Công văn 10305/BTC-TCT trả lời kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 10305/BTC-TCT
Ngày ban hành 01/08/2012
Ngày có hiệu lực 01/08/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Cao Anh Tuấn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10305/BTC-TCT
V/v trả lời kiến nghị của KTNN

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2012

 

Kính gửi: Kiểm toán Nhà nước

Bộ Tài chính nhận được công văn số 521/KTNN-CNVI ngày 31/5/2012 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về việc đề nghị giải đáp một số nội dung áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản cá biệt do Bộ Tài chính ban hành. Về vấn đề này Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về việc xử lý tài chính, tính thuế và hạch toán kế toán đối với trường hợp giảm trừ phần thù lao đại lý khi xác định giá tính thuế, phản ánh giảm trừ trên hóa đơn bán hàng theo quy định tại Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính.

Tại Khoản 1 Điều 169, Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005 quy định:

"1. Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý"

Tại Điều 171, Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày ngày 14/6/2005 quy định:

"Điều 171. Thù lao đại lý

1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá..."

Tại điểm 1.1, Mục II Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định giá tính thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ trong một số trường hợp có hướng dẫn:

"1.1. Đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế GTGT. Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa có thuế GTGT.

Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng, trừ các khoản phụ thu và phí cơ sở kinh doanh phải nộp NSNN. Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức giảm giá bán, chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã giảm, đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng."

Theo báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Tập đoàn) thì về cơ bản các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn ký kết hợp đồng với các Tổng đại lý, đại lý theo hình thức "Tổng đại lý bao tiêu hưởng thù lao" hoặc "Đại lý bao tiêu hưởng thù lao" với các đặc điểm, nội dung cơ bản của hợp đồng đại lý là: Bên giao đại lý không chịu trách nhiệm đối với mọi rủi ro, tổn thất về hàng hoá phát sinh sau thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá (phương tiện vận chuyển đã nhận hàng ra khỏi cổng kho của Bên giao đại lý hoặc sau khi Bên giao đại lý nạp hàng vào kho của Bên nhận đại lý); Giá giao cho các Tổng đại lý, đại lý bằng (=) giá bán lẻ theo quy định tại từng thời điểm trừ (-) đi thù lao Tổng đại lý, đại lý trừ các khoản hỗ trợ; thù lao Tổng đại lý, đại lý do Bên giao đại lý quy định theo từng thời điểm, ứng với điểm giao nhận và hình thức thanh toán.

Căn cứ vào các quy định nêu trên và thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, trường hợp Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và các đơn vị thành viên của Tập đoàn có ký hợp đồng với các Tổng đại lý, đại lý theo hình thức "Tổng đại lý bao tiêu hưởng thù lao" hoặc "Đại lý bao tiêu hưởng thù lao" với các đặc điểm, nội dung cơ bản của hợp đồng đại lý là: Bên giao đại lý không chịu trách nhiệm đối với mọi rủi ro, tổn thất về hàng hoá phát sinh sau thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá (phương tiện vận chuyển đã nhận hàng ra khỏi cổng kho của Bên giao đại lý hoặc sau khi Bên giao đại lý nạp hàng vào kho của Bên nhận đại lý); thù lao Tổng đại lý, đại lý do Bên giao đại lý quy định theo từng thời điểm, ứng với điểm giao nhận và hình thức thanh toán thì khi xuất hàng bán cho các Tổng đại lý, đại lý, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các đơn vị thành viên thuộc. Tập đoàn xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho Tổng đại lý, đại lý theo giá tính thuế giá trị gia tăng là giá giao cho các Tổng đại lý, đại lý được quy định trong hợp đồng chưa có thuế giá trị gia tăng (không bao gồm thù lao đại lý và các khoản hỗ trợ).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính được biết mức thù lao đại lý theo hợp đồng Tổng đại lý và đại lý thường không thống nhất nên kết quả hoạt động của các Tổng đại lý và đại lý khác nhau. Vì vậy, đề nghị KTNN tham khảo thêm ý kiến của Bộ Công thương về thoả thuận mức thù lao đại lý theo hình thức đại lý ký kết giữa Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các đơn vị thành viên của Tập đoàn với các Tổng đại lý đại lý có phù hợp với quy định của pháp luật thương mại hay không.

2. Về việc trích, bù trừ số trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Công ty mẹ - Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam

Tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính Phủ quy định về kinh doanh xăng dầu và điều kiện kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam quy định:

"Thương nhân đầu mối có nghĩa vụ trích lập Quỹ Bình ổn giá để tham gia bình ổn giá..."

Tại điều 4 Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 09/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định:

"Các thương nhân đầu mối được quyền chủ động thực hiện các phương thức kinh doanh xăng dầu phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh; trích lập Quỹ bình ổn giá..."

Căn cứ các quy định nêu trên, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam nay là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam) là thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) Việc Tập đoàn ban hành văn bản số 1997/PLX-TCKT ngày 27/12/2011 hướng dẫn các đơn vị thành viên hoạt động kinh doanh xăng dầu có lãi giai đoạn từ ngày 01/01/2011 đến 30/11/2011 thực hiện trích quỹ BOG, điều chỉnh giảm lợi nhuận tại các đơn vị này là chưa đúng quy định. Vì vậy để được xem xét thực hiện khác với quy định này thì Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cần phải xin phép và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Tuy nhiên, việc yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các đơn vị thành viên điều chỉnh việc trích lập quỹ BOG theo đúng quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ sẽ ảnh hưởng đến việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà đầu tư đã mua cổ phần. Do đó, đề nghị KTNNN cân nhắc phương án xử lý trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn.

3. Về phương pháp tính giá cơ sở

Tại khoản 9 Điều 3 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định:

(Giá cơ sở là giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) { Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức trước thuế cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Phí xăng dầu cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định pháp luật hiện hành; được tính bình quân của số ngày dự trữ lưu thông quy định tại Điều 22 Nghị định này; trong đó:

Giá CIF là giá xăng dầu thế giới cộng (+) phí bảo hiểm cộng (+) Cước vận tải về đến cảng Việt Nam;..."

Tại khoản 1 Điều 22 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ nêu trên quy định:

"Điều 22. Dự trữ lưu thông xăng dầu

1. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực đến năm 2025, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu bằng ba mươi (30) ngày cung ứng cả về cơ cấu chủng loại, theo kế hoạch tiêu thụ được xác định hàng năm của thương nhân."

[...]