Công văn 114/TANDTC-HTQT năm 2021 về xác minh địa chỉ của đương sự ở nước ngoài do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 114/TANDTC-HTQT
Ngày ban hành 17/09/2021
Ngày có hiệu lực 17/09/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Văn Du
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 114/TANDTC-HTQT
V/v xác minh địa chỉ của đương sự ở nước ngoài

Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2021

 

Kính gửi:

- TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh;
- TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Thời gian vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao nhận thấy có một số Tòa án đã và đang gặp khó khăn trong việc giải quyết yêu cầu xác minh địa chỉ của đương sự ở nước ngoài theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Để tạo điều kiện thuận tiện cho Tòa án xem xét thụ lý đơn, giải quyết vviệc dân sự có yếu tố nước ngoài, tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, sau khi trao đổi với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao lưu ý các Tòa án một số vấn đề sau đây:

1. Cơ sở pháp lý và thực tiễn để Tòa án yêu cầu xác minh địa chỉ của đương sự ở nước ngoài

1.1. Hiện nay, một số hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc nước này hỗ trợ nước kia xác minh địa chỉ của đương sự trên lãnh thổ nước đó. Cụ thể là các quy định tại các Hiệp định sau đây:

- Khoản 1 Điều 14 Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga về tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự;

- Khoản 1 Điều 17 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa CHXHCN Việt Nam và Cộng hòa Bê-la-rút;

- Điều 11 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc và Cộng hòa Xlô-va-ki-a kế thừa);

- Khoản 2 Điều 13 Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa CHXHCN Việt Nam và Hung-ga-ri.

1.2. Ngoài các Hiệp định nêu trên, các Hiệp định/Thỏa thuận tương trợ tư pháp về dân sự còn lại giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ sau đây: Lào, Trung Quốc, Cam-pu-chia, Ca-dắc-xtan, Triều Tiên, Mông Cổ, Ba Lan, Bun-ga-ri, Pháp, Cu Ba, U-crai-na, An-giê-ri, Lãnh thổ Đài Loan không có quy định về việc xác minh địa chỉ ca đương sự.

Tuy nhiên, qua trao đổi, cơ quan có thẩm quyền của Ba Lan và Lãnh thổ Đài Loan cho biết có thể hỗ trợ Tòa án Việt Nam xác minh địa chỉ của đương sự như là một yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự độc lp hoặc yêu cầu thu thập chứng cứ.

1.3. Một số nước cùng với Việt Nam là thành viên công ước La Hay về Tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt giấy tờ), Công ước La Hay về thu thập chứng cứ trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước thu thập chứng cứ) cho biết đồng ý hỗ trợ xác định địa chỉ của đương sự trên lãnh thổ nước đó trên cơ sở yêu cầu ủy thác tư pháp của Tòa án Việt Nam.

1.4. Đối với công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, trong một số trường hợp cụ thể, Tòa án có thể đề nghị Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) hỗ trợ xác minh địa chỉ của đương sự ở nước sở tại.

2. Các trường hợp Tòa án có thể ủy thác tư pháp cho nước ngoài hoặc đề nghị Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xác minh địa chỉ của đương sự

2.1. Tòa án ủy thác tư pháp cho nước, vùng lãnh thổ được nêu tại Mục 1 của Công văn này xác minh địa chỉ của đương sự trên lãnh thổ nước đó trên cơ sở đề nghị của người khởi kiện, người yêu cầu trước khi thụ lý vụ việc dân sự theo quy định tại khoản 2 Điều 473 của Bộ luật tố tụng dân sự.

2.2. Tòa án ủy thác tư pháp cho nhng nước, vùng lãnh thổ nêu tại Tiểu mục 2.1 Mục 2 của Công văn này xác minh địa chỉ của đương sự trong các trường hợp sau đây:

a) Trong quá trình giải quyết vụ việc mà có đương sự đề nghị đưa đương sự ở nước ngoài tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều 68 của Bộ luật tố tụng dân sự;

b) Tòa án đưa đương sự ở nước ngoài tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong trường hợp không có ai đề nghị đưa đương sự đó tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 4 Điều 68 của Bộ luật tố tụng dân sự.

2.3. Tòa án đề nghị Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ xác minh địa chỉ của đương sự trước khi thụ lý vụ việc hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc tương tự các trường hợp được nêu tại Tiểu mục 2.1 và 2.2 Mục 2 của Công văn này.

3. Thông tin mà đương sự phải cung cấp cho Tòa án để xác minh địa chỉ của đương sự ở nước ngoài

3.1. Khi đề nghị Tòa án xác minh địa chỉ của người nước ngoài, công ty, doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài, công dân Việt Nam ở nước ngoài, người khởi kiện, người yêu cầu, đương sự phải cung cấp cho Tòa án các thông tin có được về cá nhân, doanh nghiệp đó, trong đó phải có các thông tin sau đây:

a) Đối với việc xác minh địa chỉ của người nước ngoài

- Họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, giới tính, shộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu, số căn cước công dân của người nước ngoài cần được xác minh địa chỉ. Những thông tin này có trên các tài liệu, giấy tờ bao gồm: hộ chiếu nước ngoài, thẻ căn cước công dân nước ngoài: giấy phép lái xe, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân của người nước ngoài...do nước ngoài hoặc Việt Nam cấp và các tài liệu, giấy tờ khác có các thông tin nêu trên mà đương sự có được.

b) Đối với việc xác minh địa chỉ của doanh nghiệp, công ty nước ngoài

- Tên doanh nghiệp, công ty, mã số đăng ký doanh nghiệp, công ty, mã số thuế của doanh nghiệp, công ty cần được xác minh địa chỉ. Những thông tin này có thể tồn tại trong các tài liệu, giấy tờ như: hợp đồng, thư tín giao dịch, telegram, fax, telex, thư điện tử...và các tài liệu, giấy tờ khác có các thông tin nêu trên mà đương sự có được.

c) Đối với việc xác minh địa chỉ của công dân Việt Nam ở nước ngoài

Khi đề nghị Tòa án xác minh địa chỉ của công dân Việt Nam ở nước ngoài, người khởi kiện, người yêu cầu hoặc đương sự đề nghị Tòa án đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải cung cấp cho Tòa án các thông tin sau đây:

- Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu, số căn cước công dân hoặc số chứng minh thư nhân dân của người cần được xác minh địa chỉ. Những thông tin này có trên các tài liệu, giấy tờ bao gồm: hộ chiếu Việt Nam, thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe, thẻ thường trú, thẻ tạm trú do nước ngoài hoặc Việt Nam cấp và các giấy tờ, tài liệu khác có các thông tin nêu trên.

[...]