Công văn 2078/BXD-GD năm 2015 về tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị bền vững, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu do Bộ Xây dựng ban hành
Số hiệu | 2078/BXD-GD |
Ngày ban hành | 11/09/2015 |
Ngày có hiệu lực | 11/09/2015 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Xây dựng |
Người ký | Lê Quang Hùng |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường |
BỘ XÂY DỰNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 2078/BXD-GĐ |
Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 2015 |
Kính gửi: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thời gian vừa qua xuất hiện nhiều trận mưa lũ lớn tại các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh... Đặc biệt đã xảy ra hai đợt thiên tai uy hiếp trực tiếp tới an toàn của đô thị và các khu dân cư nông thôn như: Cơn bão số 1 diễn ra từ ngày 23-25/6/2015 tại 8 tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Bắc Bộ đã gây ra mưa, lũ trên diện rộng từ ngày 24/7 đến 06/8/2015 tại 19 tỉnh vùng núi, trung du, đồng bằng Bắc Bộ đến Thanh Hóa gây ngập, lụt và làm thiệt hại lớn đến cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng, tài sản và tính mạng của nhân dân. Chính quyền các địa phương cùng các Bộ, ngành đã quyết liệt chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân.
Theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã trực tiếp chỉ đạo và thành lập các đoàn công tác kiểm tra tại các vùng bị mưa lũ tác động mạnh gây thiệt hại lớn trên diện rộng như Quảng Ninh, Điện Biên...Qua kết quả kiểm tra, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết diễn biến thất thường và cực đoan, tại Quảng Ninh xảy ra đợt mưa lớn lịch sử (40 năm mới xảy ra) về cường suất và tổng lượng (tổng lượng mưa đo được tại Cửa Ông từ ngày 26/7 đến ngày 04/8/2015 lên đến 1557mm; tại Móng Cái, Bãi Cháy, Quảng Hà mưa 200mm/ngày); bên cạnh các nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan như: hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống thoát nước không đảm bảo tiêu thoát nước khi cường độ mưa lớn; việc quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng công trình (đặc biệt là nhà ở riêng lẻ) tại các sườn đồi dốc tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt; công tác quản lý nhà nước đối với dòng chảy tại các sông, suối khu vực miền núi chưa tốt; Việc quy hoạch, xây dựng các bãi thải ngành than và bố trí khu dân cư ở gần dòng chảy từ bãi thải còn chưa hợp lý. Từ thực trạng nêu trên, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, giảm thiểu các thiệt hại, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, triển khai thực hiện một số giải pháp như sau:
1. Tổ chức chặt chẽ, thường xuyên, liên tục theo dõi và dự báo thời tiết trong thời gian tới; cập nhật các số liệu mới nhất về điều kiện tự nhiên (cấp gió bão, áp lực và vận tốc gió, lưu lượng mưa, tần suất và lưu lượng lũ hàng năm, v.v..); nghiên cứu và lập bản đồ các khu vực có nguy cơ ngập nước, sạt lở, lũ quét,... tại các khu đô thị, khu dân cư để cảnh báo người dân hạn chế xây dựng hoặc có các giải pháp ứng phó thích hợp; chủ động di dời dân khi mưa, lũ xảy ra; điều chỉnh các quy hoạch đô thị, khu dân cư nông thôn và hạ tầng kỹ thuật cho phù hợp.
2. Đối với các đô thị miền núi cần rà soát, xác định các khu vực xây dựng trên sườn đồi có nguy cơ sạt trượt khi mưa, lũ; xem xét hạn chế hoặc không quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình tại các khu vực này. Kiên quyết di dời dân ra khỏi các vị trí sườn dốc có nguy cơ sạt trượt cao. Tính toán lưu vực (phải tính đến lưu lượng nước từ các sườn núi đổ xuống bên cạnh lưu lượng nước trên mặt bằng), tập trung rà soát hệ thống tiêu thoát nước đô thị kết hợp với hệ thống công trình thủy lợi và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác nhằm đảm bảo việc phân vùng, thoát lũ, chống ngập úng đô thị và chống trượt lở đất.
3. Rà soát, đánh giá các dự án phát triển đô thị tại khu vực thấp, trũng ven sông, biển đảm bảo cốt nền và mật độ xây dựng phù hợp; kết cấu và kiến trúc công trình phải đáp ứng yêu cầu chống chịu được với gió, bão, lũ có cường độ lớn; bảo vệ và phát triển các vùng đệm và hệ sinh thái tự nhiên.
4. Rà soát, đánh giá các chương trình phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng đô thị, hạ tầng kỹ thuật; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các giải pháp thích ứng nhằm khắc phục thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Rà soát, đánh giá mức độ an toàn các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật (nhà máy nước sạch, trạm bơm, tuyến ống cấp nước sạch, nhà máy xử lý nước thải, khu xử lý chất thải rắn, v.v..) và có giải pháp bảo vệ, phòng ngừa khắc phục sự cố.
5. Tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch; đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài đảm bảo lưu thông dòng chảy tự nhiên tại các khu vực miền núi, tôn trọng địa hình tự nhiên, hạn chế thay đổi địa hình trong xây dựng; nghiêm cấm các hành vi tự ý ngăn, lấp hoặc làm thay đổi các dòng chảy tự nhiên của sông, suối.
6. Tăng cường kiểm tra và chuẩn bị trước các kịch bản để ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu tại địa phương; chủ động phương án bảo đảm an toàn cho người dân trong vùng mưa lũ, kiên quyết di dời nếu có nguy cơ mất an toàn.
7. Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng làm cho người dân nhận thức rõ tác hại của biến đổi khí hậu và từ đó có ý thức về việc bảo vệ chính mình và cho mọi người.
8. Quy hoạch xây dựng đô thị nông thôn và tổ chức không gian đô thị theo hướng ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển đô thị theo đúng nội dung Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu đến 2020”.
9. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các Đề án về phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Bộ Xây dựng giao các cơ quan chuyên môn và cơ quan nghiên cứu khoa học của Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành và các Tổ chức Quốc tế tiến hành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, khung chính sách, các quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định liên quan về xây dựng phát triển đô thị và công trình hạ tầng kỹ thuật thích ứng với tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, triển khai thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |