Công văn 1842/SXD-GĐ năm 2014 hướng dẫn về quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Số hiệu 1842/SXD-GĐ
Ngày ban hành 16/09/2014
Ngày có hiệu lực 16/09/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Tạ Quốc Trưởng
Lĩnh vực Bất động sản,Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
SỞ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1842/SXD-GĐ
V/v hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 16 tháng 09 năm 2014

 

Kính gửi:

- UBND các huyện, thành phố;
- Các nhà thầu tư vấn xây dựng công trình;
- Các nhà thầu thi công xây dựng

 

Thực hiện Thông tư số 10/2014/TT-BXD ngày 11/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định một số nội dung về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 10/2014/TT-BXD) và chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 6043/UBND-VP ngày 24/8/2014 giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh và các sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai thực hiện Thông tư nêu trên, Sở Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như sau:

1. Về khảo sát xây dựng nhà ở riêng lẻ

a) Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 250 m2, từ 2 tầng trở xuống thì chủ nhà tự thực hiện khảo sát xây dựng nếu có kinh nghiệm thực hiện công việc tương tự hoặc thuê tổ chức tư vấn khảo sát đã thực hiện ít nhất 5 nhiệm vụ khảo sát địa chất của công trình dân dụng cấp IV để khảo sát địa chất công trình. Trong trường hợp chủ nhà tự khảo sát xây dựng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng khảo sát nhằm đảm bảo an toàn công trình nhà ở và các công trình lân cận.

b) Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250 m2, từ 3 tầng đến 7 tầng thì chủ nhà phải thuê tổ chức tư vấn khảo sát đã thực hiện ít nhất 5 nhiệm vụ khảo sát địa chất của công trình dân dụng cấp IV để khảo sát địa chất công trình.

c) Đối với nhà ở có chiều cao trên 7 tầng thì chủ nhà phải thuê tổ chức tư vấn khảo sát hạng 2 trở lên để khảo sát địa chất công trình.

Điều kiện năng lực để xếp hạng tổ chức tư vấn khảo sát địa chất được quy định tại Điều 46 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

2. Về thiết kế xây dựng nhà ở

a) Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng bằng hoặc nhỏ hơn 250 m2, từ 2 tầng trở xuống, việc thiết kế nhà ở được thực hiện như sau:

- Mọi tổ chức, cá nhân được thiết kế nếu có đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế nhà ở có quy mô tương tự và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế;

- Trường hợp ở nông thôn, khi xây dựng nhà ở một tầng có kết cấu đơn giản thì không bắt buộc phải lập bản vẽ thiết kế cụ thể. Chủ nhà có thể thi công theo mẫu nhà ở đã được xây dựng nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình nhà ở;

- Chủ nhà có thể thuê các tổ chức tư vấn thiết kế đã thực hiện thiết kế ít nhất 5 công trình dân dụng cấp IV hoặc cá nhân hành nghề thiết kế độc lập để thiết kế công trình.

b) Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250 m2, từ 3 tầng đến 7 tầng hoặc nhà ở trong khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa hoặc trường hợp nâng tầng nhà ở thì chủ nhà phải thuê tổ chức tư vấn đã thiết kế ít nhất 5 công trình dân dụng cấp IV trở lên để thiết kế công trình.

c) Đối với nhà ở có chiều cao trên 7 tầng, chủ nhà phải thực hiện các bước sau đây:

- Thuê tổ chức tư vấn thiết kế hạng 2 trở lên để thiết kế công trình;

- Sau khi thiết kế hoàn thành, chủ nhà thuê một đơn vị tư vấn thiết kế theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình. Hồ sơ nộp tại Sở Xây dựng gồm:

+ Tờ trình thẩm tra thiết kế do chủ đầu tư lập;

+ Hợp đồng tư vấn thẩm tra thiết kế (bản sao);

+ Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế;

+ Báo cáo kết quả khảo sát địa chất công trình;

+ Giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC (nếu nhà ở cao từ 9 tầng trở lên);

+ Bản vẽ có đóng dấu đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra;

+ Thuyết minh kết cấu công trình;

+ Hồ sơ năng lực đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra;

+ Bản vẽ phối cảnh, mặt bằng cảnh quan (nếu có).

Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ trình thẩm tra thiết kế, Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và có văn bản thông báo một lần đến chủ nhà để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa đúng quy định). Kết thúc thẩm tra, Sở Xây dựng ban hành văn bản về kết quả thẩm tra thiết kế nhà ở riêng lẻ, trong đó nêu rõ đủ điều kiện hay không đủ điều kiện để tổ chức thi công xây dựng công trình. Thời gian thẩm tra của Sở Xây dựng không quá 20 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Chủ nhà phải nộp phí thẩm tra thiết kế xây dựng công trình theo quy định tại Thông tư số 75/2014/TT-BTC ngày 12/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm tra thiết kế công trình xây dựng.

Xếp hạng tổ chức tư vấn thiết kế xây dựng công trình được quy định tại Điều 49 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

[...]