Công văn 2044/LĐTBXH-KHTC xây dựng dự toán thu, chi Ngân sách nhà nước năm 2012 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 2044/LĐTBXH-KHTC
Ngày ban hành 27/06/2011
Ngày có hiệu lực 27/06/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Phạm Quang Phụng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2044/LĐTBXH-KHTC
V/v Xây dựng dự toán thu, chi Ngân sách nhà nước năm 2012

Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2011

 

Kính gửi: Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ

Thực hiện Chỉ thị số 922/CT-TTg ngày 15/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Thông tư số 83/2011/TT-BTC ngày 16/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm 2012, tiếp theo công văn số 1965/LĐTBXH-KHTC ngày 21/6/2011 về hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Bộ hướng dẫn xây dựng dự toán thu - chi NSNN năm 2012 như sau:

1. Đánh giá tình hình thực hiện thu, chi các nguồn kinh phí 6 tháng đầu năm và biện pháp điều hành thực hiện 6 tháng cuối năm và ước thực hiện cả năm 2011:

1.1. Đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách 6 tháng đầu năm:

Trên cơ sở dự toán thu, chi các nguồn kinh phí được giao, đơn vị đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm 2011 theo từng nhiệm vụ được giao: Chi thường xuyên, chi cho đối tượng, chi Chương trình mục tiêu quốc gia, chi nghiên cứu khoa học, chi mua sắm, sửa chữa tài sản… (Đơn vị có sử dụng nguồn kinh phí nào phải đánh giá đầy đủ, toàn diện các nguồn kinh phí: nêu rõ những kết quả, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân)

1.2. Biện pháp cụ thể để thực hiện dự toán thu, chi các nguồn kinh phí trong những tháng còn lại của năm 2011, tập trung vào các nhiệm vụ sau:

- Đối với các đơn vị được giao dự toán thu, cần có biện pháp cụ thể để phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu được giao, trong trường hợp khó khăn, không thực hiện được phải báo phân tích rõ nguyên nhân để tổng hợp đề nghị điều chỉnh dự toán giao thu ngân sách.

- Báo cáo tình hình thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán chi NSNN được giao năm 2011; tình hình cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, kém hiệu quả như hội họp, khánh tiết, khảo sát trong và ngoài nước, mua sắm, thực hiện tiết kiệm điện… trên cơ sở đó tập trung nguồn đảm bảo chi cho các nhiệm vụ mới phát sinh, soát xét lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ chi, cân đối các nguồn kinh phí để thực hiện; những khó khăn, vướng mắc (nếu có) khi triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

- Các chỉ tiêu, nhiệm vụ chi về đầu tư xây dựng, các chương trình, dự án trong nước và quốc tế, chi cho công việc sửa chữa, mua sắm tài sản, nghiên cứu khoa học… cần sớm hoàn tất thủ tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

- Các nhiệm vụ chi xét thấy không thể hoàn thành kiên quyết điều chỉnh để tăng cường cho các nhiệm vụ khác của đơn vị không để kinh phí tồn đọng chuyển năm sau.

- Đánh giá những kết quả, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách và chế độ chi tiêu năm 2011; tình hình, kết quả triển khai thực hiện cơ chế tự chủ theo: Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 đối với các đơn vị quản lý nhà nước; Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 115/2005/NĐ-CP và 96/2010/NĐ-CP đối với các đơn vị nghiên cứu khoa học.

- Báo cáo tình hình triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30 trong quản lý ngân sách nhà nước năm 2011, nêu rõ tồn tại, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

- Báo cáo đánh giá kết quả xét duyệt biên chế, quỹ lương và thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu theo Nghị định số 22/2011/NĐ-CP ngày 04/4/2011 của Chính phủ.

- Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát chi tiêu các nguồn kinh phí trong những tháng còn lại đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Thực hiện tốt công tác quyết toán quý để tránh tình trạng dồn ép quyết toán năm. Đồng thời triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành và đánh giá tình hình thực hiện theo quý, năm.

1.3. Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình quốc gia, Đề án:

- Các đơn vị chủ trì các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, đề án lớn chú ý đánh giá, phân tích kỹ: Tình hình phân bổ, giao dự toán chi các chương trình mục tiêu, dự án năm 2011; trên cơ sở dự toán kinh phí đã được giao và tiến độ thực hiện; Chủ trì phối hợp với các cơ quan và địa phương hoàn thiện báo cáo đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án giai đoạn 2006 – 2010 và năm 2011, trên cơ sở đó đề xuất danh mục, mục tiêu, nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án giai đoạn 2012-2015, xây dựng phạm vi, nội dung, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí, quy trình thẩm định, cơ chế quản lý, theo dõi, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định làm cơ sở triển khai thực hiện từ năm 2012.

- Đối với các Chương trình đề án thực hiện bằng cả nguồn vốn ngoài nước đánh giá kỹ về tình hình giải ngân nguồn vốn ngoài nước.

1.4. Đối với các nhiệm vụ chi lớn của ngành:

+ Đánh giá kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách và chế độ chi tiêu trong năm 2011 thực hiện các nhiệm vụ của Bộ; trong đó, chú ý đánh giá kỹ kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách sau: Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó tập trung đánh giá việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP; Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015; Quyết định 471/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2011 về trợ cấp khó khăn; Luật Người cao tuổi và Luật Người khuyết tật; chính sách đối với các hộ nghèo và hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tại các vùng đặc biệt khó khăn như: chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; chính sách nhà nước hỗ trợ các hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên mua bảo hiểm y tế; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; chính sách bảo hiểm thất nghiệp; khắc phục thiên tai, bão lũ, cứu đói cho người dân; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo,…

+ Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đối với ngành, lĩnh vực mình quản lý; Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Trong đó chú ý đánh giá, phân tích về tổng nguồn lực và cơ cấu nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển ngành, lĩnh vực, kết quả thực hiện huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển ngành, lĩnh vực; những tồn tại, nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới để huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển ngành, lĩnh vực.

2. Dự toán thu, chi các nguồn kinh phí 2012:

2.1. Yêu cầu, nhiệm vụ dự toán năm 2012:

- Xây dựng dự toán theo hướng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra năm 2011; rà soát, sắp xếp lại các khoản chi ngân sách (kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) để triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi ngân sách, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

- Đảm bảo nhiệm vụ chi cho các hoạt động của đơn vị trên tinh thần tính đúng, đủ, tiết kiệm, hiệu quả, công khai trong quản lý thu, chi các nguồn kinh phí.

- Phải thể hiện đầy đủ dự toán thu, chi tất cả các nguồn kinh phí. Ngân sách cấp; khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, các khoản thu viện trợ nước ngoài và các khoản thu khác đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành và thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khi xây dựng dự toán.

- Dự toán chi ngân sách phải tính toán đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành và các nhiệm vụ thường xuyên đã được giao, đồng thời tính toán, dự trữ đầy đủ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ phát sinh. Đối với các chế độ, chính sách, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền ban hành trong quá trình lập dự toán, thực hiện lập dự toán theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Các đơn vị chịu trách nhiệm tự đảm bảo kinh phí thực hiện đối với các chính sách, chế độ, nhiệm vụ bị bỏ sót trong khi xây dựng dự toán.

- Đối với một số nhiệm vụ chi đặc thù:

+ Dự toán để thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/01/2007;

[...]