Công văn 235/TTg-CN năm 2023 trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình liên quan tới lĩnh vực năng lượng và xăng dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 235/TTg-CN
Ngày ban hành 08/04/2023
Ngày có hiệu lực 08/04/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 235/TTg-CN
V/v trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình liên quan tới lĩnh vực năng lượng và xăng dầu.

Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2023

 

Kính gửi:

- Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh.

Thủ tướng Chính phủ nhận được Phiếu chất vấn của Đại biểu với nội dung chất vấn như sau:

“1. Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành biểu giá mua điện mặt trời áp mái mới để thay thế biểu giá mua điện mặt trời áp mái tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân các doanh nghiệp góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

2. Đề xuất Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét cho Công ty Nhiệt điện Duyên Hải Trà Vinh (Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 - mở rộng) và Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2) được phát điện tối đa công suất nhằm đạt chỉ tiêu phân bổ hàng năm.

3. Về đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu và cơ chế điều hành giá bán xăng dầu, đề xuất Chính phủ và Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu đầy đủ cho địa bàn các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và có giải pháp hỗ trợ cho các thương nhân phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để ổn định và duy trì hoạt động kinh doanh không đứt gãy”.

Về nội dung Đại biểu chất vấn, Thủ tướng Chính phủ xin trả lời như sau:

1. Về ban hành biểu giá mua điện mặt trời áp mái mới:

Cơ chế giá bán điện cố định ưu đãi là cơ chế chính sách của Nhà nước để khuyến khích trong khoảng thời gian nhất định nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà. Quá trình thực hiện đã thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư để tự sử dụng và bán lại phần dư cho ngành điện; tận dụng được mái nhà các công trình để sản xuất điện; giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí truyền tải, phân phối điện từ các trung tâm sản xuất điện lớn đến từng nhà dân... Tuy nhiên, qua kết quả thanh tra, kiểm tra, quá trình thực hiện đầu tư, các chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà có một số thiếu sót, chưa tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, phòng cháy chữa cháy,... Việc này cần được chấn chỉnh để phát triển điện mặt trời áp mái đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà trong thời gian tới, cụ thể:

- Về quy hoạch: Trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã tính toán phát triển năng lượng tái tạo nói chung (điện gió, điện mặt trời, v.v...) với cơ cấu hợp lý (đặc biệt xem xét về hiệu quả, giá điện...) gắn với bảo đảm an toàn vận hành và hiệu quả kinh tế, môi trường chung của hệ thống điện; ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia (như để sản xuất hydro, amoniac xanh, hóa chất, v.v...); khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh theo phương thức tự sản xuất, tự tiêu dùng, không phát lên lưới điện quốc gia.

- Về cơ chế, chính sách: tại Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị đã giao Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời áp mái với mục đích tự dùng.

2. Về nội dung liên quan đến công suất phát điện của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải Trà Vinh (Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 - mở rộng) và Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2)

Theo quy định tại Thông tư 45/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Công Thương về Quy định vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng trực tiếp tham gia, chào giá cạnh tranh trên thị trường điện, nhà máy nhiệt điện BOT Duyên Hải 2 gián tiếp tham gia thị trường điện và vận hành theo các điều khoản tại hợp đồng. Vì vậy, mức phát điện của các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng sẽ tùy thuộc vào các bản chào giá, mức độ sẵn sàng phát điện của chính các nhà máy điện này, nhu cầu huy động của hệ thống và tuân thủ các quy định cạnh tranh trên thị trường điện do Bộ Công Thương ban hành. Nhà máy nhiệt điện BOT Duyên Hải 2 không trực tiếp tham gia cạnh tranh trên thị trường, việc huy động nhà máy theo mục tiêu tối thiểu hóa chi phí mua điện của toàn hệ thống điện.

Hàng năm, căn cứ nhu cầu cung cấp điện dự kiến cho toàn hệ thống điện, Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện Quốc gia năm, trong đó có dự kiến điện năng sản xuất của các nhà máy điện. Tuy nhiên, các điện năng sản xuất dự kiến này không phải là chỉ tiêu phân bổ hàng năm cho các nhà máy điện.

Thực tế, trong năm 2022, nhu cầu sử dụng điện tăng trưởng không cao do nền kinh tế đang phục hồi do tác động của đại dịch covid-19, bên cạnh đó các yếu tố thủy văn thuận lợi, phát điện của các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió và mặt trời) ổn định, trong khi đó giá nhiên liệu than tăng mạnh do tác động của tình hình chính trị trên thế giới làm cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trộn, than nhập khẩu như Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng có giá điện tăng rất cao và giảm mức cạnh tranh so với các nguồn điện khác trong hệ thống điện. Cũng do sử dụng than nhập khẩu để phát điện tăng cao trong thời gian qua nên mức độ phát điện của nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2 trong năm 2022 cũng bị giảm đáng kể. Đây là các nguyên nhân chính dẫn đến các nhà máy nhiệt điện than khu vực Duyên Hải khó đạt được sản lượng điện dự kiến theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện Quốc gia năm 2022 của Bộ Công Thương.

3. Về đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu và cơ chế điều hành giá bán xăng dầu

- Về cơ chế điều hành giá xăng dầu: Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Để giảm chi phí, bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ đã trình và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 02 lần, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu và đang xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, điều chỉnh các chi phí cấu thành trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (Premium, chi phí vận chuyển xăng dầu...) cho phù hợp với thực tế, đảm bảo tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, trong công tác điều hành giá xăng dầu trong những tháng đầu năm (khi giá xăng dầu thế giới tăng cao), đã chỉ đạo liên Bộ Công Thương - Bộ Tài Chính chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi sử dụng từ 33 - 1.500 đồng/lít tùy loại) để bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

- Về giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, Công văn chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, cơ quan liên quan để theo thẩm quyền và quy định hiện hành thực hiện tổng thể các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, bao gồm cả những giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó:

(1) Tập trung sửa đổi bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

(2) Triển khai việc lập Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(3) Giao Bộ trưởng Bộ Công Thương triển khai các biện pháp để thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân theo đúng quy định. Triển khai quyết liệt các giải pháp theo thẩm quyền không để tình trạng thiếu hụt xăng dầu xảy ra…

(4) Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

(5) Giao các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia; hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và quy định của Luật dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn liên quan.

(6) Chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát cụ thể vướng mắc của từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để xử lý, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời và tạo điều kiện tối đa bảo đảm nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

(7) Giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính chỉ đạo các cơ quan báo chí và phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam để thông tin tuyên truyền có định hướng, phản ánh khách quan, trung thực, toàn diện về tổng thể thị trường xăng dầu trong nước và thế giới trong bối cảnh có nhiều khó khăn như hiện nay, ổn định tâm lý xã hội và người dân, tránh gây hoang mang trong dư luận. Các Bộ: Công Thương, Tài chính chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí theo quy định.

(8) Giao Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ đạo Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn có phương án phân phối xăng dầu hợp lý, chủ động bám sát tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước để thực hiện kịp thời các giải pháp phù hợp, hiệu quả theo thẩm quyền.

[...]