Công ước Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và chất hướng thần năm 1988

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 19/12/1988
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Công ước
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC

VỀ CHỐNG BUÔN BÁN BẤT HỢP PHÁP CÁC CHẤT MA TUÝ VÀ CHẤT HƯỚNG THẦN NĂM 1988

(Hội nghị thông qua tại phiên họp toàn thể lần thứ 6 ngày 19/12/1988)

Các bên của Công ước này

Lo ngại sâu sắc vì quy mô và xu hướng ngày càng tăng trong việc sản xuất, nhu cầu tiêu thụ và buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và chất hướng thần đang đe doạ nghiêm trọng sức khoẻ và hạnh phúc của con người, và ảnh hưởng bất lợi đối với nền kinh tế, văn hoá, chính trị của xã hội.

Cũng rất lo ngại sâu sắc vì hoạt động buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và chất hướng thần đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào các tầng lớp xã hội khác nhau, đặc biệt khi mà ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ em đang là một thị trường tiêu thụ ma tuý bất hợp pháp được sử dụng vào mục đích sản xuất, cung cấp và buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và chất hướng thần kéo theo mối nguy hiểm nghiêm trọng không thể lường hết dược.

Thừa nhận một liên kết giữa buôn bán bất hợp pháp ma tuý và những hoạt động phạm tội có tổ chức liên quan khác đang phá hoại nền kinh tế hợp pháp và đe doạ sự ổn định, an ninh và chủ quyền của các quốc gia.

Cũng thừa nhận rằng buôn bán bất hợp pháp ma tuý là hoạt động phạm tội có tính chất quốc tế và việc trấn át hoạt động phạm tội này đòi hỏi phải được ưu tiên và quan tâm hàng đầu.

Nhận thức rằng việc buôn bán bất hợp pháp ma tuý mang lại lợi nhuận rất cao, tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia thâm nhập, làm ô nhiễm và phá hoại cơ cấu bộ máy Chính phủ, hoạt động tài chính và thương mại hợp pháp, phá hoại xã hội ở mọi cấp độ. Quyết tâm tịch thu của những người tham gia vào việc buôn bán bất hợp pháp những lợi nhuận có được từ những hoạt động phạm tội của họ và theo đó loại bỏ động cơ tiếp tục hoạt động phạm tội để thu lợi nhuận;

Mong muốn xoá bỏ tận gốc vấn đề lạm dụng ma tuý và các chất hướng thần bao gồm cả nhu cầu sử dụng bất hợp pháp các chất này và nguồn lợi nhuận to lớn thu được qua những hoạt động buôn bán bất hợp pháp các chất đó;

Xét thấy rằng cần phải có những biện pháp để kiểm soát một số chất trong đó các tiểu chất, các hoá chất và chất dung môi được dùng để sản xuất bất hợp pháp các chất ma tuý và chất hướng thần, tính sẵn có của chúng đã dẫn đến việc sản xuất lén lút các chất ma tuý và chất hướng thần.

Quyết tâm tăng cường sự hợp tác quốc tế trong việc trấn áp hoạt động buôn bán bất hợp pháp qua đường biển;

Thừa nhận rằng việc loại trừ những hoạt động buôn bán bất hợp pháp là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia, để đạt được mục tiêu đó những  hoạt động trong khuôn khổ hợp tác quốc tế là cần thiết;

Thừa nhận thẩm quyền của Liên hợp quốc trong lĩnh vực kiểm soát ma tuý và các chất hướng thần và mong muốn các tổ chức quốc tế liên quan đến vấn đề kiểm soát ma tuý sẽ nằm trong phạm vi hoạt động của Liên hợp quốc;

Khẳng định lại những nguyên tắc cơ bản trong các điều ước hiện hành liên quan đến việc kiểm soát các chất ma tuý và các chất hướng thần và hệ thống kiểm soát được quy định trong những hiệp định đó;

Thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường và bổ sung những biện pháp quy định trong Công ước thống nhất về các chất ma tuý 1961, Công ước này đã được sửa đổi phù hợp với Nghị định thư 1972 và Công ước về các chất hướng thần 1971 nhằm hạn chế quy mô và mức độ của việc buôn bán bất hợp pháp ma tuý cũng như hậu quả nghiêm trọng của chúng.

Cũng nhận thấy được tầm quan trọng của việc củng cố và tăng cường các phương tiện pháp lý có hiệu quả về hợp tác quốc tế trong các vấn đề hình sự nhằm trấn áp hoạt động phạm tội quốc tế như buôn bán bất hợp pháp ma tuý;

Mong muốn ký kết một Công ước quốc tế mang tính toàn diện, hiệu quả và có hiệu lực một Công ước được chỉ rõ là chống hoạt động buôn bán bất hợp pháp ma tuý và xem xét những khía cạnh khác nhau của toàn bộ vấn đề, đặc biệt là những điểm chưa được quy định trong các điều hiện hành liên quan đến việc kiểm soát các chất ma tuý và chất hướng thần, từ đó đã thoả thuận như sau:

Điều 1. Định nghĩa

Trừ những trường hợp đã được chỉ rõ hoặc do nội dung đòi hỏi phải hiểu khác, những định nghĩa sau dây được sử dụng trong toàn bộ Công ước:

a) “Ban” nghĩa là Ban kiểm soát ma tuý quốc tế được quy định trong Công ước thống nhất về các chất ma tuý năm 1961 và đã được sửa đổi theo Nghị định thư năm 1972 về sửa đổi Công ước thống nhất các chất ma tuý 1961.

b) “Cây cần sa” có nghĩa là các loại cây nào thuộc chi Cannabis;

c) “Cây coca” có nghĩa là cây thuộc bất kỳ loại nào thuộc chi Erythroxylon;

d) “Người buôn bán” nghĩa là bất kỳ người nào tổ chức công cộng hoặc tư  nhân hoặc bất kỳ thức thể nào khác dính líu đến người vận chuyển, hàng hoá hoặc thư từ để được trả công cho thuê hoặc bất kỳ lợi nhuận nào khác;

e) “Uỷ ban” nghĩa là Uỷ ban về các chất ma tuý của Hội đồng kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc;

f) “Tịch thu” trong đó bao gồm cả trưng thu có nghĩa là tước đoạt vĩnh viễn tài sản theo quyết định của Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền;

g) “Việc chuyển giao có kiểm soát” có nghĩa là biện pháp cho phép vận chuyển trái phép hoặc có nghi ngờ các chuyến hàng chở chất ma tuý, chất hướng thần, các chất quy định trong Bảng I và II Công ước này hoặc các chất thay thế các chất đó được chuyển qua hay vào lãnh thổ của một hay nhiều nước có thông báo và sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, nhằm xác định những người liên quan có hành vi phạm tội theo khoản 1 Điều 3 Công ước này.

h) “Công ước 1961” có nghĩa là Công ước thống nhất về các chất ma tuý năm 1961;

i) “Công ước 1961 sửa đổi” có nghĩa là Công ước thống nhất về các chất ma tuý năm 1961 đã được sửa đổi theo Nghị định thư năm 1972;

i) “Công ước 1971” có nghĩa là Hội đồng kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc;

[...]