Công điện 106/CĐ-BYT năm 2014 tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm A(H7N9) do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 106/CĐ-BYT
Ngày ban hành 10/01/2014
Ngày có hiệu lực 10/01/2014
Loại văn bản Công điện
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/CĐ-BYT

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2014

 

CÔNG ĐIỆN

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CÚM A(H7N9)

Điện: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) tại Trung Quốc đang có diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng cao trở lại, riêng trong 2 tháng 11 và 12 năm 2013 đã ghi nhận 10 trường hợp mắc mới. Tích lũy từ tháng 3 năm 2013 đến ngày 06 tháng 01 năm 2014 ghi nhận 152 trường hợp mắc cúm A(H7N9), trong đó có 48 trường hợp tử vong tại 14 tỉnh, thành phố. Số lượng các trường hợp mắc cúm A(H7N9) tăng lên liên tiếp trong những tuần gần đây khi bắt đầu vào mùa Đông - Xuân. Tại Hồng Kông và Đài Loan cũng đã báo cáo có trường hợp bệnh nhân sau khi trở về từ Trung Quốc lục địa. Đặc biệt tại tỉnh Quảng Đông, tỉnh gần với Việt Nam, nơi có giao lưu thương mại, hành khách qua lại nhiều với nước ta đã có 06 trường hợp mắc cúm A(H7N9). Để đối phó với dịch cúm A(H7N9), chính quyền một số tỉnh, thành phố tại Trung Quốc đã đóng cửa tạm thời chợ buôn bán gia cầm sống và cho thấy có hiệu quả trong việc khống chế dịch bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nêu trên, để ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm không lan truyền vào nước ta và thực hiện tốt Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Bộ Y tế trân trọng đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm và chỉ đạo tốt một số nội dung sau:

1. Chỉ đạo Sở Y tế:

- Tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh, chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế tại cửa khẩu giám sát chặt chẽ các trường hợp người nhập cảnh đi từ vùng dịch vào Việt Nam; sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định.

- Giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, bệnh nhân viêm phổi tại các cơ sở y tế và cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp mới trở về Việt Nam từ vùng dịch bệnh để có theo dõi, chẩn đoán và xử lý kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong. Khi có nghi ngờ, lấy mẫu bệnh phẩm gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán xác định.

- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh và điều trị cho bệnh nhân trong các dịp Tết Nguyên đán; chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; củng cố đội thường trực cơ động chống dịch để sẵn sàng đi điều tra, xử lý khi có yêu cầu; tổ chức tốt công tác trực dịch, trực cấp cứu, điều trị bệnh nhân và báo cáo kịp thời, đúng quy định về Bộ Y tế.

2. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành vi rút cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm; khi phát hiện vi rút cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch và thông báo kịp thời cho ngành Y tế để triển khai các hoạt động phòng chống dịch lây lan sang người.

3. Chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Hải quan, Sở Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường công tác quản lý thị trường, thực hiện điều tra ngăn chặn và thực hiện bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

4. Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị truyền thông huy động các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch trên các hệ thống thông tin đại chúng, đa dạng hóa các loại hình truyền thông nhằm truyền tải thông tin đến với người dân, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao; tập trung các nội dung: "không nhập lậu, buôn bán, vận chuyển gia cầm, vật nuôi không rõ nguồn gốc"; "không giết, mổ gia cầm, vật nuôi bị ốm hoặc chết không rõ nguyên nhân", "không ăn tiết canh, không ăn thị gia cầm, vật nuôi chưa được chế biến kỹ".

5. Chỉ đạo Sở Tài chính có kế hoạch bổ sung kinh phí phòng, chống dịch cho các đơn vị Y tế ngay từ đầu năm để chủ động tăng cường các hoạt động giám sát, phòng, chống dịch; bố trí kinh phí dự phòng chống dịch để sử dụng trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.

Bộ Y tế trân trọng cảm ơn và mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- PTT. Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- TT. Nguyễn Thị Xuyên (để phối hợp);
- Các Bộ: NN&PTNT, CT, CA, TT&TT;
- Tổng cục Hải quan;
- Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng;
- Cục Quản lý thị trường (Bộ CT);
- Cục Thú y (Bộ NN&PTNT);
- Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;
- Các Viện VSDT/Pasteur;
- Sở Y tế;
- Trung tâm: YTDP, KDYTQT;
- Lưu: VT, KD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long