Chương trình 40/CTR-UBND công tác năm 2017 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 40/CTR-UBND
Ngày ban hành 25/01/2017
Ngày có hiệu lực 25/01/2017
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Vương Bình Thạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/CTr-UBND

An Giang, ngày 25 tháng 01 năm 2017

 

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2017

I. Nhận định tình hình chung

Năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, dự báo năm 2017 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các chính sách phát triển kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện; tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam sẽ được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng và toàn diện. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, cơ sở hạ tầng còn hạn chế so với yêu cầu phát triển. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường...

Hai mặt hàng chủ lực của tỉnh là lúa và cá vẫn chưa thể sớm phục hồi; dự báo sản lượng gạo tăng nhưng giao dịch thương mại giảm đồng thời việc xả hàng tồn kho của Thái Lan càng tăng sức ép cho mặt hàng gạo; thị trường nhập khẩu cá tra tăng trưởng chậm, rào cản kỹ thuật tiếp tục gia tăng. Những điều chỉnh chính sách mới về thương mại của Hoa Kỳ sẽ tác động đến thương mại toàn cầu. Chưa đa dạng hóa các mặt hàng nông sản, chậm xây dựng thương hiệu; thiếu doanh nghiệp lớn, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp; hạ tầng và sản phẩm du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành; công tác tạo quỹ đất để mời gọi đầu tư vẫn còn vướng mắc. Tình hình thiên tai, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

II. Mục đích, chỉ tiêu

Mục tiêu tổng quát Kế hoạch kinh tế xã hội năm 2017 là: Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng; Phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế ổn định, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh ở các ngành, lĩnh vực. Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến. Tập trung đầu tư, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, quan tâm đầu tư phát triển toàn diện trẻ em. Đẩy mạnh cải cách hành chính; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông.

Tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh theo giá so sánh 2010 tăng 6,7% so với năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người; Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 166 triệu đồng/ha (tăng khoảng 6 triệu đồng/ha so với 2016); Kim ngạch xuất khẩu đạt 820 triệu USD; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 26.189 tỷ đồng; Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn khoảng 5.405 tỷ đồng. Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5% so năm 2016, đến cuối năm 2017 có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

III. Nội dung Chương trình công tác năm 2017

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết số 38/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, UBND tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau

1. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; trong đó tập trung 03 lĩnh đột phá của tỉnh

1.1. Lĩnh vực Nông nghiệp

Triển khai Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 11/11/2016 của Ban Chấp hành Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 kết hợp với đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu, diện tích cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung cải tạo giống và nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy sản; khuyến khích nuôi công nghiệp, thực hành quy trình nuôi tốt (GAP) theo quy chuẩn quốc tế, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nông nghiệp.

Thực hiện đồng bộ những chính sách phát triển và thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ mới, công nghệ sinh học trong việc lai tạo chọn giống tốt, kỹ thuật canh tác tiên tiến... để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đào tạo nâng cao trình độ phát triển đội ngũ khoa học và nông dân đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn. Chọn lọc và phát huy có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các chính sách về phát triển nông nghiệp đã ban hành.

Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước đưa nền sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Triển khai chương trình hành động số 04/CTr/TU ngày 18/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới,giai đoạn 2016 - 2020. Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn.

1.2. Về phát triển du lịch

Tập trung triển khai thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Triển khai Quyết định số 2227/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; trong đó An Giang có khu du lịch quốc gia Núi Sam và điểm du lịch Cù lao Ông Hổ.

Xử lý cơ bản những vướng mắc, tồn tại của Khu du lịch Núi Cấm để doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư, góp phần xây dựng hình ảnh về môi trường đầu tư tại đây, tạo điểm nhấn cho ngành du lịch của tỉnh.

Triển khai nhanh các dự án hạ tầng giao thông quanh khu vực Khu du lịch Núi Sam để đồng bộ tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm phát triển du lịch của thành phố Châu Đốc. Tích cực tranh thủ triển khai dự án Thiền viện Trúc Lâm tại lòng hồ Khu du lịch Thoại Sơn; tiếp tục khai thác Khu di chỉ văn hóa Óc Eo tạo sản phẩm mới cho ngành du lịch.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách; kiện toàn bộ máy quản lý ngành du lịch, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.

1.3. Về phát triển nguồn nhân lực

Triển khai Chương trình hành động số 09-CTr/TU ngày 02/12/2016 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng tới năm 2020.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập

Phát triển nguồn nhân lực phải gắn với quá trình đổi mới về chất lượng đào tạo; nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Tập trung nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ và tin học cho học sinh phổ thông, đẩy mạnh tin học hóa trong giảng dạy và quản lý giáo dục. Tiếp tục khuyến khích xã hội hóa và huy động nhiều nguồn lực đầu tư lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và dạy nghề đáp ứng yêu cầu của xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh.

1.4. Tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Tập trung triển khai đồng bộ quy định của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

[...]