Chương trình hành động 349/CTr-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 99/NQ-CP và 25/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 5 năm 2021-2025

Số hiệu 349/CTr-UBND
Ngày ban hành 18/11/2021
Ngày có hiệu lực 18/11/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Trần Văn Dũng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 349/CTr-UBND

Tiền Giang, ngày 18 tháng 11 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 99/NQ-CP NGÀY 30/8/2021 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 25/NQ-HĐND NGÀY 17/9/2021 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH TIỀN GIANG 5 NĂM 2021 - 2025

Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ và mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Tiền Giang 5 năm 2021 - 2025, UBND tỉnh Tiền Giang đề ra Chương trình hành động như sau:

I. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục kế thừa những thành tựu đạt được, đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế. Tập trung phát triển các đô thị trung tâm, thúc đẩy đô thị hóa, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chú trọng bảo vệ môi trường; tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục thiên tai. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hiện chính quyền số. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục tăng cường, mở rộng các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Các chỉ tiêu chủ yếu: Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 của Tỉnh gồm 16 nhóm chỉ tiêu; trong đó có một số nhóm chỉ tiêu quan trọng, cụ thể là: Tăng trưởng kinh tế (GRDP giá so sánh năm 2010) bình quân 7,0 - 7,5%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 29,7% và khu vực phi nông nghiệp chiếm 70,3%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 91,5 - 93,5 triệu đồng. Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 4,5 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 đạt 77.000 tỷ đồng; trong đó, năm 2025 đạt 18.700 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 246.600 tỷ đồng, chiếm 36,0%/GRDP (năm 2025 đạt 59.120 tỷ đồng). Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% vào năm 2025 theo chuẩn giai đoạn 2016-2020. Xây dựng nông thôn mới, đến năm 2025: có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Ba khâu đột phá:

a) Tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ trái cây. Khai thác, phát triển có hiệu quả vùng động lực khu vực Gò Công và Đông Nam Tân Phước về công nghiệp; tập trung phát triển đô thị gắn với phát triển thị trường bất động sản vùng trung tâm và vùng phía Đông.

b) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long,... trong đó, ưu tiên xây dựng hoàn thành các tuyến đường chính theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây của tỉnh, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư công trình giao thông ven biển, ven sông Tiền.

c) Phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thị trường; tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công,... để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ và HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tất cả cùng chung tay, chủ động, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện vững chắc để thực hiện phương châm “bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân trước dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời các đối tượng dễ bị tổn thương, đối tượng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, chuẩn bị kỹ các điều kiện, sẵn sàng tận dụng cơ hội để phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách”.

2. Chương trình hành động cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025 đã được HĐND tỉnh thông qua thành các nhiệm vụ, chương trình, đề án cụ thể của UBND tỉnh và phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, khả thi cao nhất; kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm tích cực và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện ở giai đoạn trước.

3. Chương trình hành động của Chính phủ là căn cứ để các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đồng thời tổ chức triển khai nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025.

4. Đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025. Xác định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện.

IV. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG TRONG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

1. Quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 17 tháng 9 năm 2021 của HĐND tỉnh. Phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

2. Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển KT-XH. Bám sát tình hình, chủ động xây dựng giải pháp phù hợp, khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

3. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, coi nội lực là yếu tố cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, cần thiết, đột phá; huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; bám sát thực tiễn, đánh giá, dự báo đúng tình hình, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Trong điều kiện dự báo đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể kéo dài, cần phải tập trung nâng cao năng lực độc lập, tính tự chủ của các ngành, lĩnh vực kinh tế để hạn chế ảnh hưởng của các yếu tố biến động bất thường đối với sức khỏe của nhân dân, bảo đảm an sinh và phát triển kinh tế, xã hội; tạo điều kiện để các ngành, thành phần kinh tế chủ động thích nghi nhanh, ứng phó hiệu quả với mọi tình huống do tác động của đại dịch gây ra, không để bị động bất ngờ.

4. Đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới; không ngừng sáng tạo, có cách tiếp cận mới, tạo đột phá trong bối cảnh mới. Chú trọng việc tổng kết, phổ biến, nhân rộng, phát huy tối đa các bài học kinh nghiệm quý, mô hình hay, cách làm hiệu quả. Những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp với thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

5. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các quy định, thủ tục theo hướng cấp nào ban hành cấp đó phải tháo gỡ; báo cáo cấp trên trực tiếp đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đối với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; tổng kết, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chính sách bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh hợp tác công tư.

6. Xây dựng bộ máy chính quyền các cấp đoàn kết, liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo; vì nhân dân phục vụ; thấm nhuần phương châm đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; "dân là gốc" và xuất phát từ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Càng khó khăn, phức tạp thì càng phải đoàn kết thống nhất; giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể trên tinh thần khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị trong tỉnh, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cả nhận thức và hành động.

V. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết và bảo đảm an sinh xã hội:

a) Các sở, ban, ngành tính và địa phương:

- Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch như: xét nghiệm, 5K, vắc-xin, thuốc đặc trị, công nghệ, các biện pháp khác...; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, sự điều hành của chính quyền; tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Giữ vững tình hình an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho Nhân dân trong mọi tình huống.

- Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội khóa XV.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ