Công văn 10610/BKHĐT-ĐTNN năm 2023 Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 10610/BKHĐT-ĐTNN
Ngày ban hành 15/12/2023
Ngày có hiệu lực 15/12/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Nguyễn Thị Bích Ngọc
Lĩnh vực Đầu tư

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10610/BKHĐT-ĐTNN
V/v Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2023

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Căn cứ quy định tại Điều 92 và Điều 93 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 4155/BKHĐT-ĐTNN ngày 01 tháng 6 năm 2023 hướng dẫn các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư (XTĐT) năm 2024. Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của UBND các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến về chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024 như sau:

1. Đánh giá kết quả thực hiện chương trình XTĐT 11 tháng năm 2023

1.1. Kết quả hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài nói chung

Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục chịu nhiều khó khăn, bất ổn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu, xung đột địa chính trị tại Châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ những năm 1970. Theo đó, nguy cơ suy thoái kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của Việt Nam... Nhiều tập đoàn đa quốc gia tái cơ cấu chuỗi sản xuất và hạn chế hoạt động đầu tư mới do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm, trong khi chi phí đầu tư tiếp tục tăng cao[1]. Bên cạnh đó, việc các nước tiến tới áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm mất đi vai trò của những hình thức ưu đãi truyền thống (như ưu đãi về thuế, đất đai...) trong cạnh tranh thu hút ĐTNN.

Trước tình hình đó, với những chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế, tạo động lực cho thu hút đầu tư. Ở cấp trung ương, các Bộ, ngành đã chủ động bám sát các nội dung, hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao để thúc đẩy thu hút, xúc tiến các nguồn lực đầu tư nước ngoài. Đặc biệt đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao, chíp bán dẫn và chuyển đổi số...

- Tính đến 20/11/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà ĐTNN đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế đến ngày 20/11/2023, cả nước có 38.844 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 462,4 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 294,2 tỷ USD, bằng 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

- Vốn đầu tư mới và số dự án đầu tư mới trong 11 tháng năm 2023 duy trì được mức tăng khá cao so với cùng kỳ, lần lượt tăng 42,4% và 58,1%. Số dự án mới tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút ĐTNN (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,...) như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương. Riêng 4 địa phương này đã chiếm tới 67,4% số dự án mới của cả nước trong 11 tháng.

- Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ĐTNN ước đạt gần 294,2 tỷ USD, bằng 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

- Vốn đầu tư điều chỉnh dù vẫn giảm so với cùng kỳ song mức giảm đã được cải thiện hơn. Dù giảm về vốn, song số dự án điều chỉnh vốn vẫn duy trì mức tăng so với cùng kỳ (tăng 15,9%), khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

- Để củng cố niềm tin và có các giải pháp kịp thời đối với khu vực ĐTNN, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì các Hội nghị với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào tháng 4 và tháng 10 năm nay nhằm lắng nghe các ý kiến và đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, cũng như nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.

- Các tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam như: (1) Theo kết quả khảo sát của JETRO, Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ 2 trên thế giới và đứng thứ 1 khu vực Châu Á; (2) Theo khảo sát của EuroCharm thì Việt Nam thuộc Top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu; (3) Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 (đứng thứ 8 thế giới). Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam cũng tăng 12 bậc từ 77 năm 2022 lên 65 năm 2023.

- Năm 2023 đánh dấu sự trở lại của nhiều đoàn doanh nghiệp tới từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, Châu Âu.. đến tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư tại các địa phương. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư đến từ Châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn về tổng vốn đầu tư (Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan). Riêng 6 đối tác này đã chiếm gần 81% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng.

1.2. Kết quả thực hiện hoạt động XTĐT của các Bộ, ngành, địa phương

a. Kết quả đạt được

Một số địa phương đã đạt được bứt phá trong năm 2023, tạo được một làn sóng đầu tư trên địa bàn như Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thành phố Hà Nội, Nghệ An... Bên cạnh đó, các địa phương như Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Bình Phước, Tây Ninh đã tạo xây dựng nền tảng kết nối với các nhóm, cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy thu hút, xúc tiến đầu tư trong thời gian tới.

Các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện công tác xúc tiến đầu tư theo hướng đổi mới tổ chức như: (i) Tổ chức các sự kiện quảng bá môi trường đầu tư, kết nối đầu tư, kết hợp hội nghị XTĐT lớn theo địa bàn, kết hợp với các Hội nghị công bố quy hoạch của tỉnh, vùng; (ii) Tổ chức các đoàn XTĐT trọng điểm tại một số quốc gia là đối tác đầu tư lớn, tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng năng (công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao,...); (iii) Chủ động tiếp cận, hỗ trợ các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch mở rộng đầu tư/đầu tư mới; ký kết các biên bản hợp tác với các đối tác đầu tư lớn; (iv) Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu, phim ảnh phục vụ hoạt động XTĐT; (v) Tăng cường triển khai các hoạt động XTĐT tại chỗ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trước, trong và sau khi cấp phép nhằm sớm hồi phục sau dịch Covid và đẩy mạnh sản xuất.

Trong quá trình tổ chức, nhiều địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện XTĐT tại các địa bàn để triển khai các hoạt động thiết thực, hiệu quả.

b. Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác XTĐT của các địa phương vẫn tồn tại một số bất cập:

(i) Hoạt động XTĐT của một số địa phương vẫn chưa thực sự được điều hành hiệu quả, gắn kết với quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch phát triển địa phương và các quan điểm, mục tiêu tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.

(ii) Công tác XTĐT còn chưa đồng đều giữa các địa phương, phụ thuộc nhiều vào vai trò của người lãnh đạo đứng đầu. Các hoạt động XTĐT chưa phải là kết quả của quá trình xây dựng kế hoạch khoa học, chuyên nghiệp, có tính thực tiễn và hiệu quả, kể cả các địa phương đạt kết quả thu hút đầu tư cao.

(iii) Công tác chuẩn bị các điều kiện thu hút đầu tư tại các địa phương vẫn chưa đồng bộ, kể cả các địa phương có công tác XTĐT năng động do vướng mắc về thể chế, chính sách, quy định pháp luật về đất đai, năng lượng, lao động... Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác XTĐT nhiệt tình nhưng chưa thực sự chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tế.

(iv) Hoạt động XTĐT tại chỗ, giải quyết khó khăn của các nhà đầu tư tại một số địa bàn chưa được chú trọng, hiệu quả còn hạn chế, việc xử lý vướng mắc của nhà đầu tư chưa kịp thời, vẫn còn địa phương chưa chủ động đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư bên cạnh một số địa phương làm rất tốt như Thái Bình, Nghệ An...

(v) Một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, dẫn đến tình trạng khó khăn của nhà đầu tư chậm được tiếp nhận và giải quyết triệt để, thủ tục hành chính tại một số địa phương vẫn còn phức tạp, rườm rà. Chưa có sự thống nhất về cách thức xử lý giữa các địa phương, dẫn đến việc nhà đầu tư cùng thực hiện dự án tại nhiều địa phương lại phải thực hiện các yêu cầu khác nhau, không thống nhất, từ đó làm giảm niềm tin của nhà đầu tư.

(vi) Hệ thống thông tin, số liệu phục vụ thu hút đầu tư tại nhiều địa phương thiếu cập nhật, chưa cung cấp được những số liệu cần thiết về các lĩnh vực, ngành có thế mạnh của địa phương. Việc xây dựng danh mục dự án XTĐT tại một số địa phương còn hình thức, dàn trải, chưa có trọng tâm trọng điểm.

(vii) Việc tổ chức hoạt động XTĐT của một số địa phương vẫn còn hình thức, chưa gắn với quy hoạch phát triển, xuất hiện lại tình trạng các địa phương tổ chức hoạt động XTĐT chồng chéo tại nước ngoài. Nguyên nhân là do chưa thực hiện nghiêm túc quy định về việc phê duyệt Chương trình XTĐT năm 2022 và Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động XTĐT năm 2021 theo quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP (Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo).

(viii) Vẫn còn tình trạng một số địa phương chưa quan tâm đối với công tác báo cáo các xây dựng chương trình XTĐT hàng năm, dẫn đến tình trạng chậm nộp báo cáo hoặc báo cáo chưa đạt yêu cầu (Phụ lục: Báo cáo tình hình xây dựng chương trình XTĐT năm 2024 của các địa phương).

[...]