Công văn 2415/LĐTBXH-KHTC năm 2022 xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 2415/LĐTBXH-KHTC |
Ngày ban hành | 08/07/2022 |
Ngày có hiệu lực | 08/07/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký | Lê Tấn Dũng |
Lĩnh vực | Thương mại,Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội |
BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2415/LĐTBXH-KHTC |
Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2022 |
Kính gửi: |
- Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; |
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, lạm phát tiếp tục ở mức cao. Ở trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bắt đầu được thực hiện và giải ngân. Tuy nhiên, rủi ro, thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát nặng nề hơn; các vấn đề xã hội - môi trường như già hóa dân số, thất nghiệp, chênh lệch giàu nghèo, thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn... gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Căn cứ Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, phương hướng phát triển đất nước 5 năm 2021-2025 và chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch 5 năm lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tại Quyết định số 1218/QĐ-LĐTBXH ngày 26/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các năm vừa qua, phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2023, tạo đà cho các năm tiếp theo trong giai đoạn 2021-2025, Bộ hướng dẫn các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố tập trung, chủ động xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Về đánh giá kết quả thực hiện năm 2022
a) Yêu cầu
- Đánh giá đúng thực chất tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, ước thực hiện cả năm 2022 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; so sánh với kết quả thực hiện cùng kỳ năm 2021 và kế hoạch năm 2022. Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 và các Nghị quyết khác của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Quyết định số 18/QĐ-LĐTBXH ngày 10/01/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ ban hành từ đầu năm 2022 đến nay; kết quả thực hiện các chương trình, đề án theo từng lĩnh vực cụ thể. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội.
- Yêu cầu việc đánh giá phải khách quan, sát thực tiễn, đúng thực chất kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong phạm vi cả nước theo lĩnh vực do các đơn vị phụ trách và từng tỉnh, thành phố. Làm nổi bật những kết quả đã đạt được; chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, khó khăn và nguyên nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm; dự kiến mức độ hoàn thành và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong các tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu Kế hoạch năm 2022 đã đề ra từ đầu năm.
b) Nội dung đánh giá thực hiện Kế hoạch năm 2022
(I) Bối cảnh thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 về lao động, người có công và xã hội.
(II) Tình hình thực hiện Kế hoạch năm 2022 và kết quả đạt được. (III) Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
(IV) Dự kiến mức độ hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu kế hoạch năm; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong các tháng cuối năm 2022.
2. Về xây dựng Kế hoạch năm 2023
a) Yêu cầu trong xây dựng Kế hoạch năm 2023
- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm, ước thực hiện cả năm 2022; dự báo cơ hội, thách thức đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành để có căn cứ luận chứng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
- Mục tiêu của Kế hoạch năm 2023 (mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu cụ thể) phải thể hiện sự quyết tâm, phấn đấu đạt được mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; bám sát chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
- Kế hoạch năm 2023 đảm bảo phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, phương hướng phát triển đất nước 5 năm 2021-2025, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh, thành phố và tình hình thực tiễn của mỗi địa phương và phải thống nhất, phù hợp các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 của ngành (Quyết định số 1218/QĐ- LĐTBXH ngày 26/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu của Kế hoạch năm 2023 phải bảo đảm tính khả thi, gắn kết với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đặc biệt cần phân tích, đánh giá, lựa chọn, sắp xếp thứ tự các mục tiêu ưu tiên, nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm cần có sự đột phá trong kế hoạch; đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 liên quan đến các lĩnh vực của ngành. Đồng thời, phù hợp với khả năng thực hiện kế hoạch của ngành, địa phương; đảm bảo phát huy kết quả đạt được, có tính kế thừa, đổi mới và phát triển.
- Các nhiệm vụ, đề án phải cụ thể về nội dung, thời gian, tiến độ thực hiện, hoàn thành; cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp…
- Việc xây dựng Kế hoạch năm 2023 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội phải được triển khai đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống và có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị và các ngành, các cấp; đảm bảo tiến độ, thời gian và biểu mẫu quy định.
b) Nội dung chủ yếu của Kế hoạch năm 2023
- Bối cảnh xây dựng Kế hoạch năm 2023 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; phân tích, đánh giá về những thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với từng lĩnh vực của ngành; đặc biệt lưu ý các vấn đề như ảnh hưởng cuộc xung đột Nga - Ucraina, chính sách phòng, chống dịch COVID-19…
- Mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu cụ thể của từng lĩnh vực (bao gồm các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; các chỉ tiêu quản lý ngành).
- Định hướng nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu (về hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội; về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trên từng lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra và hợp tác quốc tế).
- Tổ chức thực hiện.
Chú ý, đối với các lĩnh vực có chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án đơn vị phải đề xuất nguồn lực nhằm bảo đảm khả năng thực hiện các mục tiêu đề ra của năm 2023.
(Đề cương chi tiết theo phụ lục 1; mục tiêu phấn đấu 5 năm giai đoạn 2021-2025 tại phụ lục 2 kèm theo công văn này).
Cùng với báo cáo thuyết minh, yêu cầu các đơn vị, địa phương tổng hợp đầy đủ số liệu theo biểu mẫu tại phụ lục 3 và phụ lục 4 kèm theo công văn này.