Công văn 2187/HQHCM-TXNK năm 2020 hướng dẫn phân loại và thuế giá trị gia tăng mặt hàng phụ kiện kim luồn tĩnh mạch do Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 2187/HQHCM-TXNK
Ngày ban hành 03/08/2020
Ngày có hiệu lực 03/08/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Quốc Toản
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC HẢI QUAN TP.HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2187/HQHCM-TXNK
V/v hướng dẫn phân loại và thuế GTGT mặt hàng phụ kiện kim luồn tĩnh mạch.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 8 năm 2020

 

Kính gửi: Công ty TNHH Thiết bị Y khoa.
(Đ/c: số 39A Đất Thánh, phường 6, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh)

Trả lời công văn số 0807-2020/CVYK-HQ ngày 08/7/2020 về việc hướng dẫn mã số hàng hóa và mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng theo khai báo: Phụ kiện kim tiêm tĩnh mạch (nút chặn, khóa 3 ngã và khóa 3 ngã có dây) thuộc tờ khai số 103395239620/A11 ngày 01/7/2020 làm thủ tục tại Chi cục Hải quan CK Cảng Sài Gòn Khu vực 1, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn như sau:

1. Về mã số hàng hóa:

Căn cứ Điều 26 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Phân loại hàng hóa để xác định mã số hàng hóa làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa. Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam”;

Căn cứ khoản 2 Điều 16 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ: “Việc phân loại hàng hóa căn cứ vào hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”;

Căn cứ Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/06/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; Thông tư số 09/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại phụ lục của Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Căn cứ quy tắc 2(a) thuộc 6 quy tắc tổng quát ban hành kèm Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam:

Căn cứ nội dung Chương 90: “Dụng cụ và thiết bị quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra, chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ kiện của chúng.”

Căn cứ nội dung Chú giải Chương 90:

“...2, Theo Chú giải 1 ở trên, các bộ phận và phụ kiện cho các máy, thiết bị, dụng cụ hoặc các mặt hàng của Chương này được phân loại theo các nguyên tắc sau:

(a) Các bộ phận và phụ kiện là hàng hóa thuộc nhóm bất kỳ trong Chương này hoặc Chương 84, 85 hoặc 91 (trừ các nhóm 84.87, 85.48 hoặc 90.33) trong mọi trường hợp được phân loại vào các nhóm riêng của chúng;

(b) Các bộ phận và phụ kiện khác, nếu chỉ dùng hoặc chủ yếu dùng cho một loại máy, thiết bị hoặc dụng cụ riêng biệt, hoặc với một số loại máy, thiết bị hoặc dụng cụ trong cùng một nhóm (kể cả máy, thiết bị hoặc dụng cụ của nhóm 90.10, 90.13 hoặc 90.31) được phân loại theo máy, thiết bị hoặc dụng cụ cùng loại đó;

(c) Tất cả các bộ phận và phụ kiện khác được phân loại trong nhóm 90.33 .. ”

Tham khảo nội dung chú giải chi tiết tổng quát HS 2017 Chương 90: “Chương này bao gồm các loại dụng cụ và thiết bị, theo nguyên tắc, được đặc trưng bởi mức độ hoàn thiện và chính xác cao. Hầu hết chúng được sử dụng chủ yếu cho mục đích khoa học (nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, phân tích, thiên văn học...), cho công nghiệp hoặc kỹ thuật chuyên ngành (đo lường hoặc kiểm tra, quan sát...) hoặc cho các mục đích y học”.

Căn cứ nội dung nhóm 90.18: “Thiết bị và dụng cụ dùng cho ngành y, phẫu thuật, nha khoa hoặc thú y, kể cả thiết bị ghi biểu đề nhấp nháy, thiết bị điện y học khác và thiết bị kiểm tra thị lực”

Tham khảo nội dung chú giải chi tiết HS 2017 nhóm 90.18:

“...Nhóm này gồm:

(A) Những dụng cụ có thể được sử dụng dưới cùng tên gọi cho một số mục đích, ví dụ:

(1) Kim (needles) (sử dụng cho khâu vết mổ, nối vết thương, tiêm chủng, lấy máu, tiêm dưới da, v.v...).

(2) Lưỡi (mũi) trích (để tiêm chủng, trích máu, v.v...).

(3) Dùi chọc (để chích hút)(lấy mật, nhiều mục đích, v.v...).

(4) Dao mổ và dao phẫu thuật các loại.

(5) Ống (dây) thông (tuyến tiền tiệt, bọng đái, niệu đạo

(6) Banh (soi mũi, miệng, thanh quản, âm đạo, trực tràng, v.v...).

(7) Gương và gương phản xạ (để khám mắt, thanh quản, tai, v.v...).

(8) Kéo, kẹp, kim nhổ răng, dao cắt đục máng, chùy, búa, cưa, dao, thìa nạo, dao phết.

(9) Ống thông dò, ống thông đường tiểu, ống hút v.v.. (Cannulae, catheters...”

[...]