Chương trình 491/CTr-UBND năm 2021 về phát triển thanh niên tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 491/CTr-UBND
Ngày ban hành 16/11/2021
Ngày có hiệu lực 16/11/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Nguyễn Lưu Trung
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 491/CTr-UBND

Kiên Giang, ngày 16 tháng 11 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN THANH NIÊN TỈNH KIÊN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thanh niên ngày 16 tháng 6 năm 2020;

Thực hiện Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình), như sau:

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH THANH NIÊN VÀ CÔNG TÁC THANH NIÊN

Tính đến nay, tỉnh Kiên Giang có 312.308 thanh niên (có 175.971 thanh niên thường xuyên có mặt tại địa phương), chiếm 18,06% dân số, 38,8% lực lượng lao động trong tỉnh. Trong đó, nữ chiếm 51%, dân tộc thiểu số chiếm 15%, thanh niên nông thôn 70%). Tổng số đoàn viên, là 68.673, chiếm tỷ lệ 21,99% tổng số thanh niên toàn tỉnh; trong đó đoàn viên địa bàn dân cư chiếm 34,2%, đoàn viên trong trường học chiếm 49,8%, đoàn viên là công chức, viên chức chiếm 9,7%, đoàn viên trong doanh nghiệp chiếm 1,9%, đoàn viên khối lực lượng vũ trang chiếm 4,3%, đoàn viên là dân tộc thiểu số chiếm 11,6%.

Nhìn chung, đại bộ phận thanh niên có ý chí vượt qua khó khăn, khát vọng vươn lên trong học tập, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc và nhân dân, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng của đoàn, hội. Nguyện vọng của đa số thanh niên hiện nay là có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống văn hóa tinh thần, môi trường sống và làm việc tốt để phát huy trí tuệ của tuổi trẻ, mong muốn được Đảng, nhà nước, xã hội quan tâm, tin tưởng để được cống hiến và trưởng thành đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước và sự phát triển của tỉnh nhà.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình phát triển thanh niên Kiên Giang giai đoạn 2012 - 2020, tình hình thanh niên trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phần lớn thanh niên có nâng lên về nhận thức, tư tưởng cách mạng, có tri thức và lòng yêu nước, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Năng động, sáng tạo trong học tập và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất kinh doanh; trình độ học vấn và tay nghề ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên thiếu hoài bão, thích hưởng thụ lười lao động, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; do ảnh hưởng xấu từ các thông tin tiêu cực trên mạng internet, việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều mà không có kỹ năng chọn lọc các thông tin hữu ích đã làm cho một số thanh niên chạy theo lối sống “ảo”, thực dụng,...; đời sống vật chất, văn hóa của thanh niên vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, hải đảo còn nhiều hạn chế; khả năng hội nhập, kỹ năng thực hành xã hội của thanh niên chưa cao.

Thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội phát triển ổn định cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và xu thế hội nhập quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội cho thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên tỉnh Kiên Giang nói riêng. Thanh niên được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến, những ứng dụng khoa học hiện đại; được tạo điều kiện phát huy sức sáng tạo, năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ; được cập nhật kiến thức thường xuyên để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; ... từ đó góp phần hình thành nên một lực lượng thanh niên có tri thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, tác phong chuyên nghiệp,... nâng lên cơ hội tìm được việc làm, cải thiện thu nhập: Bên cạnh đó, thanh niên còn phải đối mặt với nhiều thách thức như các ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường (hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng, các văn hóa phẩm độc hại,...), thanh niên dễ rơi vào lối sống thực dụng, làm giàu không chính đáng; việc sử dụng mạng internet, các trang mạng xã hội nhưng không biết chọn lọc, thanh niên dễ bị kẻ xấu lợi dụng, làm lệch lạc ý chí, tư tưởng,... Ngoài ra, những vấn đề về biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần, vật chất của một bộ phận thanh niên.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng thế hệ thanh niên Kiên Giang phát triển; toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

a) Mục tiêu 1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh niên

- Hằng năm, 100% thanh niên trong lực lượng vũ trang, thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức được tuyên truyền, phổ biến, học tập nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Hằng năm, 100% thanh niên là học sinh, sinh viên, 80% thanh niên công nhân, 75% thanh niên nông thôn, biên giới, hải đảo và thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số được trang bị kiến thức về quốc phòng và an ninh.

- Đến năm 2030, trên 70% thanh niên được tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật thông qua các ứng dụng pháp luật trực tuyến, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng.

b) Mục tiêu 2. Giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng; tạo điều kiện để thanh niên bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo

- Hằng năm, 100% thanh niên là học sinh, sinh viên được giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật, kỹ năng sống và kỹ năng mềm.

- Đến năm 2030, 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương; 70% thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt trình độ trung học cơ sở.

- Đến năm 2030, tăng 15% số thanh niên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống; tăng 15% số công trình khoa học và công nghệ do thanh niên chủ trì; tăng 10% số thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ (so với năm 2020).

- Hằng năm, có ít nhất 20% thanh niên làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số và tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật; phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 100%.

c) Mục tiêu 3. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao

- Hằng năm, 100% học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giáo dục hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; 100% sinh viên các trường đại học, cao đẳng được trang bị kiến thức về hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.

- Hằng năm, 30% số ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên là học sinh, sinh viên được kết nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp.

- Đến năm 2030, phấn đấu 80% thanh niên được tư vấn hướng nghiệp và việc làm; 60% thanh niên được đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, ưu tiên việc làm tại chỗ. Hằng năm, có ít nhất 28.000 thanh niên được giải quyết việc làm.

[...]