Công văn số 1923/BBCVT-TTra của Bộ Bưu chính, Viễn thông về việc chỉ đạo thanh tra vi phạm bản quyền phần mềm

Số hiệu 1923/BBCVT-TTra
Ngày ban hành 19/09/2006
Ngày có hiệu lực 19/09/2006
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Bưu chính, Viễn thông
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Sở hữu trí tuệ

BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1923/BBCVT-TTRA
V/v: chỉ đạo thanh tra vi phạm bản quyền phần mềm

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2006

 

Kính gửi: Sơ Bưu Chính, Viễn Thông Các Tỉnh, Thành Phố

Hiện nay việc vi phạm bản quyền trong lĩnh vực công nghệ thông tin đặc biệt là tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm đang diễn ra phổ biến trên phạm vi cả nước, làm ảnh hưởng đến lợi ích của các tổ chức cá nhân kinh doanh hợp pháp, đến quyền lợi người tiêu dùng. Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ tại Điều 14 và Điều 22 về quyền tác giả đối với chương trình máy tính và dữ liệu; tại Điều 12 và Điều 69 của Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 cũng quy định nghiêm cấm xâm phạm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bên cạnh đó Việt Nam đã tham gia Hiệp định về Bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên việc vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam còn cao, gây tác động tiêu cực tới các nhà đầu tư, làm cản trở nỗ lực nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp phần mềm.

Nhằm đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hạn chế việc vi phạm bản quyền phần mềm máy tính, Bộ Bưu chính, Viễn thông yêu cầu Sở Bưu chính, Viễn thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các Sở Bưu chính, Viễn thông) thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Nhận thức rõ ngành công nghiệp phần mềm thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Bưu chính, Viễn thông, do vậy các Sở Bưu chính, Viễn thông cần chủ động và phối hợp với các cơ quan chuyên ngành liên quan trong quản lý và ngăn chặn, hạn chế vi phạm bản quyền.

2. Tuyên truyền phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức biết và không kinh doanh, sử dụng các phần mềm sao chép lậu vi phạm bản quyền.

3. Chủ động đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, xây dựng phần mềm dùng chung, từng bước tự chủ, giảm giá thành, Tiết kiệm chi phí trong đầu tư các sản phẩm phần mềm. Tham mưu cho UBND tỉnh và chủ trì tổ chức các cuộc thi sáng tạo sản phẩm phần mềm mang tính ứng dụng cao.

4. Đối với các kỳ thi, các hoạt động trao giải sản phẩm phần mềm cần yêu cầu người tham dự phải công bố rõ sản phẩm do chính mình sáng tạo hay được phát triển từ một sản phẩm khác, nêu cụ thể và chi Tiết phần không phải của mình  và phần do mình phát triển, tỷ lệ % của sản phẩm mà mình đã phát triển được. Yêu cầu này cũng được áp dụng tương tự đối với tổ chức, cá nhân đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm phần mềm của mình và trong các hợp đồng xây dựng phần mềm.

5. Thực hiện quy định tại Điều 10 Luật Công nghệ thông tin, từ năm 2007, yêu cầu các Sở Bưu chính, Viễn thông đưa vào chương trình kế hoạch thanh tra hàng quý, 6 tháng và cả năm các nội dung sau:

- Thanh tra bản quyền phần mềm được cài đặt trong các máy tính trước khi cung cấp cho khách hàng tại các doanh nghiệp lắp ráp, kinh doanh máy tính.

- Thanh tra bản quyền phần mềm tại các cơ sở in sao băng đĩa, cửa hàng bán các loại đĩa cài đặt chương trình máy tính.

- Thanh tra việc cài đặt, xây dựng các trang web cho các tổ chức cá nhân, xác định rõ các doanh nghiệp tự xây dựng các trang web này hay cài đặt và phát triển từ các phần mềm đóng gói có sẵn, nếu từ các phần mềm đóng gói thì yêu cầu chứng minh nguồn gốc.

Việc tổ chức thực hiện cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các cơ quan quản lý trên địa bàn.

6. Tại Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động Văn hóa – Thông tin, trong Mục 7 "Hành vi vi phạm trong lĩnh vực quyền tác giả tác phẩm văn học, nghệ thuật và quyền liên quan, hình thức và mức xử phạt" đã quy định một số hành vi vi phạm bản quyền thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa - Thông tin và mức xử phạt. Nhằm hướng dẫn thi hành Luật Công nghệ thông tin, Bộ Bưu chính, Viễn thông đang chủ trì khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, trong đó sẽ quy định cụ thể các hành vi vi phạm về bản quyền phần mềm và mức xử phạt vi phạm hành chính. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để áp dụng cho công tác thanh tra và xử phạt vi phạm.

Bộ Bưu chính, Viễn thông đề nghị các Sở Bưu chính, Viễn thông triển khai các nội dung trên, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Bưu chính, Viễn thông. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần báo cáo về Bộ Bưu chính, Viễn thông (Thanh tra Bộ) để được hướng dẫn giải quyết kịp thời.

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Bộ Văn hóa - Thông tin (để biết và phối hợp);
- Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý
  kinh tế và chức vụ P9-C15- Bộ CA (để biết và phối hợp);
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Thanh tra các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, Ttra
.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Đức Đam