Công điện 230/CĐ-BYT năm 2014 đẩy mạnh công tác phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh cúm A(H7N9) do Bộ Y tế điện

Số hiệu 230/CĐ-BYT
Ngày ban hành 17/01/2014
Ngày có hiệu lực 17/01/2014
Loại văn bản Công điện
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 230/CĐ-BYT

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2014

 

CÔNG ĐIỆN

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG VÀ SẴN SÀNG ỨNG PHÓ DỊCH BỆNH CÚM A(H7N9)

Bộ Y tế điện: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) tại Trung Quốc đang diễn biến hết sức phức tạp; sau một thời gian tạm lắng, dịch bệnh cúm A(H7N9) đã bùng phát trở lại với số mắc tăng cao đột biến trong tháng 01 năm 2014, riêng trong 16 ngày đầu tiên của tháng 01 năm 2014 đã ghi nhận 31 trường hợp mắc mới. Tích lũy từ tháng 3/2013 đến nay, Trung Quốc ghi nhận 181 trường hợp mắc, trong đó có 52 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết trên mắc là 30%; phần lớn các trường hợp mắc có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Đặc biệt tại tỉnh Quảng Đông là nơi có giao lưu thương mại, hành khách qua lại nhiều với nước ta đã ghi nhận 16 trường hợp mắc, trong đó có 01 trường hợp tử vong; thêm vào đó, tại Hồng Kông và Đài Loan cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) sau khi đi từ vùng có dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc. Để ứng phó với dịch cúm A(H7N9), chính quyền một số tỉnh, thành phố tại Trung Quốc thực hiện đóng cửa tạm thời chợ buôn bán gia cầm sống, tiêu hủy gia cầm và tổ chức tiêu độc khử trùng nơi có các đàn gia cầm nhiễm vi rút cúm A(H7N9).

Trước tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) diễn biến phức tạp và gia tăng đột biến tại Trung Quốc, ngày 13 tháng 01 năm 2014, Bộ Y tế đã tổ chức Họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh cúm A(H7N9) và nhận định dịch cúm A(H7N9) có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào nước ta. Để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống sẵn sàng ứng phó dịch bệnh cúm A(H7N9), tiếp theo Công điện số 106/CĐ-BYT ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế trân trọng đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm và chỉ đạo tốt một số nội dung sau:

1. Tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, rà soát các hoạt động phòng, chống dịch cúm A(H7N9) và chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội liên quan triển khai ngay các hoạt động ứng phó với dịch bệnh cúm A(H7N9).

2. Thành lập các đoàn công tác liên ngành gồm các đơn vị liên quan như Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an, Thú y và Y tế thực hiện điều tra ngăn chặn và thực hiện bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt gia cầm tại các chợ đầu mối. Đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong tỉnh, thành phố thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống. Sẵn sàng ứng phó dịch bệnh cúm A(H7N9) khi dịch xâm nhập và bùng phát tại nước ta theo phương châm 3 tại chỗ: con người tại chỗ, phương tiện tại chỗ và thuốc men tại chỗ.

3. Tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A(H7N9) tại các cửa khẩu và tại cộng đồng, tập trung giám sát các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút; nếu phát hiện trường hợp đầu tiên mắc cúm A(H7N9) tại Việt Nam, tích cực tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời không để xảy ra tử vong và triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng, kéo dài. Tổ chức rà soát năng lực đáp ứng cũng như khả năng dự phòng về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị tại các cơ sở y tế nhằm chủ động triển khai giám sát phát hiện sớm, xử lý ổ dịch, thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân trong trường hợp dịch bệnh cúm A(H7N9) xâm nhập và bùng phát tại nước ta.

4. Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống cúm A(H7N9) cho người dân, đặc biệt là khách du lịch đến vùng có ổ dịch về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng tránh; khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm mất vệ sinh, không rõ nguồn gốc; không ăn tiết canh và sử dụng các sản phẩm chưa được chế biến hợp vệ sinh. Cập nhật chính xác thông tin về tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) cùng với các biện pháp phòng lây nhiễm để người dân hiểu, không hoang mang và thực hiện các biện pháp phòng bệnh phù hợp, không để ảnh hưởng tới việc tiêu thụ hoặc cung ứng thực phẩm gia cầm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.

5. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các Sở, Ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trên địa bàn phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh cúm A(H7N9) đề cập tại Công điện số 106/CĐ-BYT ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm A(H7N9) và Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về đảm bảo công tác y tế trong dịp Tết Giáp Ngọ.

6. Chỉ đạo các đơn vị ngành y tế thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tình hình dịch bệnh về Bộ Y tế theo quy định, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi và báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ để kịp thời phối hợp chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch khống chế không để dịch bệnh lây lan.

Bộ Y tế trân trọng cám ơn và mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- PTT. Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- TT. Nguyễn Thị Xuyên (để phối hợp);
- Các Bộ: NN&PTNT, CT, CA, TT&TT;
- Tổng cục Hải quan;
- Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng;
- Cục Quản lý thị trường (Bộ CT);
- Cục Thú y (Bộ NN&PTNT);
- Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;
- Các Viện VSDT/Pasteur;
- Sở Y tế;
- Trung tâm: YTDP, KDYTQT;
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long