Công văn 172/BVHTTDL-PC năm 2025 phối hợp biên soạn tài liệu giới thiệu Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 172/BVHTTDL-PC
Ngày ban hành 14/01/2025
Ngày có hiệu lực 14/01/2025
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Hoàng Đạo Cương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 172/BVHTTDL-PC
V/v phối hợp biên soạn tài liệu giới thiệu Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2025

 

Kính gửi: Bộ Tư pháp (Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được Công văn số 7335/BTP- PBGDPL ngày 19/12/2024 của Bộ Tư pháp về việc phối hợp biên soạn tài liệu giới thiệu Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Căn cứ các nội dung hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã xây dựng tài liệu giới thiệu Luật Di sản văn hóa số 45/2024/QH15 (gửi kèm theo Công văn).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kính gửi Bộ Tư pháp tài liệu để đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia và Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Cục Di sản văn hóa;
- Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL (để đăng tải);
- Lưu: VT, PC, QC (03).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Đạo Cương

 

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
CỤC DI SẢN VĂN HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

TÀI LIỆU GIỚI THIỆU

LUẬT DI SẢN VĂN HOÁ SỐ 45/2024/QH15

Luật Di sản văn hóa số 45/2024/QH15 (sau đây gọi là Luật Di sản văn hoá năm 2024) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 23 tháng 11 năm 2024. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, thay thế Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2009/QH12) trừ trường hợp quy định về nội dung chuyển tiếp tại Điều 95 của Luật này.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

1. Cơ sở chính trị

Công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn được những bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, lan tỏa các giá trị văn hóa tới bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế quốc gia… Tầm quan trọng, vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa được thể hiện qua các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, là cơ sở để các cơ quan chức năng cụ thể hóa, xây dựng được các chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa:

- Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện những quan điểm mới về quyền con người, trong đó có quyền văn hóa được thể hiện tại Điều 41: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”.

- Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16 tháng 7 năm 1998 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó đã xác định nhiệm vụ “Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa”.

- Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó có nội dung xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Nhất là, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 24 tháng 11 năm 2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định rõ vị trí, vai trò của văn hóa trong sự phát triển kinh tế - xã hội và là cơ hội để các cấp, các ngành xây dựng chiến lược phát triển văn hóa trong thời đại mới, với những nội dung chính: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới...”.

Như vậy, việc ban hành Luật Di sản văn hóa nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường về phân cấp, phát huy nguồn lực xã hội và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ hội nhập, phát triển.

2. Cơ sở thực tiễn

2.1.Khắc phục bất cập của Luật Di sản văn hóa năm 2001 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009)

Sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, với những thành tựu đáng ghi nhận: Theo số liệu thống kê năm 2023 (thời điểm đang xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa), đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.621 di tích quốc gia và 130 di tích quốc gia đặc biệt (trên tổng số 40.000 di tích đã được kiểm kê); khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 534 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận/ghi danh, bao gồm: 09 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 02 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp); 09 di sản tư liệu (03 di sản tư liệu thế giới, 06 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương)…

Hệ thống bảo tàng đã phát triển từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 197 bảo tàng (127 bảo tàng công lập và 70 bảo tàng ngoài công lập) đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật - là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia. Hiện nay, đã có 294 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó 168 hiện vật, nhóm hiện vật đang được lưu giữ, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

2.2. Một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung cần quy định rõ hơn

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ