Công văn 11092/BGTVT-TTCB năm 2021 thực hiện quy định của pháp luật về công tác cán bộ của Bộ Giao thông vận tải

Số hiệu 11092/BGTVT-TTCB
Ngày ban hành 20/10/2021
Ngày có hiệu lực 20/10/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Thể
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11092/BGTVT-TCCB
V/v thực hiện một số quy định của pháp luật về công tác cán bộ của Bộ Giao thông vận tải

Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các cơ quan tham mưu, giúp việc Bộ trưởng;
- Tổng cục, các Cục trực thuộc Bộ;
- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ;
- Các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Giao thông vận tải là đại diện chủ sở hữu;
- Các doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước do Bộ Giao thông vận tải làm đại diện chủ sở hữu.

Trước đây, để thực hiện thống nhất các quy định của Đảng và pháp luật về công tác quản lý cán bộ, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quy định trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, kèm theo Quyết định số 754/QĐ-BGTVT ngày 02/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 30-QĐ/TW ngày 19/8/2021 về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký. Các văn bản trên đã quy định rõ về công tác cán bộ, trong đó có trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm cán bộ.

Để tổ chức thực hiện các quy định mới của pháp luật về công tác cán bộ, Bộ Giao thông vận tải đã có các Công văn: Số 10711/BGTVT-TCCB ngày 26/10/2020, số 13216/BGTVT-TCCB ngày 24/12/2020, số 3820/BGTVT-TCCB ngày 04/5/2021 yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện các Nghị định nêu trên.

Để công tác cán bộ tiếp tục đi vào nề nếp, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các Nghị định nói trên, các quy định khác có liên quan, đồng thời cần lưu ý một số nội dung sau:

I. NHỮNG NỘI DUNG CHUNG

1. Nguyên tắc thực hiện

a) Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp (sau đây gọi chung là đơn vị) thực hiện công tác cán bộ theo đúng quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Nghị định số 159/2020/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Trong trường hợp các văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

2. Người được giao quyền người đứng đầu hoặc phụ trách đơn vị thuộc Bộ phải thực hiện đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm như người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ.

3. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm và giải quyết các chế độ chính sách khác đối với Kế toán trưởng trong cơ quan hành chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, Kế toán trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và các văn bản khác liên quan.

4. Đối với quy trình bổ nhiệm chức danh Thư ký Bộ trưởng: Thực hiện theo Quy định số 30-QĐ/TW ngày 19/8/2021 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chính sách, chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký.

5. Trường hợp nhân sự hoặc đơn vị nơi nhân sự đang công tác trong thời gian cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, điều tra, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm trao đổi với trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, cơ quan điều tra trước khi quyết định.

6. Người được điều động bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mới thì đương nhiên thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm, trừ trường hợp kiêm nhiệm.

7. Hồ sơ của nhân sự đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm do các đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền phải là bản chính; đối với văn bằng, chứng chỉ phải là bản sao công chứng, chứng thực; đối với văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải được công nhận theo quy định, trừ trường hợp không phải thực hiện thủ tục công nhận văn bằng. Thành phần hồ sơ phải đầy đủ theo quy định của pháp luật; đồng thời phải thể hiện các bước (có biên bản họp) trong quy trình nhân sự và được lập thành 02 bộ (trong đó: đối với văn bằng, chứng chỉ là bản sao công chứng hoặc chứng thực; đối với các văn bản khác là bản gốc hoặc bản chính). Nhân sự phải hoàn thiện hồ sơ cá nhân theo quy định.

8. Trường hợp người đứng đầu đơn vị và tập thể lãnh đạo có ý kiến khác nhau thì cần báo cáo đầy đủ lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp tập thể lãnh đạo giới thiệu 2 người có số phiếu ngang nhau thì chọn nhân sự do người đứng đầu (hoặc người được giao quyền, phụ trách đơn vị) giới thiệu để quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.

9. Trường hợp do yêu cầu công việc hoặc đơn vị không chủ động xin chủ trương bổ nhiệm hoặc đối với Kiểm soát viên thì cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm đề xuất về chủ trương với cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.

II. NỘI DUNG CỤ THỂ

1. Về tập thể lãnh đạo

a) Đối với Bộ: Ban Cán sự đảng.

b) Đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (trừ trường đại học, học viện): Người đứng đầu (hoặc quyền, phụ trách), cấp phó của người đứng đầu; riêng đối với trường cao đẳng gồm người đứng đầu (hoặc quyền, phụ trách), cấp phó của người đứng đầu và Chủ tịch Hội đồng trường (hoặc quyền Chủ tịch, phụ trách Hội đồng trường).

c) Đối với doanh nghiệp có Hội đồng thành viên: Hội đồng thành viên và cấp ủy cùng cấp.

d) Đối với doanh nghiệp không có Hội đồng thành viên: Chủ tịch công ty và cấp ủy cùng cấp.

2. Về “đơn vị thuộc” và “trực thuộc”

a) Đơn vị trực thuộc: Là đơn vị có tư cách pháp nhân đầy đủ theo quy định trong cơ cấu tổ chức của tổ chức có nhu cầu bổ nhiệm cán bộ.

b) Đơn vị thuộc: Là đơn vị không có tư cách pháp nhân đầy đủ và tương đương với đơn vị trực thuộc của tổ chức có nhu cầu bổ nhiệm cán bộ.

Ví dụ: Trong cơ cấu tổ chức của Cục có các phòng B, C, D và Trường A; trong Trường A có Phòng X, Y, Trung tâm Z (có tư cách pháp nhân). Khi bổ nhiệm Lãnh đạo Cục thì các phòng B, C, D được xác định là đơn vị thuộc, Trường A được xác định là đơn vị trực thuộc. Khi bổ nhiệm Hiệu trưởng/Phó hiệu trưởng, Kế toán trưởng Trường A thì các phòng X, Y được xác định là đơn vị thuộc, Trung tâm Z được xác định là đơn vị trực thuộc.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ