Công văn 2120/BNN-QLCL năm 2019 về tiếp tục triển khai biện pháp ngăn chặn hành vi bơm chích tạp chất vào tôm và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 2120/BNN-QLCL
Ngày ban hành 27/03/2019
Ngày có hiệu lực 27/03/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Phùng Đức Tiến
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2120/BNN-QLCL
V/v tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn hành vi bơm chích tạp chất vào tôm và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2019

 

Kính gửi: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 20/2/2019, tại Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất ban hành kèm theo Quyết định số 2419/QĐ-TTg ngày 13/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án) với sự tham gia đầy đủ của các cơ quan liên quan Trung ương và địa phương. Hội nghị đã thống nhất các nội dung sau:

1. Sau 02 năm tổ chức triển khai đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ nêu tại Đề án, hoạt động ngăn chặn đưa tạp chất vào tôm và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất đã có những chuyển biến tích cực, cụ thể là: (1) Hệ thống các văn bản pháp lý phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đã được bổ sung, hoàn thiện đầy đủ; (2) Công tác tuyên truyền, phổ biến, ký cam kết, bài trừ tôm tạp chất được triển khai đầy đủ, đa dạng; (3) các cơ quan của Trung ương và địa phương trọng điểm đã thiết lập, vận hành đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác; (4) đã có sự phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng chức năng trong công tác trinh sát, nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; (5) đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp tổ chức bơm chích, đưa tạp chất vào tôm so với giai đoạn trước đây (chỉ chủ yếu phát hiện tại công đoạn vận chuyển).

Nhờ vậy, tại thời điểm kết thúc 02 năm thực hiện Đề án, nạn bơm chích tạp chất đã được kiềm chế, giảm thiểu rõ nét, không còn tình trạng công khai, phổ biến, có quy mô, tổ chức thành tụ điểm như trước đây mà chỉ còn lác đác ở các cơ sở quy mô nhỏ lẻ, vùng giáp ranh các tỉnh; đồng thời, đã tạo được nền tảng vững chắc để tiếp tục tổ chức triển khai các hoạt động trong thời gian tiếp theo nhằm đẩy lùi, tiến tới chấm dứt hoàn toàn tệ nạn này.

2. Bên cạnh một số kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

- Việc triển khai ký cam kết chưa đồng bộ giữa các tỉnh điểm: có tỉnh thực hiện tổ chức ký cam kết 100% các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tôm thuộc đối tượng cấp tỉnh, huyện, xã quản lý; có tỉnh chỉ tổ chức ký cam kết với các đối tượng do cấp tỉnh quản lý.

- Các vi phạm về tạp chất chưa được xử lý đầy đủ, chủ yếu là phạt tiền, chưa áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đình chỉ sản xuất), chưa xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) khi vi phạm tạp chất được phát hiện trên địa bàn.

- Một số đoàn kiểm tra năng lực còn yếu, lúng túng trong việc xử lý tang vật, hoàn thiện hồ sơ vụ việc.

- Việc xác định tội danh đối vi hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất và hướng dẫn xử lý theo Bộ luật hình sự chưa được Bộ Công an đề xuất cụ thể.

Để sớm hoàn thành mục tiêu cơ bản của Đán là “chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương tiếp tục triển khai, toàn diện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án. Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sớm ban hành và chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai ngay kế hoạch thực hiện đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Đề án trong năm 2019, đặc biệt là chỉ đạo các đơn vị tập trung nguồn lực sớm khắc phục các vấn đề còn tồn tại, hạn chế đã được thảo luận và thống nhất tại Hội nghị./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các bộ: Công an, Công Thương (để phối hợp);
- VASEP;
- Lưu: VT, QLCL

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ
TRƯỞNG




Phùng Đức Tiến