Công văn 1420/BTP-TGPL năm 2022 thực hiện nội dung về trợ giúp pháp lý theo Quyết định 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 1420/BTP-TGPL
Ngày ban hành 05/05/2022
Ngày có hiệu lực 05/05/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Mai Lương Khôi
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1420/BTP-TGPL
V/v thực hiện nội dung về trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy Ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình), trong đó trợ giúp pháp lý quy định tại nội dung số 3 thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 10. Bộ Tư pháp hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nội dung về trợ giúp pháp lý trong Chương trình như sau:

I. Nội dung về trợ giúp pháp lý

1. Tên nội dung số 03: Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

2. Mục tiêu: Bảo đảm công bằng trong tiếp cận công lý của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng các mô hình điểm giúp đồng bào kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật.

3. Đối tượng: Già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cán bộ các cơ quan liên quan.

4. Nội dung:

a) Nâng cao nhận thức trợ giúp pháp lý điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: tổ chức các đợt truyền thông trực tiếp điểm hướng dẫn tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

b) Tổ chức tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số, tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi:

Tổ chức tập huấn về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chuyên đề, chuyên sâu cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý...; tập huấn về các kỹ năng phối hợp thông tin điểm về trợ giúp pháp lý tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: bồi dưỡng kiến thức trợ giúp pháp lý điểm cho già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để có khả năng thông tin, giải thích về trợ giúp pháp lý cho người dân và giới thiệu người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi gặp vướng mắc pháp luật, làm cầu nối giữa người dân với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

c) Xây dựng các chương trình về trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số phủ sóng các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: xây dựng các chương trình trên đài truyền hình, truyền thanh, trang thông tin, phim tài liệu, các chương trình, phóng sự về trợ giúp pháp lý hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

d) Tổ chức chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm kết nối cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: tổ chức các đợt chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm kết nối cộng đồng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và cán bộ thuộc các cơ quan có liên quan; các đợt chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm cho cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

đ) Biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số: biên soạn, in ấn, phát hành tờ gấp trợ giúp pháp lý, sách bỏ túi trợ giúp pháp lý, cẩm nang pháp luật trợ giúp pháp lý, sổ tay trợ giúp pháp lý và các ấn phẩm tài liệu trợ giúp pháp lý khác cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

II. Giám sát, đánh giá các hoạt động về trợ giúp pháp lý

1. Cục Trợ giúp pháp lý có trách nhiệm giúp Bộ Tư pháp thực hiện giám sát, đánh giá các hoạt động về trợ giúp pháp lý (nội dung số 3 thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 10 Chương trình) của chủ dự án thành phần theo nội dung quy định tại khoản 3 Điều 30; các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 31; điểm c khoản 1, điểm d khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 32; Điều 37 của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (Nghị định số 27/2022/NĐ-CP).

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát, đánh giá các hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 6 và 7 Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

III. Tổ chức thực hiện

1. Trên cơ sở kế hoạch hàng năm và kinh phí của Chương trình được cơ quan có thẩm quyền phân bổ, Cục Trợ giúp pháp lý thực hiện các nội dung về trợ giúp pháp lý và giám sát, đánh giá theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP đối với nội dung số 3 thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 10 Chương trình.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí và chỉ đạo tổ chức thực hiện nội dung số 3 thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 10 Chương trình trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; giám sát, đánh giá các nội dung trợ giúp pháp lý theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước xây dựng dự toán kinh phí thực hiện nội dung trợ giúp pháp lý quy định tại nội dung số 3 thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 10 Chương trình để trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chủ động triển khai thực hiện nội dung trợ giúp pháp lý trên cơ sở kinh phí được phân bổ.

Các hoạt động và giám sát, đánh giá về trợ giúp pháp lý quy định tại nội dung số 03 thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 10 Chương trình và Nghị định số 27/2022/NĐ-CP thực hiện theo Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tư pháp (Cục Trợ giúp pháp lý) để được hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp (để b/c);
- Ủy ban Dân tộc (để phối hợp);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
(để chỉ đạo tổ chức thực hiện tại địa phương);
- Cục Trợ giúp pháp lý (để thực hiện và hướng dẫn
thực hiện);
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(để chỉ đạo Trung tâm TGPLNN);
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Lưu: VT, Cục TGPL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Mai Lương Khôi

 

11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ