Công ước về vị thế của người không quốc tịch, 1954

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 28/09/1954
Ngày có hiệu lực 06/06/1960
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CÔNG ƯỚC

VỀ VỊ THẾ CỦA NGƯỜI KHÔNG QUỐC TỊCH, 1954

(Được thông qua tại Hội nghị các Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Hợp Quốc ngày 28/9/1954, tổ chức theo Nghị quyết 526(XVII) ngày 26/5/1954 của Hội đồng Kinh tế - Xã hội. Có hiệu lực từ ngày 6/6/1960 theo điều 39)

LỜI MỞ ĐẦU

Các Bên tham gia Công ước,

Xét rằng, Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1948 đã khẳng định nguyên tắc mọi người được hưởng các quyền và tự do cơ bản mà không bị phân biệt đối xử,

Xét rằng Liên Hợp Quốc, trong nhiều trường hợp, đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về những người không quốc tịch và đã nỗ lực để bảo đảm cho họ thực hiện ở mức nhiều nhất có thể các quyền và tự do cơ bản nói trên,

Xét rằng, mới chỉ có những người không quốc tịch đồng thời là người tị nạn được Công ước về Vị thế của Người tị nạn ngày 28/7/1951 bảo vệ, và rằng, có nhiều người không quốc tịch không được Công ước trên bảo vệ,

Xét rằng, cần thiết phải qui định và nâng cao vị thế của những người không quốc tịch bằng một thoả thuận quốc tế,

Đã thoả thuận như sau:

Chương I

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1: Định nghĩa thuật ngữ “người không quốc tịch”

1. Vì mục đích của Công ước này, thuật ngữ “người không quốc tịch” có nghĩa là người không được coi là công dân của bất kỳ quốc gia nào theo pháp luật hiện hành của quốc gia đó.

2. Công ước này không áp dụng:

(i) Đối với những người hiện đang được các cơ quan hay tổ chức của Liên Hợp Quốc, ngoài Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn, bảo vệ hoặc trợ giúp, chừng nào họ vẫn còn nhận được sự bảo vệ hay trợ giúp đó;

(ii) Đối với những người được các cơ quan có thẩm quyền của nước mà họ cư trú công nhận có các quyền và nghĩa vụ gắn với việc có quốc tịch ở nước đó;

(iii) Đối với những người mà có nhiều lý do nghiêm trọng liên quan đến họ cho thấy rằng:

(a) Họ đã phạm tội chống hoà bình, tội ác chiến tranh hay tội ác chống nhân loại, như đã được định nghĩa trong các văn kiện quốc tế được soạn thảo về các tội ác này;

(b) Họ đã phạm một tội phi chính trị nghiêm trọng ở bên ngoài nước họ cư trú trước khi được phép vào nước đó;

(c) Họ đã phạm tội vì những hành vi đi ngược lại những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.

Điều 2: Nghĩa vụ chung

Mỗi người không quốc tịch đều có những nghĩa vụ đối với đất nước nơi người đó cư trú, những nghĩa vụ này đòi hỏi người đó phải tuân thủ các quy định pháp luật của nước đó cũng như những biện pháp được áp dụng để duy trì trật tự công cộng.

Điều 3: Không phân biệt đối xử

Các quốc gia thành viên phải áp dụng các quy định của Công ước này đối với mọi người không quốc tịch, mà không có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo hay nguồn gốc quốc gia.

Điều 4: Tôn giáo

Các quốc gia thành viên phải dành cho những người không quốc tịch trong phạm vi lãnh thổ của mình sự đối xử ít nhất cũng thuận lợi như sự đối xử với công dân của nước mình về tự do thực hành tôn giáo và các tự do khác liên quan đến việc giáo dục tôn giáo của con cái họ.

Điều 5: Các quyền được bảo đảm ngoài Công ước này

Không một quy định nào trong Công ước này sẽ được giải thích nhằm làm tổn hại đến bất kỳ quyền và lợi ích nào được quốc gia thành viên dành cho những người không quốc tịch ngoài các quyền được quy định trong Công ước này.

Điều 6: Thuật ngữ “ trong những hoàn cảnh như nhau”

[...]