Công văn 140/QLCL-CL1 năm 2014 về Cục Kiểm dịch động thực vật Liên Bang Nga đình chỉ nhập khẩu cá tra của Việt Nam từ tháng 31/01/2013 do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành

Số hiệu 140/QLCL-CL1
Ngày ban hành 23/01/2014
Ngày có hiệu lực 23/01/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
Người ký Trần Bích Nga
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 140/QLCL-CL1
V/v: VPSS đình chỉ nhập khẩu cá tra của Việt Nam từ tháng 31/01/2013

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2014

 

Kính gửi: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và website của Cục Kiểm dịch động thực vật Liên Bang Nga (VPSS), Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) được biết ngày 17/01/2014, VPSS đã có văn bản số ФC-HB-8/668 thông báo đến các Cơ quan kiểm soát cửa khẩu của VPSS về việc đình chỉ 05 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đã được Đoàn VPSS thanh tra tháng 12/2013 và đình chỉ nhập khẩu sản phẩm cá tra vào LB Nga của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam kể từ ngày 31/01/2014 với lý do "liên quan đến tính chất nghiêm trọng của những vi phạm trong hệ thống của Việt Nam về đảm bảo an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất từ nuôi trồng đến xuất khẩu bị phát hiện trong quá trình thanh tra", (chi tiết xin xem tại Phụ lục gửi kèm). Về vấn đề này, Cục Quản lý Chất lượng NLS&TS báo cáo Bộ trưởng như sau:

1. Về việc tạm đình chỉ 05 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản được thanh tra tháng 12/2013 và đình chỉ nhập khẩu sản phẩm cá tra vào LB Nga của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam:

- Ngay sau chuyến thanh tra của VPSS tại Việt Nam, ngày 10/12/2013, Cục Quản lý Chất lượng NLS&TS đã có công thư số 2325/QLCL-CL1 gửi VPSS trao đổi một số vấn đề bất cập, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và hướng dẫn của Ủy ban Codex đối với Đoàn thanh tra VPSS tại Việt Nam trong tháng 12/2013. Ngoài ra, căn cứ Biên bản Hội đàm giữa NAFIQAD và VPSS tại Mátxcơva ngày 16/10/2013 và nội dung đã thống nhất tại cuộc họp kết thúc thanh tra giữa NAFIQAD với Đoàn thanh tra, NAFIQAD đã đề nghị VPSS sớm gửi cho NAFIQAD dự thảo báo cáo kết quả chuyến thanh tra để NAFIQAD có ý kiến góp ý trước khi VPSS thông báo chính thức. Tuy nhiên, đến nay Cục vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào của VPSS về kết quả chuyến thanh tra nêu trên. Việc VPSS đơn phương đình chỉ 05 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản được thanh tra và đình chỉ nhập khẩu sản phẩm cá tra vào LB Nga của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam kể từ ngày 31/01/2014 khi chưa có thông báo chính thức về kết quả thanh tra là chưa phù hợp với nội dung Biên bản hội đàm giữa NAFIQAD và VPSS ngày 16/10/2013 cũng như thông lệ quốc tế.

- Ngoài ra, việc thông báo quyết định đình chỉ nói trên của VPSS cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế và Tiêu chuẩn Codex số CAC/GL 26-1997 (phiên bản 5) về hướng dẫn cho việc thiết lập, vận hành, đánh giá và công nhận hệ thống kiểm tra và chứng nhận xuất nhập khẩu thực phẩm. Theo đó, để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp, Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu có trách nhiệm thông báo kết quả đánh giá chính thức đến Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu trước khi cung cấp thông tin đến các cơ quan thông tấn, báo chí.

2. Về Đoàn thanh tra của VPSS sang làm việc tại Việt Nam tháng 12/2013:

a. Một số khuyến cáo của Đoàn thanh tra:

- Đoàn thanh tra cho rằng các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam chưa được cập nhật, phổ biến các quy định của Liên minh Hải quan; sản phẩm chưa được kiểm tra, chứng nhận theo yêu cầu của Liên minh Hải quan mà chỉ thực hiện theo quy định của LB Nga (VD: quy định về mạ băng, giới hạn ô nhiễm vi sinh vật,…). Về vấn đề này, sau nhiều lần Cục có văn bản đề nghị VPSS cung cấp các quy định của Liên minh Hải quan, đến ngày 13/11/2013 VPSS mới có văn bản số FS-NV-7/15577 cung cấp địa chỉ website đăng tải các quy định này (khối lượng tài liệu lớn, bằng tiếng Nga) nên Cục mới kịp cập nhật, thông báo trên website của Cục.

- Về tình hình kiểm soát an toàn môi trường, dịch bệnh cá tra, Đoàn thanh tra cho rằng hoạt động kiểm soát chưa đáp ứng yêu cầu (chưa rõ thủ tục cấp phép cơ sở nuôi; chưa có giấy chứng nhận dịch bệnh kèm theo lô nguyên liệu; vận chuyển nguyên liệu bằng thuyền thông thủy không kiểm soát được chất lượng nước;…). Việc kiểm soát kinh doanh, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu.

- Về vấn đề phiên dịch, Đoàn thanh tra cho rằng phiên dịch không có hiểu biết về chuyên môn, gây nhiều khó khăn trong quá trình làm việc. Mặc dù trước thời điểm thanh tra, Cục đã có văn bản gửi VPSS đề nghị Đoàn thanh tra tự bố trí phiên dịch để bảo đảm tính khách quan trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, Đoàn khi đến Việt Nam, Đoàn vẫn yêu cầu Cục bố trí phiên dịch và chịu hoàn toàn chi phí có liên quan. Để không ảnh hưởng đến kết quả thanh tra, Cục đã kịp thời bố trí phiên dịch cho các Đoàn thanh tra. Sau chuyến thanh tra, Cục cũng đã có văn bản gửi VPSS nêu rõ việc này là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và các hướng dẫn của Ủy ban CODEX; đồng thời đề nghị VPSS tự bố trí phiên dịch trong các đợt thanh tra trong thời gian tới để bảo đảm tính khách quan trong quá trình thanh tra.

b. Nhận xét về cách thức làm việc của Đoàn thanh tra:

- Về cách thức lựa chọn doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu vào danh sách được thanh tra, Đoàn thanh tra chưa thực hiện đúng nội dung Biên bản tọa đàm đã được hai bên thống nhất và ký kết tại Mátxcơva tháng 10/2013.

- Tại buổi họp kết thúc chuyến thanh tra và tại từng đơn vị/cơ sở, Đoàn không thông báo sơ bộ kết quả kiểm tra cũng như sai lỗi được phát hiện. Đoàn thông báo chỉ thu thập thông tin, bằng chứng và sẽ xử lý báo cáo Lãnh đạo VPSS khi Đoàn trở về Mátxcơva.

Mặc dù hệ thống kiểm soát ATTP của Việt Nam còn một số sai lỗi, đặc biệt là trong quản lý nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, tại cùng thời điểm (tháng 12/2013), Đoàn thanh tra của Cơ quan nhà nước về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật Ucraina (SVPS) sang đánh giá hệ thống kiểm soát ATTP thủy sản của Việt Nam là phù hợp với quy định của Ucraina. Kết quả, SVPS đã dỡ bỏ lệnh đình chỉ nhập khẩu đối với thủy sản Việt Nam và cho phép 10 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu ca tra và Ucraina. Vì vậy, việc VPSS kết luận "phát hiện những vi phạm nghiêm trọng trong hệ thống kiểm soát của Việt Nam" là chưa hoàn toàn phù hợp.

3. Về đề xuất, kiến nghị:

- Cục đã có văn bản đề nghị Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại LB Nga bố trí làm việc trực tiếp với VPSS và chuyển tiếp văn bản của Cục đề nghị VPSS thông báo chính thức kết quả đánh giá của Đoàn thanh tra hệ thống kiểm soát của Việt Nam, giải thích rõ "những hành vi nghiêm trọng trong hệ thống của Việt Nam bị phát hiện trong quá trình thanh tra"; cung cấp kết quả thanh tra chi tiết tại từng doanh nghiệp để có căn cứ hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp khắc phục. Đồng thời, để giảm bớt thiệt hại cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu thủy sản giữa hai nước, đề nghị VPSS tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu vệ sinh thú y của Liên minh Hải quan được tiếp tục xuất khẩu thủy sản nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng vào Liên minh Hải quan.

- Cục kính đề nghị Bộ trưởng xem xét, chỉ đạo để Bộ NN&PTNT đề nghị các Bộ: Ngoại giao, Công Thương có ý kiến, yêu cầu phía LB Nga có giải thích chính thức, phù hợp với thông lệ quốc tế về vấn đề Cục đã trình bày nêu trên.

Kính trình Bộ trưởng xem xét, chỉ đạo.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Nguyễn Thị Xuân Thu (để b/c);
- TT Vũ Văn Tám (để b/c);
- Cục trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, CL1.
- VASEP

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Bích Nga