Quyết định 776/QĐ-UBND về Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023 tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 776/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/04/2023
Ngày có hiệu lực 14/04/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 776/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 14 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2023 TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17/6/2020;

Căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư;

Căn cứ Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;

Theo Công văn số 9174/BKHĐT-ĐTNN ngày 16/12/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 58/TTr-SKHĐT ngày 30/3/2023 và thống nhất giữa Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp giao ban ngày 10/4/2023 (khoản 10, Thông báo số 116/TB-UBND ngày 13/4/2023).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam năm 2023, với các nội dung chính sau:

1. Quan điểm, định hướng, mục tiêu

a) Quan điểm, định hướng

- Bám sát Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 về ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 về ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả ba nhiệm vụ đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp sáng tạo.

- Hoạt động thu hút đầu tư tiếp tục đổi mới theo hướng Chuyên nghiệp - Thiết thực - Hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ với việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 theo tinh thần các văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Hoạt động xúc tiến đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả nước; phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Trung ương, trên cơ sở khai thác, phát huy lợi thế tiềm năng của tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác dự báo tình hình phát triển kinh tế thế giới và khu vực để có kế hoạch xúc tiến đầu tư phù hợp; khai thác có hiệu quả các cơ hội từ làn sóng đầu tư tái cấu trúc các chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu và đặc biệt của khu vực châu Á.

- Tập trung thu hút, xúc tiến các ngành, lĩnh vực Quảng Nam có ưu thế, tăng cường gắn kết với các địa phương lân cận vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ cũng như các địa phương trong các vùng khác; đạt được lợi ích lớn từ việc hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác và các thỏa thuận thương mại tự do, bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư; ưu tiên các dự án đầu tư nước ngoài có liên kết với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, việc thu hút FDI cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia đặt lên hàng đầu.

Tiếp tục tận dụng sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Bộ, ngành Trung ương để thu hút hiệu quả các dự án, đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai và Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của Hành lang Kinh tế Đông Tây. Kết hợp hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và các chương trình tuyên truyền đối ngoại nhằm tận dụng hiệu quả các nguồn lực, thời cơ để quảng bá, xúc tiến đầu tư. Coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tăng cường hỗ trợ các dự án đã được cấp phép đầu tư để các dự án này triển khai một cách thuận lợi; trực tiếp làm việc với nhà đầu tư để xác định các danh mục dự án mở rộng sản xuất kinh doanh phù hợp với năng lực của nhà đầu tư và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Chú trọng các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư. Tích cực hỗ trợ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm có quy mô lớn, mang tính động lực để tạo sức lan tỏa cho các dự án khác cùng phát triển.

b) Mục tiêu

- Ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, dược phẩm, sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch,… Đẩy mạnh thu hút và nghiên cứu cơ chế sử dụng vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội. Thu hút đầu tư các dự án mới phải đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, tạo nguồn thu địa phương với trình độ công nghệ của dự án, sử dụng nguồn lực nội địa; không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

- Công nghiệp phải quy hoạch, định hướng đầu tư sản xuất theo cụm ngành với công nghệ hiện đại, công nghiệp xanh ít sử dụng lao động. Phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở nền tảng cơ khí chính xác, tự động hóa và quản trị hiện đại; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của cơ khí theo hướng xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới mà trong đó THACO Trường Hải là hạt nhân đóng vai trò dẫn dắt, hình thành chuỗi liên kết để sớm hình thành trung tâm công nghiệp cơ khí đa dụng và công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai mang tầm quốc gia. Song song với đó là phát triển ngành công nghiệp hàng không để hình thành Trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không cũng tại Khu kinh tế mở Chu Lai mang tầm quốc tế. Bên cạnh đó là phát triển các cụm ngành công nghiệp điện khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, công nghiệp thực phẩm, đồ uống. Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp phải là những ngành nghề tiên tiến, đóng góp ngân sách nhiều, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích sử dụng đất. Các ngành khai thác, chế biến khoáng sản phải đổi mới công nghệ, chế biến sâu, không làm tổn hại môi trường, tiết kiệm tài nguyên.

- Trong dịch vụ, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, logisctics; hình thành các khu phi thuế quan, các sàn giao dịch mang tầm cỡ quốc tế; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của khu vực miền Trung. Định hướng phát triển du lịch xanh; xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm dịch vụ du lịch của miền Trung và cả nước; xây dựng thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch tầm quốc gia và quốc tế; chú trọng phát triển du lịch về phía Nam và phía Tây của tỉnh; phát triển đa dạng hóa thị trường khách du lịch, trong đó phát triển mạnh thị trường khách du lịch nội địa, hợp tác liên kết vùng, đảm bảo thích ứng với những tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc dịch bệnh toàn cầu; từng bước chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đặc biệt, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Quảng Nam có cơ hội rất lớn để phát triển mạnh dịch vụ vận tải cả về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông và đường hàng không. Với đặc điểm hội tụ riêng có của mình, Khu kinh tế mở Chu Lai hoàn toàn có thể hình thành một trung tâm vận tải đa phương thức trọng điểm của quốc gia.

- Lĩnh vực đô thị ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phát triển bất động sản, đô thị, nhà ở quy mô lớn, tạo động lực phát triển đô thị tại khu vực vùng Đông; thu hút các dự án bất động sản, nhà ở có quy mô phù hợp tại thị trấn các huyện khu vực vùng Tây. Trong đó, tập trung phát triển các khu đô thị đồng bộ, hiện đại, tiêu chí xanh theo hướng đô thị thông minh, sinh thái, gắn kết với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp của tỉnh; có tính kết nối trong nước và quốc tế.

- Nông nghiệp phát triển theo công nghệ cao, chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu; có chính sách thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là tại Chu Lai để hình thành trung tâm công nghiệp chế biến tại Chu Lai, hướng chủ yếu cho xuất khẩu. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tạo mối liên kết bền chặt, hiệu quả với các hợp tác xã và hộ nông dân, hình thành các vùng chuyên canh lớn, các trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp, bán công nghiệp nhưng theo hướng hữu cơ, gắn với mô hình sinh thái, đặc hữu; chuyển đổi mạnh rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, cây ăn trái và một số loại cây dược liệu chủ lực, trong đó sâm Ngọc Linh đóng vai trò chủ đạo nhằm phát triển kinh tế rừng và kinh tế dưới tán rừng của Quảng Nam, gắn với chế biến sâu; giảm tỉ trọng nuôi trồng thủy sản, tăng tỉ trọng đánh bắt xa bờ gắn với chế biến sâu và hạ tầng nghề cá đồng bộ để phù hợp với mô hình phát triển kinh tế biển xanh, tuần hoàn. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển vượt bậc về hoạt động khởi nghiệp gắn với đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao và qui mô lớn để cung cấp cho các thị trường trọng điểm trong nước.

2. Nội dung Chương trình xúc tiến đầu tư

a) Hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư

- Hợp tác với các đơn vị, Viện nghiên cứu, các công ty tư vấn, môi giới đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, xu hướng đầu tư của đối tác đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore.... Chủ động tiếp cận, giới thiệu các cơ hội hợp tác đầu tư trực tiếp đối với các đối tác, ưu tiên các đối tác từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng, là thành viên cùng tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA,…) như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bàn, Hàn Quốc, Singapore,…; các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị; ngoài ra là các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại các Trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, Long An, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh,…. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư theo các chuyên đề, ngành nghề làm cơ sở để xúc tiến các nhóm dự án động lực.

- Làm việc với các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế như Cục đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, JETRO, JICA, KOTRA, EUROCHAM, SMF, SBF... để thu thập thông tin, số liệu, xu hướng đầu tư FDI vào Việt Nam; nghiên cứu, chọn lọc tham gia các hội nghị, hội thảo do các tổ chức nêu trên tổ chức tại Việt Nam và nước ngoài.

- Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế duyên hải miền Trung nhằm tạo sự liên kết phát triển vùng trong quá trình hợp tác đầu tư; đồng thời tăng cường hoạt động hợp tác, trao đổi chuyển giao công nghệ trong mọi lĩnh vực, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

[...]