Công văn 16/1999/KHXX của Toà án nhân dân tối cao về việc giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng

Số hiệu 16/1999/KHXX
Ngày ban hành 01/02/1999
Ngày có hiệu lực 01/02/1999
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Trịnh Hồng Dương
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

TOÀ ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/1999/KHXX

Hà Nội, ngày 01 tháng 2 năm 1999

 

GIẢI ĐÁP

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 16/1999/KHXX NGÀY 1 THÁNG 2 NĂM 1999 VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HÌNH SỰ, DÂN SỰ, KINH TẾ, LAO ĐỘNG, HÀNH CHÍNH VÀ TỐ TỤNG

Trong thời gian chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết công tác ngành Toà án năm 1998, nhiều Toà án Nhân dân và Toà án quân sự các cấp đã có công văn gửi đến Toà án nhân dân tối cao đề nghị được giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Toà án năm 1998.

Sau đây là giải đáp của Toà án nhân dân tối cao về các vấn đề đó; cụ thể là:

I. VỀ HÌNH SỰ

1. Ở miền núi, do tập quán lạc hậu, ít hiểu biết pháp luật các con nghiện đến nhà nhau hút thuốc phiện là chuyện bình thường; vì vậy, khi xử lý về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý có coi đó là tình tiết giảm nhẹ hay không?

Có coi việc "ở miền núi trình độ lạc hậu, ít hiểu biết Pháp luật" là tình tiết giảm nhẹ khi truy tố, xét xử đối với những trường hợp phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý hay không phải tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Đối với trường hợp người phạm tội đã được phổ biến, giáo dục về sự nguy hại của ma tuý, chủ trương chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma tuý... mà lại có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý, thì không thể viện dẫn lý do "ở miền núi trình độ lạc hậu, ít hiểu biết pháp luật" coi đó là tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự để áp dụng đối với người phạm tội.

Đối với trường hợp kẻ phạm tội là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp, chưa được phổ biến giáo dục về những chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc phòng, chống ma tuý, và do bị ảnh hưởng bởi phong tục tập quán lạc hậu ở địa phương nên đã có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý, thì khi xét xử đối với những trường hợp này có thể cho họ hưởng tình tiết quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 38 Bộ Luật hình sự.

2. Đề nghị hướng dẫn cụ thể những vật nào thì được xác định là "dụng cụ", những vật nào là "phương tiện" dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý?

Vấn đề "thế nào là phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý" đã được hướng dẫn tại Tiết c Điểm 1 Mục II phần B Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2-1-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật hình sự"; tuy nhiên, để phân biệt sự khác nhau giữa phương tiện và dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý vẫn còn là vướng mắc, Toà án nhân dân tối cao sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để có sự giải thích chính thức; tạm thời cần hiểu "dụng cụ" là những vật được dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý; "phương tiện" là những vật được dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý.

3. Đề nghị hướng dẫn cụ thể trường hợp nào thì áp dụng phạt tiền là hình phạt chính, trường hợp nào thì áp dụng phạt tù là hình phạt chính đối với các tội quy định tại Chương VIIA Bộ luật Hình sự?

Đối với người phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 185g, Khoản 1 Điều 185h, Khoản 1 Điều 185k và Khoản 1 Điều 185n Bộ luật Hình sự, Toà án có thể áp dụng hình phạt chính là phạt tiền hoặc phạt tù có thời hạn. Để xác định trường hợp nào thì áp dụng hình phạt chính là phạt tiền, trường hợp nào thì áp dụng hình phạt tù, trước hết phải quán triệt các quy định tại Điều 23 và Điều 185o Bộ luật Hình sự. Chỉ nên áp dụng hình phạt tiền là phạt chính trong các trường hợp người phạm tội có nhân thân tốt, thật thà khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (nếu áp dụng hình phạt tù, thì cũng không quá ba năm); chưa gây thiệt hại hoặc thiệt hại không lớn...

4. Khái niệm "tổ chức" trong Điều 185i Bộ luật Hình sự có đồng nghĩa với khái niệm "tổ chức" quy định tại Khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự? Đề nghị hướng dẫn cụ thể tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 185i) và tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 185m)?

Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và phạm tội có tổ chức là hoàn toàn khác nhau. Tổ chức sử dụng chất ma tuý có thể chỉ có một người thực hiện một trong các hành vi được hướng dẫn tại Điểm 2 Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA ngày 5-8-1998 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an "Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương VIIA "Các tội phạm về ma tuý" của Bộ luật Hình sự". Còn phạm tội có tổ chức là phải có hai hoặc nhiều người cùng cố ý thực hiện một tội phạm và có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Về tội "tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý" (Điều 185i) và tội "cưỡng bức lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý" (Điều 185m) đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch nói trên. Tuy nhiên, để xét xử đúng tội danh, cần phải nghiên cứu kỹ hướng dẫn trong Thông tư liên tịch nói trên đối chiếu với trường hợp cụ thể đó để có quyết định chính xác. Nếu trong thực tiễn xét xử mà xét thấy còn có những vướng mắc gì, thì đề nghị phản ảnh các vướng mắc cụ thể đó để Toà án nhân dân tối cao phối hợp cùng các ngành hữu quan hướng dẫn bổ sung.

5. Thế nào là "phạm tội nhiều lần" đối với tội chứa mại dâm?

Bị coi là phạm tội nhiều lần đối với tội chứa mại dâm, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Chứa mại dâm từ hai lần trở lên đối với một đôi mua bán dâm hoặc các đôi mua bán dâm khác nhau (không coi là phạm tội nhiều lần, nếu chứa một đôi mua bán dâm trong một khoảng thời gian liên tục và trong khoảng thời gian đó đôi mua bán dâm đó mại dâm từ hai lần trở lên).

- Chứa một người bán dâm (hoặc một người mua dâm) và để cho người đó mại dâm với hai người trở lên có thể liền nhau hoặc trong các lần khác nhau.

- Chứa hai đôi mua bán dâm trở lên cùng một lúc.

6. Đối với một vụ án buôn lậu, buôn bán hàng cấm, bị cáo bị bắt quả tang cùng tang vật là thuốc lá điếu của nước ngoài với số lượng nhất định. Trong quá trình điều tra bị cáo khai trước đó đã có một hoặc nhiều lần buôn bán, vận chuyển trót lọt số lượng thuốc lá điếu mà mỗi lần buôn bán, vận chuyển với số lượng ít, chỉ cần xử lý hành chính hoặc với số lượng chỉ bị truy tố theo Khoản 1 Điều luật tương ứng; nếu cộng một hoặc tất cả những lần đó lại với lần bị bắt quả tang, thì số lượng thuốc lá điếu rất lớn (có thể trên 4500 bao). Vậy những lần buôn bán, vận chuyền thuốc lá điếu trót lọt đó có phải là tình tiết "phạm tội nhiều lần" không? Có cộng dồn số lượng hàng phạm pháp nhiều lần đó lại để tính số lượng vật phạm pháp hay chỉ xem những lần buôn bán trót lọt đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo?

Trước hết cần phải xem xét quyết định truy tố của Viện kiểm sát. Nếu Viện kiểm sát chỉ truy tố lần phạm tội bị bắt quả tang mà không truy tố những hành vi phạm tội trước đó, thì Toà án chỉ xét xử lần phạm tội bị bắt quả tang. Trong trường hợp xét thấy bỏ lọt tội phạm thì trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung. Nếu Viện kiểm sát đã truy tố tất cả các hành vi phạm tội thì cần phân biệt như sau:

1. Đối với Điều 97 Bộ luật hình sự:

a) Nếu ngoài lần phạm tội bị bắt quả tang mà trong quá trình điều tra bị cáo khai trước đó có một hoặc nhiều lần buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và mỗi lần buôn lậu, vận chuyển với số lượng ít chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự (theo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 11/TTLN ngày 20-11-1990 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp "Hướng dẫn xử lý một số loại tội phạm") nhưng cũng chưa bị xử lý hành chính và vẫn còn thời hiệu xử lý hành chính theo quy định tại Điều 9 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thì không áp dụng tình tiết định khung hình phạt "phạm tội nhiều lần" quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 97 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo số lượng vật phạm pháp của các lần cộng lại.

b) Nếu ngoài lần phạm tội bị bắt quả tang mà trong quá trình điều tra bị cáo khai trước đó có một hoặc nhiều lần buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và có ít nhất là một lần có số lượng đã đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự (theo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 11/TTLN ngày 20-11-1990 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp "Hướng dẫn xử lý một số loại tội phạm") nhưng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì phải áp dụng tình tiết định khung hình phạt "Phạm tội nhiều lần" quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 97 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này họ cũng phải chịu trách nhiệm hình sự theo số lượng vật phạm pháp của tất cả các lần cộng lại.

2. Đối với Điều 166 Bộ luật hình sự:

Cũng cách xác định tương tự như đối với Điều 97 trên đây, nếu thuộc trường hợp tương tự như ở Điểm a Mục 1 trên đây, thì không áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần" quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo số lượng hàng phạm pháp của tất cả các lần cộng lại. Nếu thuộc trường hợp tương tự như ở Điểm b Mục 1 trên đây, thì phải áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần" quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 39 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này họ cũng phải chịu trách nhiệm hình sự theo số lượng hàng phạm pháp của tất cả các lần cộng lại.

Cần chú ý là trong các trường hợp trên đây, người phạm tội không những thật thà khai báo ăn năn hối cải về hành vi phạm tội bị bắt quả tang mà còn tự thú khai báo những lần phạm tội khác; do đó, khi quyết định hình phạt phải coi tất cả những tình tiết đó là tình tiết giảm nhẹ.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ