Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công văn 119/TCHQ-GSQL năm 2021 về nâng cao hiệu lực kiểm tra, kiểm soát hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 119/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 11/01/2021
Ngày có hiệu lực 11/01/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Mai Xuân Thành
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 119/TCHQ-GSQL
V/v nâng cao hiệu lực kiểm tra, kiểm soát hải quan

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng việc không phải khai thông tin trước về hàng hóa để tập kết hàng hóa tại cửa khẩu biên giới đường bộ chờ vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá,... (các mặt hàng tiêu dùng, hàng bách hóa, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, linh kiện xe đạp, xe máy,... nhập khẩu), hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan (hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất).

Để kịp thời thu thập, phân tích thông tin phương tiện vận tải, hàng hóa nhập khẩu trước khi về đến cửa khẩu biên giới hỗ trợ cơ quan hải quan giải quyết nhanh thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi thương mại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hải quan, pháp luật về thuế và các quy định khác có liên quan, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

I. Khai báo thông tin trước khi hàng hóa đến cửa khẩu biên giới đường bộ, đường thủy nội địa (trừ trường hợp phương tiện vận tải thủy đã thực hiện thủ tục hải quan xuất cảnh, nhập cảnh theo Điều 79 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP):

1. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu biên giới đường bộ, đường thủy nội địa:

a) Căn cứ quy định tại Điều 66 Luật Hải quan, yêu cầu chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải, người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền thông báo cho cơ quan hải quan thông tin về phương tiện vận tải, hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam bao gồm các chỉ tiêu thông tin tại Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu (BKTTHH/2021/NK) đính kèm công văn này thông qua Hệ thống. Trường hợp hệ thống chưa hỗ trợ thì nộp 01 bản chính Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu cho Chi cục Hải quan cửa khẩu. Cơ quan hải quan giải quyết ngay thủ tục cho phương tiện vận tải, hàng hóa đưa vào khu vực cửa khẩu đã có đầy đủ các thông tin về phương tiện vận tải, hàng hóa nhập khẩu nêu trên.

Chi cục Hải quan cửa khẩu mở sổ đăng ký Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu để cấp số Bản kê các lô hàng nhập khẩu theo thứ tự từng năm (gồm các thông tin: Tên người khai, số Bản kê, ngày đăng ký, ghi chú…).

b) Tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu:

- Khi người khai nộp Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu: Công chức hải quan tiếp nhận kiểm tra các nội dung khai báo tại Bản kê, đảm bảo các chỉ tiêu thông tin và nội dung khai thì ghi số và xác nhận tiếp nhận Bản kê vào ô Công chức hải quan tiếp nhận (ghi rõ thời gian tiếp nhận). Trường hợp không đầy đủ các chỉ tiêu thông tin hoặc khai chung chung, không khai chi tiết tên hàng thì đề nghị người khai hải quan khai bổ sung.

- Khi hàng hóa đến cửa khẩu và vận chuyển vào lãnh thổ việt Nam: Công chức hải quan đối chiếu thực tế thông tin về phương tiện trên Bản kê, nếu phù hợp thì xác nhận vào ô Công chức giám sát hải quan tại cửa khẩu (ghi rõ thời gian hàng đi qua cửa khẩu) và chuyển cho công chức giám sát hải quan tại kho, bãi, địa điểm tập kết để giám sát.

- Khi hàng hóa vận chuyển đến kho, bãi, địa điểm tập kết tại cửa khẩu đường bộ: Công chức hải quan đối chiếu với Bản kê thông tin hàng nhập khẩu, nếu phù hợp thì xác nhận hàng đến vào ô Công chức giám sát hải quan tại địa điểm tập kết (ghi rõ thời gian hàng đến); công chức hải quan giám sát tại kho, bãi, địa điểm tập kết lưu bản chính và chuyển 01 bản sao Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu cho người khai để chuyển cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan kiểm tra, rà soát, đối chiếu với bộ hồ sơ hải quan nhập khẩu đối với trường hợp lô hàng phải kiểm tra thực tế.

c) Tại các khu vực cửa khẩu, kho, bãi có sử dụng cân điện tử, Chi cục Hải quan yêu cầu người vận chuyển điều khiển phương tiện qua cân và xác nhận trọng lượng trên Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu. Trường hợp trọng lượng hàng hóa chuyên chở trên phương tiện vận tải có chênh lệch bất thường với trọng lượng hàng hóa đã khai trên Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu thì yêu cầu đưa vào khu vực riêng để giám sát chặt chẽ và chờ làm tiếp thủ tục.

d) Thông báo và hướng dẫn người điều khiển phương tiện vận tải, người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, địa điểm tập kết tại cửa khẩu biết nội dung hướng dẫn nêu trên để thống nhất thực hiện.

2. Cục Quản lý rủi ro, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phân tích, lựa chọn các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm để thực hiện soi chiếu trước khi chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải, người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền đưa hàng hóa, phương tiện vào khu vực giám sát tại cửa khẩu theo quy định tại Quyết định số 3272/QĐ-TCHQ ngày 24/11/2020 của Tổng cục Hải quan.

3. Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Đội kiểm soát hải quan tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, lối mở để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ các trường hợp vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, không khai báo với cơ quan hải quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

4. Thời gian thực hiện thông báo thông tin về phương tiện vận tải, hàng hóa nhập khẩu thực hiện trên Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu: Áp dụng cho các lô hàng đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ 0 giờ ngày 20/01/2021.

II. Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng bách hóa, hàng tiêu dùng nhập khẩu

1. Đối tượng áp dụng: Hàng hóa nhập khẩu là hàng bách hóa, hàng tiêu dùng theo loại hình nhập kinh doanh tiêu dùng (mã loại hình A11, A12).

2. Khai hải quan:

Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Hải quan hướng dẫn người khai hải quan thực hiện khai đầy đủ, chính xác các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan theo Phụ lục II ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, đồng thời gửi đầy đủ các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

3. Về phân luồng kiểm tra hải quan:

Áp dụng tiêu chí phân luồng kiểm tra thực tế hàng hóa (tỷ lệ kiểm tra 100%) đối với danh mục hàng bách hóa, hàng tiêu dùng nhập khẩu có rủi ro cao trên cơ sở kết quả đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro đối với doanh nghiệp và danh sách doanh nghiệp trọng điểm nhập khẩu hàng bách hóa, tiêu dùng có rủi ro cao từ kết quả phân tích đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm.

4. Cơ quan hải quan chỉ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan sau khi người khai hải quan nộp, xuất trình đầy đủ bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan. Trường hợp chưa gửi các chứng từ kèm tờ khai hải quan qua Hệ thống thì yêu cầu người khai hải quan gửi bổ sung trước khi kiểm tra hồ sơ hải quan.

5. Kiểm tra hồ sơ hải quan:

Công chức hải quan thực hiện kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan theo đúng quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) và hướng dẫn tại Điều 7 Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2016 của Tổng cục Hải quan, kiểm tra tính hợp lệ, đối chiếu thông tin khai trên tờ khai hải quan với bộ hồ sơ hải quan, trong đó lưu ý một số nội dung sau:

a) Kiểm tra tính đầy đủ của các thông tin khai trên tờ khai hải quan phải đầy đủ, đúng hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC), sự phù hợp của thông tin khai với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan.

b) Kiểm tra tên hàng hóa:

Việc khai tên hàng trên tờ khai hải quan phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định và các yếu tố phục vụ cho việc phân loại hàng hóa, áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chính sách thuế và xác định trị giá hải quan, kiểm tra, giám sát hàng hóa có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

[...]