Công văn 119/BTTTT-VP năm 2022 về cơ chế, chính sách hỗ trợ để phủ sóng Internet tới 100% học sinh do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 119/BTTTT-VP
Ngày ban hành 13/01/2022
Ngày có hiệu lực 13/01/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Giáo dục

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 119/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10/11/2021, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh:

1) Cử tri kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách phù hợp để các bộ, ngành có giải pháp hỗ trợ để phủ sóng Internet tới 100% học sinh; cải tiến các phần mềm phục vụ giảng dạy trực tuyến sao cho dễ sử dụng, đảm bảo an ninh, an toàn (miễn phí hoặc chi trả bằng nguồn ngân sách); có chính sách phân bổ, điều tiết máy tính, các phương tiện học tập trực tuyến hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”.

2) Đề nghị xây dựng các chính sách đồng bộ làm căn cứ để các cấp, các ngành thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia, cụ thể:

+ Triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia theo lộ trình phù hợp;

+ Chuẩn hóa tiêu chuẩn về công nghệ để đảm bảo tính kết nối liên thông 4 cấp và ngang cấp, tránh trường hợp mạnh đơn vị nào đơn vị đấy làm rồi không thể kết nối liên thông được với nhau gây lãng phí.

+ Có cơ chế thống nhất chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh để các tổ chức, doanh nghiệp mỗi lần đi thực hiện thủ tục hành chính công lại phải một lần cung cấp rất nhiều các giấy tờ cá nhân liên quan để đối chiếu, xác minh như hiện nay.

+ Ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển hạ tầng số, nền tảng số và kiến tạo thể chế trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

1) Nhóm vấn đề thứ nhất:

a) Về kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách phù hợp để các bộ, ngành có giải pháp hỗ trợ để phủ sóng Internet tới 100% học sinh:

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), Bộ TT&TT thực hiện Chương trình "Sóng và máy tính cho em" để hỗ trợ sóng và máy tính cho học sinh học trực tuyến. Đến nay, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng được gần 1.000 điểm lõm sóng di động trên toàn quốc, tập trung vào các địa phương bị ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 phải dạy và học trực tuyến, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông lập kế hoạch và đầu tư mở rộng vùng phủ sóng để phủ sóng tất cả điểm lõm sóng còn lại trong thời gian tới. Đối với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và các khu vực mà doanh nghiệp viễn thông không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường, Bộ TT&TT sẽ xem xét hỗ trợ cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư phủ sóng viễn thông theo quy định tại Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025.

b) Về cải tiến các phần mềm phục vụ giảng dạy trực tuyến sao cho dễ sử dụng, đảm bảo an ninh, an toàn (miễn phí hoặc chi trả bằng nguồn ngân sách):

Hiện nay, Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT đang phối hợp xây dựng dự thảo văn bản yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật và bảo đảm an toàn thông tin mạng cho Nền tảng dạy học trực tuyến gửi các doanh nghiệp nền tảng. Sau đó, sẽ phối hợp tổ chức đánh giá, tuyên bố nền tảng nào đáp ứng được yêu cầu, đồng thời ban hành chính sách yêu cầu các cơ sở đào tạo chỉ sử dụng Nền tảng đáp ứng được yêu cầu và chính sách về tỷ lệ tối thiểu dạy học trực tuyến, ngay cả trong điều kiện bình thường.

Hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động, hiện đã có 06 doanh nghiệp cam kết cung cấp miễn phí 06 nền tảng dạy học trực tuyến cho các địa phương đang tổ chức dạy học trực tuyến, cụ thể:

+ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cung cấp nền tảng Học và thi trực tuyến VNPT E-learning.

+ Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cung cấp nền tảng Mạng xã hội học tập Viettel Study.

+ Tổng công ty Viễn thông Mobifone cung cấp nền tảng Giải pháp trường học trực tuyến toàn diện mobiEdu.

+ Công ty TNHH Giáo dục EDMICRO cung cấp nền tảng Giải pháp tổng thể hỗ trợ hoạt động dạy và học trong nhà trường.

+ Công ty Cổ phần MISA cung cấp nền tảng Giáo dục MISA EMIS.

+ Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ giáo dục cung cấp nền tảng Hệ thống giáo dục HOCMAI.

c) Về kiến nghị có chính sách phân bổ, điều tiết máy tính, các phương tiện học tập trực tuyến hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng học”:

Ngày 21/9/2021, Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT đã ký kế hoạch phối hợp thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” (Kế hoạch số 3667/KH-BTTTT-BGDĐT), trong đó Bộ GD&ĐT là đầu mối tiếp nhận và triển khai các thủ tục liên quan đến việc tiếp nhận đóng góp, hỗ trợ (bao gồm cả đóng góp, hỗ trợ về kinh phí và thiết bị) và có trách nhiệm chỉ đạo, các địa phương phân bổ, điều tiết máy tính, các phương tiện học tập trực tuyến hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo đúng đối tượng trong chương trình. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và tổng hợp số liệu nhu cầu đề xuất ủng hộ máy tính của 56/63 tỉnh, thành phố, chú ý ưu tiên các đối tượng theo thứ tự đối tượng nghèo, cận nghèo và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ là 2.217.996 học sinh. Tại 36 tỉnh, thành phố đang triển khai dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số học sinh thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ thuộc chương trình là: 1.933.770 học sinh (bao gồm 304.409 học sinh thuộc hộ nghèo, 290.090 học sinh thuộc hộ cận nghèo, 1.500 học sinh có cha, mẹ tử vong vì Covid-19 và 718.515 học sinh thuộc đối tượng khó khăn khác) và đây là cơ sở để Bộ GD&ĐT phân bổ theo đối tượng ưu tiên.

2) Nhóm vấn đề thứ 2

a) Về triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo lộ trình phù hợp, ngày 29/6/2020, Bộ TT&TT đã có công văn số 2390/BTTTT-THH hướng dẫn khung chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của các, bộ, ngành, địa phương. Căn cứ vào đó, các bộ, ngành, địa phương có thể xây dựng văn bản riêng về chuyển đổi số như chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số hoặc lồng ghép nội dung chuyển đổi số trong các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế-xã hội của mình một cách phù hợp.

b) Về công tác tiêu chuẩn, bảo đảm tính kết nối liên thông, Bộ TT&TT đã ban hành:

- Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật chung về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước;

[...]