CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ
THỐNG NHẤT MỘT SỐ QUY TẮC PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN VẬN ĐƠN ĐƯỜNG
BIỂN 1
1. Công ước
Tổng thống Cộng hòa Đức, Tổng
thống Cộng hòa Ác-hen-ti-na, Quốc vương Bỉ, Tổng thống Cộng hòa Chilê, Chủ tịch
Cộng hòa Cu Ba, Quốc vương Đan Mạch và Ai-len, Quốc vương Tây Ban Nha, Người đứng
đầu Nhà nước Estonia, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Tổng thống Cộng hòa Phần
Lan, Tổng thống Cộng hòa Pháp, Quốc vương Liên hiệp Anh và Ai-len và các lãnh
thổ tự trị trong khối Liên hiệp Anh, Quốc vương Ấn Độ, Thủ lĩnh quyền lực Quốc
vương Hung-ga-ry, Nhà vua Italia, Nhật hoàng, Tổng thống nước Cộng hoà Latvia,
Tổng thống nước Cộng hoà Mexico, Đức vua Na-uy, Nữ hoàng Hà Lan, Tổng thống nước
Cộng hoà Peru, Tổng thống nước Cộng hoà Ba Lan, Tổng thống nước Cộng hoà Bồ Đào
Nha, Đức vua Rumani, Đức vua của khối các nước Séc, Croat-ti-a và Slô-vê-nia,
Nhà vua Thuỵ Điển và Tổng thống nước Cộng hoà U-ru-goay.
ĐÃ CÔNG NHẬN lợi ích của việc
thống nhất những quy tắc điều chỉnh vận đơn đường biển trong một điều ước.
ĐI ĐẾN KẾT LUẬN cho vấn đề này
bằng một công ước và chỉ định những đại diện sau đây:
(Danh sách các Đại diện ngoại
giao không được liệt kê tại đây)
HỌ, với đầy đủ thẩm quyền đã THỐNG
NHẤT những điều khoản sau:
Điều 1
Trong
Công ước này, những từ sau đây được hiểu và dùng theo nghĩa được trình bày dưới
đây:
(a) “Người chuyên chở” bao gồm
người chủ tàu hay người thuê tàu kí kết một hợp đồng vận tải với người gửi
hàng.
(b) “Hợp đồng vận chuyển” chỉ
được áp dụng để chỉ những hợp đồng vận tải được thể hiện bởi một vận đơn đường
biển hoặc một chứng từ sở hữu tương tự, với điều kiện những chứng từ đó có liên
quan tới việc vận chuyển hàng hoá bằng đường biển, nó cũng được sử dụng cho vận
đơn hay chứng từ tương tự như đã nói ở trên được phát hành theo hay phụ thuộc
vào một hợp đồng thuê tàu kể từ thời điểm vận đơn hoặc chứng từ ấy điều chỉnh
quan hệ giữa người chuyên chở và người giữ vận đơn.
(c) “Hàng hóa” bao gồm của cải,
đồ vật, hàng hóa hay vật phẩm thuộc bất kì chủng loại nào, trừ súc vật sống và
hàng hóa theo hợp đồng vận chuyển được khai báo là được xếp trên boong và thực
tế được vận chuyển trên boong.
(d) “Tàu biển” nghĩa là bất kì
loại tàu nào dùng để chuyên chở hàng hóa bằng đường biển.
(e) “vận chuyển hàng hóa” bao gồm
khoảng thời gian từ lúc xếp hàng lên tàu đến lúc dỡ hàng hoá đó khỏi tàu.
Điều 2
Tuân thủ
quy định tại Điều 6, trong bất cứ hợp đồng vận
chuyển hàng hoá bằng đường biển nào người chuyên chở chịu trách nhiệm và nghĩa
vụ pháp lí, cũng như được hưởng các quyền và miễn trách liên quan đến việc bốc
xếp hàng hoá, lưu kho, sắp xếp, vận chuyển, coi giữ, bảo quản và dỡ hàng như
quy định dưới đây.
Điều 3
1. Trước
và tại thời điểm bắt đầu hành trình người chuyên chở phải có một sự cần mẫn hợp
lí để:
(a) Đảm bảo tàu có đủ khả năng
đi biển.
(b) Biên chế thuyền viên, trang
bị và đảm bảo các cung ứng khác cho tàu.
(c) Đảm bảo các hầm chứa, các
phòng lạnh và phát lạnh, và tất cả các phần khác của con tàu được sử dụng để
chuyên chở hàng hoá phải phù hợp và an toàn cho việc tiếp nhận, chuyên chở và bảo
quản hàng hoá.
2. Tuân thủ quy định tại Điều
4, người chuyên chở phải tiến hành một cách hợp lí và cẩn thận việc bốc xếp,
san cào, chuyển dịch, sắp xếp, lưu giữ, bảo quản và dỡ những hàng được chuyên
chở.
3. Sau khi nhận trách nhiệm về
hàng hóa, người chuyên chở, hoặc thuyền trưởng, hoặc đại lí của người chuyên chở,
sẽ theo yêu cầu của người gửi hàng, cấp cho người gửi hàng một vận đơn đường biển,
trong đó ngoài những chi tiết khác, có ghi:
(a) Những kí mã hiệu chủ yếu cần
thiết để nhận biết hàng hoá giống như trong những tài liệu được người gửi hàng
cung cấp trước khi hàng hoá được bốc lên tàu, những kí hiệu này có thể được in,
đóng dấu hoặc thể hiện rõ ràng bằng những cách khác lên hàng hóa không đóng bao
bì, hoặc lên trên hòm, kiện hoặc bao bì chứa hàng hóa, sao cho chúng còn lưu lại
rõ ràng cho đến khi kết thúc hành trình.
(b) Số kiện, số chiếc, số lượng
hay trọng lượng trong từng trường hợp giống như trong văn bản của người gửi
hàng cung cấp.
(c) Trạng thái và tình trạng
bên ngoài của hàng hóa.
Người chuyên chở, thuyền trưởng
hoặc đại lý của người chuyên chở không buộc phải kê khai hoặc thể hiện trong vận
đơn những kí hiệu, số liệu, số lượng hoặc trọng lượng mà họ có cơ sở hợp lý để
nghi ngờ rằng không thể hiện đúng hàng hóa mà thực tế họ đã nhận, hoặc họ không
có phương tiện thích hợp để kiểm tra.
4. Một vận đơn như vậy là bằng
chứng hiển nhiên về việc người chuyên chở đã nhận hàng hóa theo như những mô tả
trong vận đơn, phù hợp với điểm a, b, c của khoản 3.
5. Người gửi hàng sẽ được coi
như đã đảm bảo cho người chuyên chở về tính chính xác của những kí hiệu, số liệu,
số lượng và trọng lượng như văn bản đã cung cấp cho người chuyên chở vào thời
điểm gửi hàng, và người gửi hàng có trách nhiệm bồi thường cho người chuyên chở
mọi tổn thất, thiệt hại, và chi phí phát sinh do sự không chính xác đó gây ra.
Quyền được bồi thường đó của người chuyên chở tuyệt nhiên không hạn chế trách
nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của họ theo hợp đồng vận tải đối với bất kì người nào
khác ngoài người gửi hàng.
6. Trừ khi có thông báo được lập
thành văn bản về mất mát, hư hỏng và tính chất chung của những mất mát, hư hỏng
ấy được gửi cho người chuyên chở hoặc đại lý của người chuyên chở tại cảng dỡ
hàng trước hoặc tại thời điểm giao hàng hoá dưới quyền định đoạt của người nhận
theo hợp đồng vận tải, hoặc nếu mất mát, hư hỏng là không rõ rệt và trong vòng
3 ngày nếu thông báo như trên không được gửi, thì việc giao hàng hoá đó là bằng
chứng thể hiện việc người chuyên chở đã giao hàng theo đúng mô tả trong vận
đơn.
Nếu mất mát, hư hỏng là không
rõ rệt thì thông báo phải được gửi trong vòng 3 ngày kể từ ngày giao hàng.
Thông báo bằng văn bản đó sẽ
không cần phải gửi nếu tại thời điểm nhận hàng, hàng hoá đã được giám định, hoặc
được kiểm tra dưới sự có mặt của các bên.
Trong mọi trường hợp, người
chuyên chở và con tàu sẽ không phải chịu trách nhiệm về mất mát, hư hỏng nếu
khiếu nại không được thực hiện trong vòng 1 năm kể từ ngày giao hàng hoặc ngày
hàng đáng lẽ phải được giao.
Trong trường hợp có mất mát, hư
hỏng thực tế hoặc cảm thấy có mất mát, hư hỏng, thì người chuyên chở và người
nhận hàng phải tạo mọi điều kiện thích hợp và thuận lợi cho nhau để tiến hành
việc kiểm tra và kiểm đếm hàng hóa.
7. Sau khi hàng đã được xếp lên
tàu, vận đơn được cấp bởi người chuyên chở, thuyền trưởng hoặc đại lí của người
chuyên chở cho người gửi hàng theo yêu cầu của người gửi hàng, sẽ là vận đơn
“đã xếp”, nếu trước đó người gửi hàng đã nhận bất kì chứng từ nào có giá trị sở
hữu hàng hóa, thì họ phải hoàn lại chứng từ đó để đối lấy vận đơn “đã xếp”. Tùy
theo sự lựa chọn của người chuyên chở mà tại cảng bốc hàng người chuyên chở,
thuyền trưởng hoặc đại lý của người chuyên chở có thể ghi trên vận đơn tên tàu
là tên của một hoặc nhiều con tàu mà hàng hoá đã được bốc lên, và ngày là ngày
đã xếp hàng tại cảng xếp hàng, khi ghi như vậy, nếu có đủ nội dung như được quy
định tại khoản 3 điều 3, thì vận đơn đó sẽ được xem như vận đơn “đã xếp”
8. Bất kì điều khoản, giao ước
hay thỏa thuận nào trong hợp đồng vận tải nhằm giảm nhẹ trách nhiệm của người
chuyên chở hoặc tàu đối với mất mát, hư hỏng của hàng hóa hoặc có liên quan tới
hàng hóa xuất phát từ sơ suất, lỗi hay việc không làm tròn nghĩa vụ và trách
nhiệm quy định tại điều này hoặc giảm bớt trách nhiệm so với quy định của Công
ước này, đều vô giá trị và vô hiệu. Việc lợi ích bảo hiểm dành cho người chuyên
chở hoặc điều khoản tương tự sẽ được xem như điều khoản giảm nhẹ trách nhiệm
cho người chuyên chở.
Điều 4
1. Cả người
chuyên chở và tàu đều không phải chịu trách nhiệm về mất mát hay hư hỏng xuất
phát từ việc tàu không đủ khả năng đi biển, trừ khi tình trạng đó là do sự thiếu
cần mẫn hợp lý của người chuyên chở trong việc đảm bảo cho tàu có đủ khả năng
đi biển và đảm bảo tàu được biên chế đầy đủ, có đủ trang thiết bị và các vật dụng
cung ứng, và đảm bảo cho khoang chứa, phòng lạnh cũng như những phần khác của tàu
dùng để chuyên chở hàng hóa phù hợp, an toàn cho việc tiếp nhận, chuyên chở và
bảo quản hàng hoá theo quy định của khoản 1 Điều 3. Một khi đã có mất mát, hư hỏng xảy ra do việc tàu không
có đủ khả năng đi biển, thì trách nhiệm chứng minh đã có sự cần mẫn hợp lý thuộc
về người chuyên chở hoặc bất cứ người nào khác muốn được miễn trách nhiệm theo
quy định của điều này.
2. Cả người chuyên chở và tàu đều
không phải chịu trách nhiệm về những mất mát, hư hỏng xảy ra do:
(a) Hành vi, sự sơ suất, hay
khuyết điểm của thuyền trưởng, thủy thủ, hoa tiêu hay người làm công trên tàu
trong việc điều khiển và quản trị con tàu.
(b) Cháy, trừ trường hợp do lỗi
thực tế hoặc hành động cố ý của người chuyên chở gây ra.
(c) Những tai họa, nguy hiểm
hay tai nạn trên biển hay các vùng nước hàng hải khác.
(d) Thiên tai.
(e) Hành động chiến tranh.
(f) Hành động thù địch.
(g) Bắt giữ hay cản trở của vua
chúa, nhà chức trách, chính quyền hay của nhân dân, hoặc sự thu giữ theo quy định
của pháp luật.
(h) Những hạn chế do kiểm dịch.
(i) Hành vi hay thiếu sót của
người gửi hàng, chủ hàng hoặc đại lý hay đại diện của họ.
(j) Đình công, bế xưởng, đình
chỉ hay cản trở một bộ phận hoặc toàn bộ lao động do bất kì lí do gì.
(k) Nổi loạn hay bạo động.
(l) Cứu nạn hay nỗ lực cứu tính
mạng hoặc tài sản trên biển.
(m) Hao hụt về thể tích, trọng
lượng hoặc bất kì mất mát, hư hỏng nào khác xuất phát từ nội tì, bản chất, tính
chất tự nhiên hoặc khuyết tật của hàng hóa.
(n) Bao bì không đầy đủ.
(o) Thiếu sót hoặc không chính
xác về kí mã hiệu.
(p) Những khuyết tật, ẩn tỳ
không thể phát hiện được dù đã cần mẫn hợp lý.
(q) Bất kì nguyên nhân nào khác
không do lỗi thực tế hoặc cố ý của người chuyên chở, cũng như không phải do lỗi
thực tế hay sơ suất của đại lý hay người làm công của người chuyên chở. Những
người muốn được hưởng quyền miễn trách này phải có trách nhiệm chứng minh không
phải do lỗi thực sự hoặc cố ý của người chuyên chở, hoặc sơ suất, lỗi lầm của đại
lý hoặc người làm công của người chuyên chở góp phần vào những mất mát, hư hỏng
đó.
3. Người gửi hàng không phải chịu
trách nhiệm về mất mát, hư hỏng gây ra do người chuyên chở hoặc tàu do bất kì
nguyên nhân nào, nếu không phải do hành vi, lỗi hoặc sơ suất của người gửi
hàng, đại lý hoặc người làm công của người gửi hàng gây nên.
4. Bất kì sự đi chệch đường nào
nhằm cứu hay nỗ lực để cứu sinh mạng hoặc tài sản trên biển, hay bất kì sự đi
chệch đường chính đáng nào khác sẽ không bị xem là vi phạm hoặc trái với Công ước
này hoặc với hợp đồng chuyên chở, và người chuyên chở sẽ không phải chịu trách
nhiệm đối với mất mát, hư hỏng do việc đi chệch đường đó gây ra.
5. Cả người chuyên chở và tàu
trong mọi trường hợp đều không phải chịu trách nhiệm về mất mát, hư hỏng đối với
hàng hóa hoặc liên quan tới hàng hóa với mức vượt quá số tiền 100 Bảng Anh một
đơn vị hoặc kiện hàng, hoặc giá trị tương đương tính theo đơn vị tiền tệ khác,
trừ khi tính chất và giá trị của hàng hóa đã được người gửi hàng khai trước khi
xếp hàng và đã được ghi nhận trong vận đơn.
Lời khai này nếu có ghi trong vận
đơn sẽ là bằng chứng hiển nhiên nhưng không có tính chất ràng buộc và quyết định
đối với người chuyên chở.
Người chuyên chở, thuyền trưởng
hay đại lý của người chuyên chở có thể thoả thuận với người gửi hàng một mức
giá trị tối đa khác với giá trị được đưa ra ở trên, tuy nhiên số tiền tối đa
này không được thấp hơn con số nói trên.
Trong bất cứ trường hợp nào,
người chuyên chở và tàu đều không phải chịu trách nhiệm về mất mát, hư hỏng xảy
ra đối với hàng hóa hoặc liên quan tới hàng hóa, nếu như tính chất và giá trị của
hàng hóa đã bị người gửi hàng cố ý khai sai trong vận đơn.
6. Hàng hóa dễ cháy, nổ hoặc có
tính chất nguy hiểm đối với việc vận chuyển, mà người chuyên chở, thuyền trưởng
hoặc đại lý của người chuyên chở sẽ không đồng ý chuyên chở nếu biết về tính chất
của nó, thì người chuyên chở có thể dỡ hàng lên bờ tại bất kì địa điểm nào, bất
kì thời điểm nào trước khi giao hàng, hoặc có thể tiêu huỷ hoặc loại bỏ tính
nguy hiểm của hàng hóa đó mà không phải bồi thường, và người gửi hàng sẽ phải
chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại và chi phí do hậu quả trực tiếp hay gián tiếp
của việc gửi hàng hóa ấy gây nên. Nếu người chuyên chở đã biết tính chất nguy
hiểm của những hàng hóa ấy và vẫn đồng ý cho xếp xuống tàu, sau đó những hàng
hóa ấy trở thành mối nguy hiểm cho tàu hay cho hàng hóa trên tàu, thì cũng
tương tự như trên hàng hóa đó có thể được người chuyên chở đưa lên bờ hoặc làm
mất tác hại mà người chuyên chở không phải chịu trách nhiệm gì trừ trường hợp tổn
thất chung, nếu có.
Điều 5
Người
chuyên chở có thể tự do từ bỏ toàn bộ hoặc một phần, tất cả hoặc một số quyền hạn
và miễn trách người đó được hưởng, hoặc tăng thêm trách nhiệm và nghĩa vụ của
mình theo quy định trong Công ước này, với điều kiện việc từ bỏ hoặc tăng thêm
đó phải được ghi trong vận đơn cấp cho người gửi hàng.
Các quy định của Công ước này
không áp dụng cho hợp đồng thuê tàu, nhưng nếu vận đơn phát hành trong trường hợp
tàu chở hàng theo một hợp đồng thuê tàu thì vận đơn đó vẫn phải tuân theo quy định
của Công ước này. Trong số này, không có quy tắc nào được quy định để cấm đưa
vào vận đơn bất kì một điều khoản hợp pháp nào về tổn thất chung.
Điều 6
Mặc dù có
những quy định như các điều khoản trên, người chuyên chở, thuyền trường hoặc đại
lý của người chuyên chở và người gửi hàng, đối với một số loại hàng hóa riêng
biệt, có thể tự do kí kết bất kì thỏa thuận nào liên quan đến trách nhiệm,
nghĩa vụ pháp lý của người chuyên chở, quyền hạn và miễn trách của người chuyên
chở, hoặc nghĩa vụ đảm bảo tàu có đủ khả năng đi biển, hoặc sự thận trọng hoặc
sự cần mẫn của những người làm công trong việc bốc xếp hàng, lưu kho, sắp xếp,
vận chuyển, bảo quản và dỡ hàng, miễn là những điều khoản này không trái với những
quy tắc chung. Trong trường hợp này, không có bất cứ một vận đơn nào đã được,
hoặc sẽ được cấp phát và các điều khoản đã được thỏa thuận phải được ghi nhận
trong một biên lai, biên lai này là một chứng từ không có khả năng lưu thông,
và phải được ghi rõ như vậy.
Một thỏa thuận như vậy sẽ có đầy
đủ giá trị pháp lý.
Điều này sẽ không được áp dụng
cho việc vận chuyển những hàng hóa mua bán thông thường, mà chỉ được áp dụng đối
với những trường hợp tính chất và đặc điểm của tài sản được vận chuyển, hoặc
hoàn cảnh vận chuyển, điều khoản, điều kiện vận chuyển chứng tỏ sự cần thiết phải
có một thỏa thuận đặc biệt.
Điều 7
Công ước
này không đưa ra bất cứ một quy định nào ngăn cản việc người chuyên chở, hay
người gửi hàng đưa ra thỏa thuận, điều khoản, điều kiện, bảo lưu hoặc miễn
trách liên quan đến trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của người chuyên chở hoặc
tàu đối với mất mát, hư hỏng của hàng hóa, hoặc có liên quan đến việc cất giữ,
bảo quản và lưu kho hàng hóa trước khi xếp lên tàu, và sau khi dỡ hàng khỏi
tàu.
Điều 8
Những quy
định trong Công ước sẽ không ảnh hưởng đến quyền hạn và nghĩa vụ của người
chuyên chở theo quy định của bất kì luật lệ hiện hành nào liên quan đến giới hạn
nghĩa vụ pháp lý của chủ tàu biển.
Điều 9
Các đơn vị
tiền tệ được đề cập trong Công ước này sẽ được tính giá trị theo vàng.
Các nước thành viên của Công ước
không dùng đồng bảng Anh làm đơn vị tiền tệ sẽ có thể quy đổi số tiền tính theo
bảng Anh nói trên sang đồng tiền của nước mình theo số tròn.
Luật quốc gia của các nước có
thể dành cho người mắc nợ quyền trả nợ bằng đồng tiền nước mình theo tỷ giá hối
đoái vào ngày tàu đến cảng dỡ hàng quy định.
Điều 10
Những
quy định trong Công ước này áp dụng cho tất cả các vận đơn đường biển được phát
hành tại bất kì nước thành viên nào.
Điều 11
Trong thời
hạn không quá 2 năm kể từ ngày Công ước này được kí kết, Chính phủ Bỉ sẽ liên hệ
với các Chính phủ của các Quốc gia đã tự tuyên bố việc phê chuẩn Công ước để
xem xét quyết định chấp nhận hiệu lực của nó. Các văn bản phê chuẩn của các nước
sẽ được lưu chiểu ở Brussels vào ngày mà các Chính phủ trên thỏa thuận ấn định.
Lần lưu chiểu văn bản phê chuẩn đầu tiên sẽ được thực hiện dưới hình thức ghi
âm, tuyên bố bằng lời của các đại diện các quốc gia tham gia vào Công ước và Bộ
trưởng Bộ ngoại giao Bỉ.
Những lần phê chuẩn tiếp theo sẽ
được thực hiện dưới hình thức một thông báo bằng văn bản cùng với văn kiện phê
chuẩn gửi đến Chính phủ Bỉ.
Bản sao có chứng nhận hợp thức của
việc lưu chiểu văn bản phê chuẩn lần đầu tiên, cũng như những thông báo được đề
cập trên đây, hay các văn bản kèm theo về việc phê chuẩn, sẽ được Chính phủ Bỉ
thông qua con đường ngoại giao gửi tới các quốc gia đã kí kết hoặc gia nhập
Công ước. Trong những trường hợp kể trên, Chính phủ Bỉ sẽ thông báo cho chính
phủ các nước về việc nhận thông báo ngay trong ngày họ nhận được bản thông báo
đó.
Điều 12
Các nước
không tham gia kí kết vẫn có thể gia nhập Công ước hiện hành kể cả khi họ không
có đại diện tham dự tại Hội nghị quốc tế ở Brussels.
Các quốc gia có ý định gia nhập
sẽ thông báo điều đó bằng văn bản tới Chỉnh phủ Bỉ, đồng thời gửi cho chính phủ
Bỉ văn kiện gia nhập, văn kiện này sẽ được đưa vào hồ sơ lưu trữ của Quốc gia
đó.
Chính phủ Bỉ chuyển ngay bản
sao có chứng nhận hợp thức của thông báo và biên bản gia nhập đó tới tất cả các
thành viên đã kí kết hay gia nhập Công ước, và trong văn bản đó có ghi rõ ngày
Chính phủ Bỉ nhận được thông báo.
Điều 13
Các bên
kí kết Công ước, vào lúc kí kết, phê chuẩn hay gia nhập có thể tuyên bố rằng việc
họ chấp nhận Công ước này không bao gồm một số hoặc tất cả các lãnh địa tự trị,
hay thuộc địa, sở hữu địa hải ngoại, đất bảo hộ của họ hoặc lãnh thổ thuộc chủ
quyền và kiểm soát của họ và sau đó họ có thể thay mặt bất cứ lãnh địa tự trị,
thuộc địa, sở hữu địa, đất bảo hộ hay lãnh thổ đó để xin tham gia riêng vào
Công ước. Họ cũng có thể tuyên bố bãi ước riêng rẽ theo những quy định của Công
ước đối với các lãnh địa tự trị, thuộc địa, sở hữu địa, đất bảo hộ nói trên.
Điều 14
Đối với
các quốc gia thành viên đã tham gia vào đợt đầu trao văn bản phê chuẩn, Công ước
này sẽ có hiệu lực sau thời hạn 1 năm kể từ ngày kí kết biên bản ghi nhớ việc
lưu chiểu này.
Đối với các quốc gia phê chuẩn
hoặc gia nhập sau, cũng như các trường hợp mà Công ước này phát sinh hiệu lực
sau đó như quy định của điều 13, thì Công ước sẽ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ
ngày Chính phủ Bỉ nhận được thông báo như quy định tại khoản 2 Điều 11 và khoản
2 Điều 12.
Điều 15
Trong
trường hợp một trong các Quốc gia kí kết muốn bãi ước Công ước này thì việc bãi
ước sẽ được thông báo bằng văn bản cho Chính phủ Bỉ. Chính phủ này sẽ gửi ngay
một bản sao của bản thông báo đó có chứng nhận hợp thức cho các quốc gia khác
và thông tin về ngày họ nhận được bản thông báo trên.
Việc tuyên bố bãi ước chỉ thực
hiện đối với các quốc gia đưa ra thông báo và chỉ có hiệu lực sau thời hạn một
năm kể từ khi thông báo gửi tới Chính phủ Bỉ.
Điều 16
Bất kì
quốc gia thành viên nào cũng có quyền đề nghị triệu tập hội nghị nhằm xem xét
khả năng sửa đổi, bổ sung Công ước.
Quốc gia thành viên thực thi
quyền này có thể thông báo ý định của mình tới các nước thành viên khác thông
qua Chính phủ Bỉ, sau đó chính phủ Bỉ sẽ đứng ra thu xếp triệu tập hội nghị.
Hoàn thành tại Brussel, được
lập thành 1 bản, ngày 25 tháng 8 năm 1924.
(Chữ kí tại bản chính)
2. Nghị định
thư liên quan tới việc kí kết
Cùng lúc kí kết Công ước quốc tế
về hợp nhất những quy tắc liên quan đến vận đơn đường biển, việc đại diện các
quốc gia thành viên đã tham gia kí kết công ước này tức là cũng đã thông qua
Nghị định thư có cùng hiệu lực và giá trị đối với những điều khoản liên quan được
ghi trong Công ước.
Quốc gia thành viên sẽ thực thi
Công ước này bằng việc thừa nhận hiệu lực của nó như pháp luật tại quốc gia đó
hoặc thêm vào hệ thống pháp luật trong nước dưới dạng phù hợp với quy tắc pháp
lý được thông qua trong Công ước này.
Họ có thể bảo lưu những quyền hạn
sau đây:
1. Quy định rằng trong trường hợp
được nhắc đến ở điểm c tới điểm p khoản 2 của điều 4, người giữ vận đơn sẽ có
quyền quy trách nhiệm về mất mát, hư hỏng gây ra bởi lỗi cá nhân của người
chuyên chở, hoặc lỗi của người làm công cho họ nếu trường hợp này chưa được quy
định tại điểm a.
2. Điều 6 sẽ được áp dụng nếu
việc buôn bán thương mại bằng đường biển của quốc gia liên quan tới mọi chủng
loại hàng hóa mà không tính tới bất kì một sự giới hạn nào như được quy định tại
đoạn cuối cùng của điều 6.
Hoàn thành tại Brussel, lập
thành 1 bản. Ngày 25 tháng 8 năm 1924.
1 International Convention for the Unification
of Certain Rules of Law relating to Bills of Lading.