Công ước 144 năm 1976 về sự tham khảo ý kiến ba bên nhằm xúc tiến việc thi hành các quy phạm quốc tế về lao động

Số hiệu 144
Ngày ban hành 21/06/1976
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

CÔNG ƯỚC SỐ 144

CÔNG ƯỚC

VỀ SỰ THAM KHẢO Ý KIẾN BA BÊN NHẰM XÚC TIẾN VIỆC THI HÀNH CÁC QUY PHẠM QUỐC TẾ VỀ LAO ĐỘNG, 1976

Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế,

Được Hội đồng quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế triệu tập tại Giơ-ne-vơ ngày 2 tháng 6 năm 1976, trong kỳ họp thứ sáu mươi mốt, và

Xét lại những điều khoản của các Công ước và khuyến nghị lao động quốc tế, đặc biệt là Công ước về Tự do liên kết và bảo vệ quyền được tổ chức, 1948, Công ước về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể, 1949, và Khuyến nghị về việc Tham khảo ý kiến ( ở cấp công nghiệp và quốc gia ) 1960, đã xác nhận quyền của người sử dụng lao động và của người lao động được thành lập các tổ chức tự do và độc lập và tìm các biện pháp xúc tiến hữu hiệu ở cấp quốc gia giữa các cơ quan với các tổ chức của người sử dụng lao động và của người lao động, cũng như những quy định của một số lớn các Công ước và khuyến nghị lao động quốc tế đã trù định việc tham khảo ý kiến các tổ chức của người sử dụng lao động và của người lao động về các biện pháp thi hành các Công ước và khuyến nghị, và

Sau khi đã xem xét vấn đề thứ tư trong chương trình nghị sự kỳ họp, gọi là “việc thiết lập cơ chế ba bên để xúc tiếc việc thi hành các quy phạm quốc tế về lao động” và sau khi quyết định chấp thuận một số đề nghị về tham khảo ba bên để xúc tiến việc thi hành các quy phạm quốc tế về lao động, và

Sau khi đã quyết định rằng những đề nghị đó sẽ mang hình thức một Công ước quốc tế,

Thông qua, ngày 21 tháng 6 năm 1976, Công ước dưới đây, gọi là Công ước về Sự tham khảo ý kiến ba bên( quy phạm quốc tế và lao động), 1976.

Điều 1

Trong Công ước này, thuật ngữ “tổ chức đại diện” là chỉ các tổ chức mang tính đại diện nhất của người sử dụng lao động và của người lao động, được hưởng quyền tự do hiệp hội.

Điều 2

1. Mọi Nước thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế phê chuẩn Công ước này cam kết tiến hành những thủ tục bảo đảm sự tham khảo ý kiến hữu hiệu giữa các đại diện của chính phủ, của người sử dụng lao động và của người lao động về các vấn đề thuộc hoạt động của Tổ chức Lao động quốc tế, nói ở Đoạn 1, Điều 5 dưới đây.

2. Tính chất và hình thức các thủ tục quy định ở Đoạn 1 Điều này sẽ do mỗi nước xác định, theo tập quán quốc gia, sau khi đã tham khảo ý kiến các tổ chức đại diện, nếu có, và nếu chưa thực hiện những thủ tục nói trên.

Điều 3

1. Theo mục đích của những thủ tục nêu trong Công ước này, các đại diện của người sử dụng lao động và người lao dông sẽ được lựa chọn một cách tự do bởi các tổ chức đại diện của họ, nếu có.

2. Những người sử dụng lao động và những người lao động sẽ được đại diện một cách bình đẳng trong mọi cơ cấu để thực hiện việc tham khảo ý kiến.

Điều 4

1. Cơ quan có thẩm quyền sẽ đảm nhận trách nhiệm giúp đỡ về mặt hành chính cho các thủ tục nêu trong Công ước này.

2. Những sự dàn xếp thích hợp sẽ được tiến hành giữa cơ quan có thẩm quyền với các tổ chức đại diện, nếu có, để đài thọ kinh phí về mọi việc huấn luyện có thể coi là cần thiết cho những người tham gia các thủ tục đó.

Điều 5

1. Các thủ tục nêu trong Công ước này phải nhằm vào việc tham khảo ý kiến về:

a) Sự phúc đáp của các chính phủ đối với bản câu hỏi về những điểm ghi ở chương trình nghị sự của Hội nghị Lao động quốc tế và bình luận của các chính phủ về dự thảo văn bản mà hội nghị phải thảo luận;

b) Những đề nghị phải trình lên một hoặc những cơ quan có thẩm quyền, trong việc đệ trình các Công ước và khuyến nghị lên các cơ quan đó, theo Điều 19 của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc tế;

c) Việc xem xét lại, vào những khoảng thời gian thích hợp, những Công ước chưa được phê chuẩn và những khuyến nghị chưa được phát huy tác dụng, để trù liệu những biện pháp có thể có để nhằm tuỳ nghi xúc tiến việc thi hành và phê chuẩn các văn bản đó;

d) những vấn đề liên quan đến các báo cáo phải gửi cho Văn phòng Lao động quốc tế theo quy định tại Điều 22 của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc tế;

đ) những đề nghị có liên quan đến việc bãi ước những Công ước đã phê chuẩn.

2. Để bảo đảm việc xem xét thích đáng các vấn đề nói ở Đoạn 1, Điều này, phải có sự tham khảo ý kiến vào những khoảng thời gian thích hợp, được ấn định theo sự thoả thuận chung, nhưng ít nhất cũng mỗi năm một lần.

Điều 6

Khi thấy thích hợp, sau khi tham khảo ý kiến các tổ chức đại diện, nếu có, cơ quan có thẩm quyền sẽ làm một báo cáo hàng năm về hoạt động của các thủ tục nêu trong Công ước này.

[...]