Công văn 5189/TCHQ-GSQL năm 2019 về kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 5189/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 13/08/2019
Ngày có hiệu lực 13/08/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Mai Xuân Thành
Lĩnh vực Thương mại,Sở hữu trí tuệ

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5189/TCHQ-GSQL
V/v kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền SHTT, chuyển tải bất hợp pháp

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2019

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Trong quá trình theo dõi, quản lý, giám sát, kiểm soát, kiểm tra sau thông quan, thanh tra đối với lĩnh vực xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Tổng cục Hải quan đã phát hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những thay đổi lớn về chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ mậu dịch như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước; đặc biệt cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Dự báo hàng hóa từ các nước bị áp mức thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào các thị trường lớn để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, làm mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này. Một số mặt hàng đã bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như thép cuộn cán nguội, thép cuộn không gỉ, thép mạ kẽm, nhôm ép, tôn mạ...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát hải quan, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp; nâng cao nhận thức, năng lực thực thi các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:

I. Cơ sở pháp lý để kiểm tra, xác định xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp

Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo đúng các cam kết quốc tế về ưu đãi thuế quan, thực hiện quản lý ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu; ngăn chặn hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp trong quá trình làm thủ tục hải quan và khi thanh tra, kiểm tra sau thông quan theo các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

1. Đối với lĩnh vực xuất xứ hàng hóa

a) Khoản 1, khoản 2 Điều 27 Luật Hải quan ngày 23/6/2014 quy định thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Khoản 2 Điều 35 Luật Quản lý ngoại thương ngày 12/6/2017 quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan hải quan kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan;

c) Điều 29 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan quy định cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa để xác định xuất xứ hàng hóa;

d) Điều 32 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa quy định thẩm quyền của Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, gửi thông tin xác minh với cơ quan cấp, thành lập đoàn kiểm tra tại nước ngoài, xây dựng văn bản pháp luật, tổ chức thực hiện quy chế, tổ chức mạng lưới thông tin, chế độ báo cáo, xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện công tác kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa nhập khẩu;

đ) Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018);

e) Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quy định thẩm quyền xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan hải quan và các văn bản có liên quan khác;

g) Các văn bản nội luật hóa quy tắc xuất xứ theo các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Đối với lĩnh vực ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

a) Luật Hải quan ngày 23/6/2014 (từ Điều 73 đến Điều 76);

b) Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/6/2009;

c) Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2006/NĐ-CP;

d) Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa;

đ) Thông tư số 13/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

3. Đối với lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính

a) Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/6/2009;

b) Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;

c) Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

d) Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

đ) Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan;

e) Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 127/2013/NĐ-CP;

g) Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

II. Các phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp

[...]