Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Công văn 22/TY-KD thực hiện Chỉ thị 4127/CT-BNN-QLCL về tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, đồng thời ngăn ngừa dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan do Cục Thú y ban hành

Số hiệu 22/TY-KD
Ngày ban hành 06/01/2010
Ngày có hiệu lực 06/01/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Thú y
Người ký Hoàng Văn Năm
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC THÚ Y
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 22/TY-KD
V/v Triển khai thực hiện Chỉ thị số 4127/CT-BNN-QLCL ngày 14/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Hà Nội, ngày 06 tháng 01 năm 2010

 

Kính gửi:

- Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Các Cơ quan Thú y vùng;
- Trung tâm kiểm tra vệ sinh thú y TƯ I, II.

 

Thực hiện Chỉ thị số 4127/CT-BNN-QLCL ngày 14/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nông lâm thủy sản phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, đồng thời ngăn ngừa dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan, Cục Thú y đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện như sau:

1. Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật, giết mổ động vật hàng năm của địa phương và tổ chức thực hiện kế hoạch theo quy định tại Thông tư số 30/2009/TT-BNN ngày 04/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quy định kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y đối với sản xuất, kinh doanh sản phẩm động vật, giết mổ động vật sử dụng làm thực phẩm.

- Phối hợp với ngành y tế và các cơ quan khác liên quan tại địa phương tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vệ sinh thú y, VSATTP đối với các cơ sở giết mổ, sơ chế, kinh doanh thực phẩm tươi sống, sơ chế có nguồn gốc động vật;

- Kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật;

- Kiểm tra việc thực hiện các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật; cơ sở sơ chế, bảo quản, kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật;

- Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chất lượng thức ăn chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y và việc sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi;

- Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép; kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật không qua kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; giết mổ động vật, sơ chế, bảo quản sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm; gây ô nhiễm môi trường, làm lây lan dịch bệnh động vật.

2. Các Cơ quan Thú y vùng thực hiện:

- Hướng dẫn, đôn đốc các Chi cục Thú y trong vùng thực hiện chương trình hoạt động thanh tra, kiểm tra.

- Phối hợp với các Chi cục Thú y tại các địa bàn trọng điểm thực hiện thanh tra, kiểm tra các hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh và VSATTP.

- Tham gia các đoàn kiểm tra của Cục.

3. Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y trung ương I và II:

- Phối hợp với các Chi cục Thú y tổ chức kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và phân tích các chỉ tiêu vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm theo yêu cầu của các địa phương.

- Tham gia các đoàn kiểm tra của Cục.

4. Phòng Kiểm dịch động vật – Cục Thú y lập kế hoạch và trình lãnh đạo Cục thành lập các đoàn công tác của Cục đi kiểm tra các hoạt động về kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật; kiểm soát giết mổ động vật, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật tại một số địa bàn trọng điểm.

5. Các hoạt động kiểm tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt trong các dịp cao điểm lễ, tết tạo sự chuyển biến lớn về việc đảm bảo VSATTP bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, phòng chống dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan.

6. Chế độ báo cáo:

- Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình thực hiện chỉ thị về Cơ quan Thú y vùng phụ trách địa bàn trước ngày 18 hàng tháng. Tổng hợp báo cáo toàn bộ kết quả đợt kiểm tra tăng cường trong dịp Tết Nguyên đán về Cơ quan Thú y vùng trước ngày 20/2/2010.

- Các Cơ quan Thú y vùng Tổng hợp và báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị của đơn vị và các Chi cục Thú y trong vùng trước ngày 20 hàng tháng; tổng hợp báo cáo toàn bộ kết quả đợt kiểm tra tăng cường về Phòng kiểm dịch động vật – Cục Thú y (cả bằng đường email) trước ngày 22/02/2010.

- Các Trung tâm kiểm tra vệ sinh thú y trung ương I, II tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y theo yêu cầu của các địa phương trước ngày 20 hàng tháng; báo cáo toàn bộ kết quả đợt kiểm tra tăng cường về Phòng kiểm dịch động vật – Cục Thú y (cả bằng đường email) trước ngày 22/02/2010.

- Phòng kiểm dịch động vật – Cục Thú y tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị theo yêu cầu của Bộ.

- Mẫu báo cáo theo phụ lục gửi kèm.

Cục Thú y yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 4127/CT-BNN-QLCL ngày 14/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo kịp thời về Cục Thú y để xem xét giải quyết./.

 

[...]