK HÀNG HOÁ CHUYÊN NGÀNH PHỤC VỤ NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP THEO NĐ 89/CP NGÀY 15/12/1995 CỦA CHÍNH PHỦ

Kính gửi

- Bộ Thương mại,
- Tổng cục Hải quan,

 

Để có sự thống nhất quản lý việc xuất - nhập khẩu các loại hàng hoá, cần có ý kiến xác nhận của cơ quan quản lý chuyên ngành trước khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu theo Điều 3 của Nghị định 89/CP ngày 15/12/1995 của Chính phủ về việc bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xuất nhập khẩu hàng hoá từng chuyến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

1. Danh mục các mặt hàng cần có ý kiến xác nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu:

1.1. Động vật rừng - thực vật rừng: Quy định và danh mục cụ thể đối với xuất - nhập khẩu động vật rừng, thực vật rừng thực hiện theo Thông tư 04 NN/KLTT ngày 05/02/1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thi hành Nghị định số 02/CP ngày 25/01/1995 của Chính phủ.

1.2. Sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản: Sản phẩm chế biến từ gỗ và lâm sản thực hiện theo Thông tư Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thương mại - Tổng cục Hải quan số 01/TTLB ngày 22/12/1995 hướng dẫn thực hiện Quyết định 664/TTg ngày 18/10/1995 của Chính phủ và Thông tư Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thương mại, Tổng cục Hải quan số 06/TTLB ngày 02/04/1996 hướng dẫn bổ sung và sửa đổi một số vấn đề xung quanh việc thực hiện Thông tư Liên Bộ 01/TTLB ngày 22/12/1995.

1.3. Giống vật nuôi trong nông nghiệp: Là các giống gia súc, gia cầm; ong; tằm; và các loại động vật khác được nuôi sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm: giống gốc; giống ông - bà; giống bố - mẹ; giống thương phẩm, dưới dạng con giống; trứng giống; phôi, hợp tử; tinh dịch; vi sinh vật phục vụ trồng trọt và chăn nuôi nông nghiệp.

1.4. Giống cây trồng trong nông nghiệp và lâm nghiệp: Là các loại giống cây trồng (cây công nghiệp dài ngày; cây công nghiệp ngắn ngày; cây lương thực; cây rau; cây hoa; câyăn quả và các loại cây trồng nông nghiệp khác), bao gồm: giống gốc; giống nguyên chủng; giống xác nhận (giống thương mại); giống địa phương, dưới dạng: hạt, củ, hom, cành, chồi rễ, thân; lá; cây; mắt ghép; cành ghép; hoa; mô; bao tử hoặc sợi nấm dùng để làm giống hoặc lưu giữ quỹ gen.

1.5. Thức ăn chăn nuôi: Các loại sản phẩm có nguồn gốc thực vật; động vật; vi sinh vật; hoá chất; khoáng chất dùng làm thức ăn cho động vật nuôi trong nông nghiệp, bao gồm: nguyên liệu thức ăn; thức ăn thành phẩm (thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh); thức ăn bán thành phẩm; thức ăn bổ sung; thức ăn giai đoạn; thức ăn đậm đặc; Premix.

Một số ngành hàng không nêu trong Nghị định 89/CP ngày 15/12/1995 của Chính phủ, nhưng cần phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi xuất - nhập khẩu theo quy định của pháp lệnh;

1.6 Thuốc bảo vệ thực vật (theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật công bố ngày 15/12/1993 và Nghị định số 92/CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật). Danh mục nhóm hàng này theo danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam; Danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam; Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hàng năm.

1.7. Thuốc thú y (theo quy định tại Pháp lệnh Thú y công bố ngày 15/2/1993 và Nghị định số 93/CP ngày 27/11/1993 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thú y); Danh mục nhóm hàng này theo Danh mục thuốc thú ý được phép sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố hàng năm.

Một số đề nghị bổ sung khác:

Trong mục 2 Điều 3 của Nghị định 89/CP ngày 15/12/1995 chỉ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến xác nhận đối với đơn hàng xin nhập khẩu giống vật nuôi trong nông nghiệp, giống cây trồng trong nông nghiệp và lâm nghiệp; thức ăn chăn nuôi (theo các danh mục 1.3; 1.4; 1.5 trên đây). Đề nghị cũng cần phải có ý kiến xác nhận đối với đơn hàng xin xuất khẩu các nhómhàng này để thống nhất với quy định trong các Nghị định số 07/CP ngày 05/02/1996 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng, Nghị định số 14/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ về quản lý giống vật nuôi; Nghị định số 15/CP ngày 19/3/1996 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định các Cục, Vụ chức năng (theo danh sách dưới đây) chịu trách nhiệm giúp Bộ quản lý và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan tới việc xuất - nhập khẩu các nhóm hàng kể trên thực hiện đúng các quy định hiện hành:

2.1. Cục Kiểm lâm: các mặt hàng thuộc 1.1;

2.2. Cục Phát triển Lâm nghiệp: các mặt hàng thuộc 1.2;

2.3. Cục Khuyến nông và Khuyến lâm: các mặt hàng thuộc mục 1.3; 1.4; 1.5;

2.4. Cục Bảo vệ thực vật: các mặt hàng thuộc 1.6;

2.5. Cục Thú y: các mặt hàng thuộc mục 1.7.

3. Việc ký xác nhận các đơn hàng xin xuất nhập khẩu các loại hàng hoá thuộc các danh mục trên, trước mắt chỉ định như sau:

3.1. Nhóm hàng thuộc 1.1: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Kiểm lâm xem xét và ký.

3.2. Nhóm lhàng thuộc 1.2: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Phát triển Lâm nghiệp xem xét và ký.

3.3. Nhóm hàng thuộc 1.3; 1.4; 1.5: Do lãnh đạo Cục Khuyến nông và Khuyến lâm xem xét trình lãnh đạo Bộ ký.

3.4. Nhóm hàng thuộc 1.6: Đối với danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật xem xét trình lãnh đạo Bộ ký. Đối với danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật xem xét và ký.

3.5. Nhóm hàng thuộc mục 1.7: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Thú ý xem xét và ký.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ