Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chương trình hành động 05-CTrHĐ/QU năm 2015 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XI về đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 do Quận ủy Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 05-CTrHĐ/QU
Ngày ban hành 31/12/2015
Ngày có hiệu lực 31/12/2015
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Quận 5
Người ký Võ Tiến Sĩ
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
QUẬN ỦY QUẬN 5
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 05-CTrHĐ/QU

Quận 5, ngày 31 tháng 12 năm 2015

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ QUẬN LẦN THỨ XI VỀ ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ quận đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân; năm 2013, Quận đã hoàn thành trước thời hạn 02 năm mục tiêu không còn hộ nghèo có mức thu nhập bình quân từ 12 triệu đồng/người/năm trở xuống theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2009 - 2015; năm 2014, Quận đã hoàn thành trước thời hạn 01 năm và là quận đầu tiên của thành phố hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo có mức thu nhập bình quân từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2014-2015; năm 2015, Quận 5 là quận đầu tiên của thành phố không còn hộ cận nghèo có mức thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống theo chuẩn cận nghèo thành phố giai đoạn 2014-2015.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XI về đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Ban chấp hành Đảng bộ quận đề ra chương trình hành động như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU:

1. Mục tiêu:

Đảm bảo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống, thông tin) nhằm cải thiện, nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống, đảm bảo giảm nghèo bền vững, thực chất.

2. Chỉ tiêu chủ yếu:

- Tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội về giáo dục - đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống, tiếp cận thông tin theo Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố giai đoạn 2016-2020:

+ 100% trẻ 6 tuổi được đến trường; không để trẻ từ 6 đến 14 tuổi bỏ học, nghỉ học vì không có tiền đóng học phí.

+ 100% trẻ em dưới 6 tuổi, thành viên hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn đặc biệt có thẻ bảo hiểm y tế và được chăm sóc sức khỏe.

+ Không để diện chính sách có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo ở nhà hư hỏng, dột nát.

+ Đảm bảo thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trong độ tuổi và có khả năng lao động đều có việc làm, thu nhập.

+ Từ 90% trở lên thành viên hộ gia đình trong độ tuổi lao động đang làm việc tham gia bảo hiểm xã hội (bắt buộc hoặc tự nguyện)

+ 100% hộ gia đình có một trong những phương tiện tiếp cận thông tin (ti vi, radio, máy vi tính, điện thoại hoặc internet...)

- Hàng năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo về thu nhập theo chuẩn mới của Chương trình Giảm nghèo bền vững thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Bình quân thu nhập của hộ nghèo vào năm 2020 tăng lên 3,5 lần so với năm 2011 (trên 28.000.000 đồng/người/năm).

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

1. Nhiệm vụ:

- Trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo, diện chính sách có công, bảo trợ xã hội trên các lĩnh vực đời sống cơ bản. Giải quyết tốt vấn đề lao động và việc làm, tạo điều kiện để người nghèo có việc làm và thu nhập ổn định, đảm bảo điều kiện sống, tự vươn lên thoát nghèo bền vững và thực chất.

- Bảo đảm thực hiện các chế độ chính sách cho đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, người yếu thế theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện các chương trình tặng thẻ bảo hiểm y tế; tặng học bổng, hỗ trợ chi phí học tập; dạy nghề, giới thiệu việc làm; vay vốn; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tình thương, nhà ở xã hội; tư vấn pháp luật miễn phí; truyền thông; nhận bảo trợ thường xuyên cho hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

- Bảo đảm các nguồn lực thực hiện chương trình từ nguồn kinh phí ngân sách cấp và vận động cộng đồng xã hội cùng hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo khó khăn;

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện các chế độ chính sách cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, đảm bảo trợ giúp, chăm lo đúng đối tượng, đúng chính sách, ngăn ngừa không để xảy ra sai phạm, tiêu cực.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức giảm nghèo là trách nhiệm của toàn xã hội, vận động người dân tích cực tham gia thực hiện chương trình, đưa chương trình trở thành phong trào hành động sâu rộng trong nhân dân.

2. Giải pháp:

- Định kỳ hàng năm tổ chức điều tra, khảo sát nắm tình hình đời sống và nhu cầu thực tế của người dân, người nghèo, cận nghèo để có các giải pháp trợ giúp, chăm lo phù hợp, hiệu quả, tạo điều kiện người lao động được đào tạo nghề, có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

- Các trường hợp đặc biệt khó khăn, không có người trong độ tuổi lao động, không thể tự nâng thu nhập thì tiếp tục vận động xã hội bảo trợ thường xuyên, trong đó ưu tiên hỗ trợ về ăn, mặc, chăm sóc sức khỏe, học văn hóa, học nghề.

- Bảo đảm và phát huy các nguồn lực thực hiện chương trình, trong đó đặc biệt chú trọng nguồn vận động xã hội từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hội đoàn, hội quán, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tình thương; tặng sổ tiết kiệm; trợ vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, miễn giảm học phí, bảo trợ xã hội để thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, người dân tộc thiểu số nghèo, giúp họ tự vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

- Tổ chức hoạt động phối hợp giữa các ngành liên quan nhằm thống nhất kế hoạch thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, việc làm, nhà ở, trợ giúp pháp lý, đảm bảo chỉ tiêu đề ra; đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho Nhân dân.

[...]