Công văn 1725/BTTTT-ƯDCNTT hướng dẫn các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật cho hệ thống một cửa điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 1725/BTTTT-ƯDCNTT
Ngày ban hành 04/06/2010
Ngày có hiệu lực 04/06/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Minh Hồng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 1725/BTTTT-ƯDCNTT
V/v Hướng dẫn các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật cho hệ thống một cửa điện tử.

Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 2010

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg ngày 31/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010, nhằm xây dựng mô hình điểm cấp huyện về ứng dụng công nghệ thông tin để phổ biến áp dụng rộng rãi tại các địa phương.

Tiếp theo công văn số 112/BTTTT-KHTC ngày 14/01/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn sử dụng kinh phí sự nghiệp cho Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg và công văn số 840/BTTTT-ƯDCNTT ngày 26/3/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông khảo sát tình hình triển khai phần mềm một cửa tại cấp huyện trên toàn quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hướng dẫn các địa phương về các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật cho hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, phục vụ công tác lập, thẩm định và triển khai hệ thống một cửa điện tử tại cấp huyện.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị có thể trao đổi với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Ứng dụng công nghệ thông tin) để được hướng dẫn, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, Cục ƯDCNTT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Minh Hồng

 

HỆ THỐNG MỘT CỬA ĐIỆN TỬ CẤP HUYỆN

CÁC YÊU CẦU CƠ BẢN VỀ CHỨC NĂNG, TÍNH NĂNG KỸ THUẬT
(kèm theo công văn số 1725/BTTTT-ƯDCNTT ngày 04/6/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông)

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1.1. Phạm vi áp dụng

Tài liệu là một hướng dẫn kỹ thuật, nhằm mục đích khuyến nghị các yêu cầu tối thiểu về sản phẩm hệ thống phần mềm Một cửa điện tử giúp các cơ quan nhà nước xem xét, đánh giá, đi tới quyết định lựa chọn các sản phẩm hệ thống phần mềm Một cửa điện tử trên thị trường.

1.2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng là Ủy ban nhân dân cấp huyện, như: quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Khái niệm phần mềm Một cửa điện tử:

Trong tài liệu này, phần mềm Một cửa điện tử được hiểu là một ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tin học hóa các giao dịch giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan hành chính nhà nước và giữa các cơ quan hành chính nhà nước theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” quy định tại Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương, để giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước thông qua các thủ tục hành chính.

Phần mềm Một cửa điện tử cấp huyện cung cấp một môi trường nhất quán, là một đầu mối thống nhất cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết công việc. Đối với tổ chức, cá nhân, phần mềm này cung cấp nhiều kênh truy nhập đơn giản, thuận tiện, cho phép tổ chức, cá nhân giao tiếp với các cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện. Đối với cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện, phần mềm Một cửa điện tử là một bộ công cụ tạo dựng môi trường làm việc cộng tác trong việc phối hợp giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

Việc ứng dụng phần mềm Một cửa điện tử trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ tổ chức, cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện được xem là một giải pháp hiệu quả, tăng cường năng lực phục vụ, hướng tới công khai, minh bạch, đơn giản, rõ ràng và đúng pháp luật.

3. Yêu cầu chức năng

3.1. Yêu cầu chung

Hệ thống phải cho phép định nghĩa quy trình xử lý thủ tục hành chính, hệ thống biểu mẫu kèm theo thông qua giao diện người dùng.

Bên cạnh phương thức giao dịch truyền thống là tổ chức, cá nhân tiếp xúc trực tiếp cơ quan hành chính để được hướng dẫn và phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, Hệ thống phải cung cấp mở rộng các kênh giao tiếp đơn giản, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân như sử dụng mạng internet, mạng điện thoại, sử dụng hệ thống tin nhắn (SMS), ...

Hệ thống phải cung cấp công cụ chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp, chuyên môn cho cơ quan hành chính nhà nước, cho phép cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước phối hợp giải quyết thủ tục hành chính xuyên suốt, nhất quán nhưng vẫn đảm bảo công khai, minh bạch trên môi trường mạng.

Hệ thống phải cung cấp công cụ, phục vụ cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tổ chức, quản lý, lưu trữ khoa học, nhất quán, lâu dài hồ sơ thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân.

Hệ thống phải cung cấp một nền tảng ứng dụng để từng bước cho phép các cơ quan hành chính nhà nước phối hợp giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng một cách xuyên suốt, nhất quán theo tinh thần “một cửa liên thông”.

3.2. Yêu cầu chức năng cụ thể đối với ứng dụng một cửa điện tử

Yêu cầu chức năng cụ thể được chia thành 2 nhóm: yêu cầu về chức năng cần có và yêu cầu chức năng nên có.

a) Danh mục chức năng cần có:

[...]