Công văn 10099/BTP-PLHSHC thực hiện Kế hoạch triển khai và Danh mục nghị định hướng dẫn Luật xử lý vi phạm hành chính tại Quyết định 1473/QĐ-TTg do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 10099/BTP-PLHSHC
Ngày ban hành 19/12/2012
Ngày có hiệu lực 19/12/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Vi phạm hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 10099/BTP-PLHSHC
V/v thực hiện Quyết định 1473/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2012

 

Kính gửi: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ

Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Để triển khai thi hành Luật, ngày 05/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Danh mục nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

1. Do thời gian từ nay đến khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực không còn nhiều, trong khi khối lượng văn bản cần ban hành rất lớn, phải đồng bộ; mặt khác, các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực sau khi được ban hành sẽ có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Để việc xây dựng, ban hành các nghị định này kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, Bộ Tư pháp đã họp với Văn phòng Chính phủ và thống nhất về việc triển khai một số hoạt động đặc thù phục vụ cho việc xây dựng, thẩm định các nghị định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

- Bộ Tư pháp xây dựng, gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ nghị định mẫu về xử phạt vi phạm hành chính để thống nhất về hình thức, bố cục và một số nội dung cơ bản của các nghị định, bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (kèm theo Công văn này).

- Thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo hoặc lãnh đạo cấp Vụ của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ. Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; tham gia ý kiến đối với các dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính; kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị các phương án, giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng các nghị định. Sau khi xem xét, có ý kiến tham gia bằng văn bản gửi Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời gửi Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để theo dõi.

- Thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định tất cả các dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật với sự tham gia của đại diện lãnh đạo hoặc lãnh đạo cấp Vụ một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, một số chuyên gia, nhà khoa học để bảo đảm chất lượng của các dự thảo nghị định, đặc biệt là tính đồng bộ, khả thi, tính hợp lý của các quy định trong văn bản.

2. Trên cơ sở một số hoạt động đặc thù nêu trên, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ:

- Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ xây dựng các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, kịp trình Chính phủ đúng thời hạn, bảo đảm có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật.

- Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục xây dựng nghị định được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Đặc biệt, cần lưu ý đến việc đăng dự thảo trên Trang thông tin điện tử; lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; đánh giá tác động đối với một số quy định xử phạt có ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, để góp phần bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi của văn bản.

- Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng nghị định; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị với Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng nghị định, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các nghị định.

- Gửi các dự thảo nghị định đến Bộ Tư pháp để Tổ công tác liên ngành tham gia ý kiến và thẩm định theo đúng thời hạn quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng (để báo cáo);
- Phó TTg Nguyễn Xuân Phúc (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Thứ trưởng Hoàng Thế Liên (để biết);
- Vụ Pháp luật, VPCP (để phối hợp);
- Vụ các VĐCVXDPL (để tổng hợp);
- Lưu: VT, Vụ PLHSHC(2b).

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

VỀ CÁCH THỨC XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG CÁC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

I. PHẦN CĂN CỨ BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

Ngoài căn cứ chung Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001; Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; cần thể hiện đầy đủ các luật, pháp lệnh quy định trực tiếp về lĩnh vực/hoạt động có nội dung liên quan đến các hành vi vi phạm hành chính trong Nghị định)

II. VỀ CƠ CẤU, BỐ CỤC CHUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH VÀ SỐ LƯỢNG CÁC CHƯƠNG

1. Các nghị định quy định xử phạt trong một lĩnh vực

Về cơ bản, các nghị định quy định xử phạt trong một lĩnh vực (lĩnh vực hàng không dân dụng, an toàn thực phẩm...) nên gồm 4 chương theo bố cục như sau: Chương I quy định những vấn đề chung; Chương II quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; Chương III quy định về thẩm quyền xử phạt và Chương IV quy định về Điều khoản thi hành.

2. Các nghị định quy định xử phạt trong nhiều lĩnh vực

Đối với các nghị định quy định xử phạt trong nhiều lĩnh vực/hoạt động, số lượng chương có thể nhiều hơn 4 chương, tùy theo số lượng lĩnh vực quản lý nhà nước. Về bố cục, có thể theo hai cách:

2.1. Cách thứ nhất

Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả của từng lĩnh vực sẽ được quy định thành các chương khác nhau. Thẩm quyền xử phạt được quy định thành một chương, trong đó thẩm quyền xử phạt đối với từng lĩnh vực sẽ được chia thành các mục trong chương quy định về thẩm quyền, cụ thể là:

- Chương I: Những quy định chung

- Chương II: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực 1

- Chương III: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực 2

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ