Công văn 11368/BGTVT-KHCN&MT năm 2022 góp ý kiến hướng dẫn các quy định về trạm sạc điện do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 11368/BGTVT-KHCN&MT
Ngày ban hành 01/11/2022
Ngày có hiệu lực 01/11/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Lê Đình Thọ
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11368/BGTVT-KHCN&MT
V/v: góp ý kiến hướng dẫn các quy định về trạm sạc điện

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2022  

 

Kính gửi: Bộ Xây dựng

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận được văn bản số 4269/BXD-HĐXD ngày 22/09/2022 của quý Bộ về việc hướng dẫn quy định về trạm sạc điện kèm theo văn bản số 312/2022/CV-VGR-PC ngày 18/8/2022 của Tập đoàn Vingroup - Công ty CP (Vingroup) đề nghị hướng dẫn việc lắp đặt bổ sung các thiết bị sạc điện cho ô tô, xe máy điện trong các công trình dân dụng hiện hữu đã đưa vào sử dụng và đầu tư mới tại các vị trí công cộng. Sau khi nghiên cứu nội dung liên quan, Bộ GTVT có ý kiến như sau:

1. Sự cần thiết lắp đặt trạm sạc điện cho ô tô, xe máy (gọi tắt là trạm sạc): Về cơ bản, việc xây dựng các trạm sạc điện là cần thiết, góp phần quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi phương tiện đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng điện nhằm từng bước thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 và phù hợp với Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Hiện nay, giá xăng, dầu và ô nhiễm khí thải của phương tiện ô tô chạy bằng xăng dầu ngày càng tăng thì nhu cầu tìm nguồn năng lượng thay thế cho các phương tiện đi lại đang được đặt ra một cách cấp thiết. Do vậy, việc lựa chọn sử dụng ô tô điện có ưu điểm không gây ồn, không tạo ra khí thải ô nhiễm môi trường là phù hợp xu thế chung của thế giới, Việt Nam phát triển sản xuất, lắp giáp ô tô điện và cung cấp hạ tầng để vận hành khai thác ô tô điện là cần thiết.

2. Về vị trí lắp đặt trạm sạc trên hệ thống quốc lộ: Tại khoản 1 và khoản 4, Điều 26 của Nghị định số 11/2011/NĐ-CP quy định: “Đất dành cho đường bộ chỉ dành để xây dựng công trình đường bộ, sử dụng và khai thác để phục vụ cho mục đích an toàn giao thông vận tải đường bộ, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ”“Không được sử dụng đất dành cho đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ;…”. Do vậy, việc lắp đặt trạm sạc phải bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ theo quy hoạch. Chủ đầu tư lắp đặt trạm sạc cần phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ tại Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 11/2010/NĐ-CP; đồng thời nếu có nhu cầu đấu nối vào hệ thống quốc lộ phải tuân theo quy định của Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 và Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

3. Về vị trí lắp đặt trạm sạc trong đô thị: Việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật vá các công trình khác liên quan đến đường đô thị, công trình đô thị thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý đô thị các địa phương.

4. Về vị trí lắp đặt trạm sạc trong các khu vực khác: trạm sạc liên quan đến diện tích lắp đặt trạm sạc, diện tích đỗ xe, phương án xử lý sự cố cháy nổ,... do vậy cần đánh giá tác động để đề xuất điều chỉnh các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan làm cơ sở thực hiện.

5. Việc cấp giấy phép xây dựng trạm sạc không thuộc chức năng quản lý của Bộ GTVT. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khi xây dựng các trạm sạc cho xe điện, đặc biệt là các trạm sạc tại các công trình hiện hữu, Bộ GTVT cho rằng cần xem xét đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như: có thiết kế và tiêu chuẩn cho trạm sạc (vì hiện nay các hãng sản xuất xe điện cũng có nhiều chuẩn sạc khác nhau và chưa có sự thống nhất chung), khu vực đặt trạm sạc; phải tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật và đáp ứng các yêu cầu về au toàn; an ninh; phù hợp với quy hoạch lưới điện; an toàn phụ lái của công trình; bảo đảm an toàn giao thông; an toàn phòng cháy, chữa cháy; chống rò rỉ điện khi xảy ra các hiện tượng thiên tai như ngập úng, lũ lụt.... đồng thời, phải tuân thủ các quy định về quản lý nhà nước của địa phương và các bộ chuyên ngành.

Bộ Giao thông vận tải gửi tới quý Bộ để tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Vụ KCHTGT;
- Các Cục: ĐBVN, ĐKVN;
- Lưu VT, KHCN&MT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Đình Thọ