BỘ LAO ĐỘNG
- THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ
QUỐC VIỆT NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4836/CTr-BLĐTBXH-MTTW
|
Hà Nội, ngày 5
tháng 12 năm 2013
|
CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP
TỔNG RÀ SOÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI
CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG TRONG 2 NĂM (2014 – 2015)
Căn cứ Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày
29/6/2005 về ưu đãi người có công với cách mạng và Pháp lệnh số
04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu
đãi người có công với cách mạng;
Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của
Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người
có công với cách mạng trong 2 năm (2014-2015);
Căn cứ thực tiễn thực hiện chính sách đối với
người có công với cách mạng trong thời gian qua và hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến
thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2014), 70 năm thành lập Quân đội
nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014) và 40 năm giải phóng miền Nam thống
nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015);
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Thường
trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thống nhất Chương trình phối hợp
tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng
trong 2 năm (2014-2015) với những nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện
chính sách ưu đãi đối với người có công, tập trung vào 7 đối tượng: Liệt sĩ và
gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động
kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu
thanh niên xung phong kháng chiến, khẳng định trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối
với người có công; biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân thực hiện tốt
chính sách đối với người có công.
2. Yêu cầu
- Trong 2 năm (2014-2015), tiến hành rà
soát, làm rõ danh sách những người có công và gia đình người có công đã được hưởng,
chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước
để xây dựng kế hoạch giải quyết trong các năm sau.
- Phát hiện những vấn đề chưa hợp lý trong
chính sách và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng để kiến
nghị với Nhà nước điều chỉnh trong thời gian tới.
- Phát huy và tăng cường sức mạnh tổng hợp,
sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của các cấp chính quyền,
tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, sự đóng góp của toàn xã hội để chăm lo và
ổn định đời sống của người có công và gia đình họ, qua đó góp phần củng cố niềm
tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, phát huy truyền thống yêu nước trong
thời kỳ mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước.
- Khen thưởng các địa phương, tổ chức, cá
nhân có thành tích xuất sắc cho việc rà soát thực hiện các chính sách ưu đãi đối
với người có công.
II. NỘI DUNG
1. Tuyên truyền, phổ biến
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách ưu đãi đối
với người có công với cách mạng
- Tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng,
Nhà nước và các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên các
phương tiện thông tin đại chúng. Tập trung vào các chính sách: Chính sách trợ cấp
hàng tháng và trợ cấp một lần cho người có công và gia đình; Chính sách hỗ trợ
giải quyết việc làm, phát triển kinh tế đối với gia đình người có công; Chính
sách ưu đãi trong giáo dục đào tạo; Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công;
Chính sách điều dưỡng; Chính sách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định
danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
- Cung cấp tài liệu tuyên truyền dễ hiểu, dễ
nhớ về việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, có phương thức
phổ biến rộng rãi đến từng hộ gia đình.
2. Tổ chức rà soát việc
thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng
Rà soát, lập danh sách ở từng xã, phường,
thị trấn những người đã được hưởng, chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ, cần
thực hiện chính sách ưu đãi theo 7 đối tượng (đã nêu tại mục 1, phần I). Thông
báo công khai danh sách trong cuộc họp thôn, tổ dân phố và trên các phương tiện
thông tin đại chúng ở khu dân cư, xã, phường, thị trấn...
3. Giải quyết chính
sách đối với người có công sau khi tổng rà soát.
- Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội
tại địa phương tham mưu, đề xuất với Uỷ ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch
giải quyết chính sách theo quy định của Nhà nước đối với những người có công
chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ theo danh sách đã được lập; đề xuất xử
lý những trường hợp sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách.
- Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo,
đôn đốc, khuyến khích các địa phương, cơ quan, tổ chức hoàn thành sớm và có chất
lượng việc rà soát.
4. Đánh giá kết quả và
thực hiện công tác thi đua khen thưởng
Tổ chức đánh giá kết quả rà soát; xét khen
thưởng cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thực hiện Chương
trình tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội
- Chủ trì phối hợp với Ban Thường trực Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện
Chương trình; chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp phối hợp với
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương theo phân công
tại điểm 2.2 Mục 2 trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình tổng rà soát.
- Tổng hợp danh sách những người có công và
gia đình người có công chưa được hưởng; hưởng chưa đầy đủ hoặc đối tượng sai phạm
trong quá trình chính sách ưu đãi của Nhà nước từ các địa phương.
- Chỉ đạo toàn diện việc xây dựng kế hoạch
và thực hiện giải quyết chính sách cho người có công tại các địa phương theo
đúng tiến độ đề ra.
- Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển
khai Chương trình tuyên truyền về các chính sách đối với người có công với cách
mạng.
- Chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết,
họp chỉ đạo điều hành trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng rà
soát.
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực
hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ để
được cung cấp các số liệu đối tượng sau khi rà soát do Bộ Quốc phòng, Bộ Công
an quản lý.
- Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc bảo
đảm kinh phí để thực hiện Chương trình phối hợp tổng rà soát chính sách ưu đãi
người có công với cách mạng theo quy định tại Chỉ thị 23/TT-TTg của Thủ tướng
Chính phủ.
2. Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam
2.1. Ban Thường trực Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã
hội và các tổ chức thành viên có liên quan ở Trung ương hướng dẫn Ban Thường trực
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp tham gia tuyên truyền,
phổ biến các chính sách của Đảng và Nhà nước về người có công; hướng dẫn Mặt trận
Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội ở xã, phường, thị trấn phối hợp với Ủy
ban nhân dân cùng cấp lập danh sách người có công và gia đình đã được hưởng,
chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi người có công của
Nhà nước.
- Phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội, các đoàn thể chính trị xã hội xây dựng và triển
khai Chương trình tuyên truyền về các chính sách đối với người có công với Cách
mạng theo quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg.
- Phân công trách nhiệm cụ thể từng đồng
chí trong Ban Thường trực trong việc theo dõi, chỉ đạo việc triển khai Chương
trình tổng rà soát.
2.2. Các đoàn thể chính trị xã hội và
các Hội có liên quan
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da
cam/dioxin Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Hội Hỗ trợ gia
đình liệt sĩ Việt Nam chỉ đạo các cấp hội phối hợp với Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực
hiện việc tổng rà soát các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có
công, cụ thể như sau:
- Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Rà soát đối
tượng thương binh, bệnh binh;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Rà soát đối
tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
- Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: Rà
soát đối tượng người có công giúp đỡ cách mạng.
- Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Hội
Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Rà soát đối tượng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ.
- Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt
Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Rà soát đối tượng người hoạt động kháng chiến
bị nhiễm chất độc hóa học.
- Hội Cựu thanh niên xung phong và Đoàn
Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: Rà soát đối tượng cựu thanh niên xung phong
kháng chiến.
IV. TIẾN ĐỘ VÀ TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Tiến độ thực hiện
1.1. Tháng 12/2013: Ký kết Chương trình phối hợp Tổng rà soát việc thực hiện chính
sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014 - 2015).
1.2. Tháng 12/2013-02/2014:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội biên
soạn tài liệu, mẫu biểu để phục vụ Chương trình tổng rà soát.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban
Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính
trị xã hội Trung ương triển khai tập huấn, hướng dẫn ngành Lao động - Thương
binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương
triển khai chương trình phối hợp, phát động thi đua hoàn thành tốt và sớm việc
tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
1.3. Tháng 3/2014 - 7/2014:
- Tháng 3/2014- 4/2014: Mỗi quận, huyện chọn
một xã, phường, thị trấn để thực hiện rà soát thí điểm, rút kinh nghiệm để tổ
chức tổng rà soát.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND cấp xã rà
soát, thống nhất danh sách người có công tại xã, phường, thị trấn (Danh sách
1), danh sách người có công đã được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi (Danh sách
2), danh sách người có công chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ chính sách
ưu đãi (Danh sách 3) và danh sách phát hiện có sai phạm trong quá trình thực
hiện chính sách.
- Tháng 5/2014 - 7/2014: Tổng rà soát các
xã, phường, thị trấn còn lại.
Ủy ban Nhân dân cấp xã chuyển Danh sách 3
cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để các cấp
chính quyền xây dựng kế hoạch giải quyết đầy đủ chính sách ưu đãi theo quy định
của Nhà nước.
Trước ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2014, Uỷ
ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố kết quả tổng rà soát
chính sách cho người có công thuộc Danh sách 3 của địa phương.
- Tháng 8/2014 - 4/2015: Ngành Lao động -
Thương binh và Xã hội các cấp giải quyết chính sách theo đúng quy định của Nhà
nước cho người có công trong Danh sách 3, thông báo kết quả giải quyết vào 2 đợt:
22/12/2014 và 30/4/2015.
- Tháng 10/2015: Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành
phố báo cáo Ủy ban nhân dân, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố; Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam thống nhất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kết quả việc Tổng rà soát thực
hiện chính sách ưu đãi người có công trong cả nước.
2. Tổ chức thực hiện
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối
hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tập
huấn, hướng dẫn, cung cấp tài liệu, tổ chức tuyên truyền, tổng hợp báo cáo, định
kỳ giao ban, họp chỉ đạo, điều hành.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố căn cứ hướng dẫn của Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tổ chức thực hiện theo nội dung, tiến độ đề ra.
- Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị
xã hội được giao rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng
tổ chức giao ban nắm kết quả, trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình định
kỳ theo kế hoạch ở từng cấp báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Giao Cục Người có công, Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội và Ban Phong trào, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm theo dõi, tham mưu cho Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện Chương
trình phối hợp này.
TM.BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH KIÊM TỔNG THƯ KÝ
Vũ Trọng Kim
|
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
BỘ TRƯỞNG
Phạm Thị Hải Chuyền
|