Công điện 3094/CĐ-PCTT&TKCN năm 2018 về chủ động ứng phó đồng thời với bão số 5 và bão rất mạnh đang di chuyển về khu vực biển đông do Cục Viễn thông ban hành
Số hiệu | 3094/CĐ-PCTT&TKCN |
Ngày ban hành | 11/09/2018 |
Ngày có hiệu lực | 11/09/2018 |
Loại văn bản | Công điện |
Cơ quan ban hành | Cục Viễn thông |
Người ký | Nguyễn Phong Nhã |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
BỘ THÔNG TIN VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3094/CĐ-PCTT&TKCN |
Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2018 |
CÔNG ĐIỆN
V/V CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ ĐỒNG THỜI VỚI BÃO SỐ 5 VÀ BÃO RẤT MẠNH ĐANG DI CHUYỂN VỀ KHU VỰC BIỂN ĐÔNG
BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Điện: |
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành
phố từ Bắc Bộ và ven biển Quảng Ninh đến Quảng Nam; |
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng ngày 11/9/2018, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Đông Bắc biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 5). Hồi 10 giờ ngày 11/9/2018, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 118,2 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 800km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Ngoài ra, bão rất mạnh MANGKHUT trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương đang tiếp tục mạnh lên, có thể đạt cấp siêu bão và di chuyển hướng về khu vực Bắc Biển Đông trong khoảng 4 ngày tới.
Để chủ động ứng phó với bão, giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các đơn vị triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh/thành phố nói trên chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo về tình hình diễn biến của bão, chỉ đạo ứng phó với bão, mưa lũ để chính quyền các cấp ở địa phương và người dân theo dõi, cập nhật thường xuyên và có biện pháp phòng, tránh.
2. Cục Bưu điện Trung ương, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo thông tin liên lạc bằng xe cơ động cho đoàn công tác của Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu; thông tin liên lạc chuyên dùng phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó với bão, mưa lũ sau bão của Trung ương và chính quyền địa phương các tỉnh nói trên.
3. Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố làm đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn cùng phối hợp triển khai đồng bộ các phương án và đáp ứng đầy đủ nhu cầu về thông tin liên lạc cho Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, thành phố và chính quyền địa phương để chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống bão trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra ngay thông tin liên lạc tại các trọng điểm PCTT của tỉnh như đê, đập, hồ chứa nước, khu vực có nguy cơ sạt lở, hầm lò,...
4. Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam:
a) Chủ động phối hợp với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia để phát sóng kịp thời các bản tin dự báo bão; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để phát kèm theo bản tin dự báo bão thông báo về vùng nguy hiểm và hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển tránh xa vùng nguy hiểm và tìm nơi trú ẩn an toàn;
b) Duy trì nghiêm chế độ trực canh thông tin cấp cứu - khẩn cấp, đặc biệt đối với các tàu thuyền đánh bắt hải sản bằng phương thức thoại trên tần số cấp cứu - khẩn cấp, tiếp nhận, chuyển tin kịp thời đến các địa chỉ nhận tin theo quy định.
5. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông:
a) Tổ chức triển khai ngay các phương án phòng, chống bão, mưa, lũ sau bão, phương án ứng cứu thông tin và phương án đảm bảo thông tin liên lạc bưu chính, viễn thông phục vụ chỉ đạo điều hành của các cơ quan Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong phòng, chống các cơn bão nói trên.
b) Các doanh nghiệp viễn thông tập trung gia cố lại toàn bộ nhà trạm, cột cao, anten thuộc các hệ thống đài phát, đài thu vô tuyến, các hệ thống truyền dẫn và mạng ngoại vi, bổ sung kịp thời các thiết bị dự phòng trên mạng lưới như thiết bị nguồn điện, máy nổ, nhiên liệu máy nổ, ắc quy cho các đơn vị trên địa bàn dự kiến nằm trong ảnh hưởng trực tiếp của bão và lũ lụt sau bão.
c) Các doanh nghiệp thông tin di động triển khai hệ thống sẵn sàng tổ chức nhắn tin cảnh báo tình hình của bão và chỉ đạo ứng phó với bão tới các thuê bao trên địa bàn có khả năng chịu ảnh hưởng của bão trong trường hợp khẩn cấp khi có yêu cầu; tăng cường các xe BTS lưu động đến các địa điểm có nguy cơ bị mất liên lạc di động để sẵn sàng ứng cứu.
6. Triển khai và thực hiện nghiêm chế độ trực lãnh đạo, trực ban chỉ huy PCTT&TKCN và trực ứng cứu thông tin; theo dõi sát tình hình diễn biến của bão; tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến các cơn bão; báo cáo kịp thời tình hình hoạt động của mạng lưới bưu chính, viễn thông và đảm bảo thông tin liên lạc; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Thông tin và Truyền thông./.
|
KT. CỤC TRƯỞNG |