Chỉ thị 4127/CT-BNN-QLCL năm 2009 về việc tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 4127/CT-BNN-QLCL
Ngày ban hành 14/12/2009
Ngày có hiệu lực 14/12/2009
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 4127/CT-BNN-QLCL

Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN PHỤC VỤ TIÊU DÙNG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN

Trong thời gian qua, các cơ quan Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và đạt được một số chuyển biến tích cực ban đầu. Nhằm tiếp tục tăng cường đảm bảo thực thi pháp luật, vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã triển khai thực hiện:

- Tổng kiểm tra, thanh tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản theo phân cấp thuộc địa phương quản lý từ nay đến Tết Nguyên đán. Trong đó tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với các vùng trồng rau, quả; việc sử dụng thuốc thú y, hóa chất tăng trọng tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; điều kiện vệ sinh thú y của các cơ sở giết mổ; việc sử dụng urê, hàn the, hóa chất cấm để bảo quản thủy sản khai thác; điều kiện vệ sinh cơ sở chế biến thủy sản, đặc biệt đối với cơ sở sản xuất thủy sản khô, cơ sở pha đấu nước mắm và sản phẩm dạng mắm. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm quy định về đảm bảo VSATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản; tạm thời đình chỉ hoạt động đối với cơ sở vi phạm nghiêm trọng.

- Bố trí kinh phí phục vụ hoạt động kiểm tra, lấy mẫu phân tích VSATTP đối với thực phẩm nông lâm thủy sản tại địa phương, đặc biệt tập trung lấy mẫu kiểm tra sản phẩm thịt, rau, quả và thủy sản tại chợ.

- Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông (báo đài, truyền hình, biểu ngữ, băng rôn, tờ rơi, tờ dán) nhằm tuyên truyền phổ biến và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, trách nhiệm và đạo đức kinh doanh đối với cộng đồng của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản; kiến thức lựa chọn thực phẩm an toàn vệ sinh cho người tiêu dùng.

- Báo cáo kết quả thực hiện các việc nêu trên về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (qua Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) trước ngày 28/2/2010 để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

2. Các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao:

2.1. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chủ trì, phối hợp với Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối, Cục Nuôi trồng thủy sản và Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các cơ quan chuyên môn ở địa phương thực hiện tổng kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản, tập trung kiểm tra đối với các cơ sở thu mua, sơ chế thủy sản, chợ cá, cơ sở chế biến thủy sản khô; cơ sở sản xuất, pha đấu, đóng chai nước nắm và sản phẩm dạng mắm.

2.2. Cục Thú y, Cục Chăn nuôi:

- Cục Thú y chủ trì phối hợp với cơ quan hải quan các cửa khẩu (cảng biển, sân bay, biên giới) để chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện kiểm soát chặt chẽ đối với thực phẩm có nguồn gốc từ động vật nhập khẩu về dịch bệnh, VSATTP. Trong đó, tập trung kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm (vi sinh vật gây bệnh, dư lượng hóa chất, thuốc thú y, kim loại nặng) đối với thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu. Đối với các trường hợp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu chủ hàng tái xuất lô hàng, đồng thời có văn bản cảnh báo gửi cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu.

- Chỉ đạo hệ thống thú y và cơ quan chuyên môn quản lý chăn nuôi ở địa phương: tổ chức các đoàn kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở chế biến, đóng gói thịt và sản phẩm từ thịt; kiểm soát chặt chất lượng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; việc tuân thủ các quy định về VSATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tại địa phương.

2.3. Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt:

- Cục Bảo vệ thực vật chủ trì tổ chức kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật nhập khẩu, trong đó tập trung vào các sản phẩm rau, quả nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ.

- Chỉ đạo hệ thống cơ quan bảo vệ thực vật và các cơ quan chuyên môn về trồng trọt thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường hướng dẫn nhân rộng các mô hình cơ sở sản xuất rau, quả an toàn, áp dụng VietGAP; tập trung kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.

2.4. Thanh tra Bộ:

- Chủ trì, phối hợp với các Cục quản lý chuyên ngành tổ chức một số đoàn thanh tra trọng điểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm sản thủy sản trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam. Trong đó, tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ động vật; cơ sở trồng trọt, đóng gói rau quả thực phẩm; cơ sở sản xuất, pha đấu, đóng gói nước mắm và sản phẩm dạng mắm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Báo cáo Bộ trưởng về kết quả thực hiện của các đoàn thanh tra, kiểm tra sau khi hoàn thành

2.5. Các đơn vị trực thuộc Bộ báo cáo tình hình thực hiện chỉ thị về Bộ trước ngày 24 hàng tháng. Tổng hợp báo cáo toàn bộ kết quả đợt kiểm tra tăng cường về Bộ (qua Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản trước ngày 28/2/2010.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện nghiêm chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, báo cáo kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xem xét giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ;
- Ủy ban Nhân dân các tỉnh/TP trực thuộc TW;
- Các Bộ: Y tế, Công Thương, KHCN;
- Sở NN&PTNT tỉnh/TP trực thuộc TW;
- Các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ;
- Các Hội, hiệp hội ngành nghề NN&PTNT;
- Các cơ sở SXKD nông lâm thủy sản;
- Lưu: VT, QLCL.  

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát