Chương trình 3012/CTr-UBND năm 2007 về xây dựng và nâng cấp các cảng cá, bến cá Ninh Thuận thời kỳ 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020

Số hiệu 3012/CTr-UBND
Ngày ban hành 18/07/2007
Ngày có hiệu lực 18/07/2007
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trần Xuân Hoà
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3012/CTr-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 18 tháng 7 năm 2007

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÂY DỰNG VÀ NÂNG CẤP CÁC CẢNG CÁ, BẾN CÁ NINH THUẬN THỜI KỲ 2006 - 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện chiến lược phát triển toàn diện kinh tế biển của cả nước và khu vực, Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2020 trở thành một trong những tỉnh có kinh tế biển phát triển hàng đầu với một số chương trình, dự án lớn, nằm trong hệ thống các công trình trọng điểm quốc gia. Vì vậy vấn đề đặt ra cho tỉnh Ninh Thuận là tập trung quy hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cảng cá, bến cá trở thành các trung tâm nghề cá thương mại của tỉnh và khu vực, là động lực thúc đẩy nghề cá vươn ra đánh bắt hải sản xa bờ gắn với phát triển du lịch biển, bảo vệ môi trường nguồn lợi thuỷ sản và an ninh quốc phòng, …

I. Điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý: Ninh Thuận là một tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, nằm ở vị trí trung điểm giao thông Quốc lộ 1A, đường sắt thống nhất Bắc Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên, là địa bàn kinh tế trọng điểm phiá Nam. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh 3.358km2 với 6 huyện, thành phố; dân số năm 2005 là 564.403 người, chiếm 1,04% diện tích đất tự nhiên và 0,64% dân số so với cả nước. Bờ biển Ninh Thuận dài 105km, vùng đặc quyền kinh tế 24.480km2, diện tích vùng biển nội thuỷ 1.800km2.

2. Địa hình: địa hình lãnh thổ tương đối dốc, thấp dần từ Tây sang Đông và từ Tây Bắc xuống Đông Nam, bao gồm: miền núi, vùng đồi gò bán sơn địa và vùng đồng bằng ven biển. Bờ biển Ninh Thuận có dạng bờ kiểu Riac nguyên sinh đang bị mài mòn; đồng thời có những đầm, vũng ăn sâu vào đất liền như: đầm Nại, đầm Cà Ná, đầm Sơn Hải, đầm Vĩnh Hy và dọc bờ biển có các sông, suối ngắn đổ ra các vũng, đầm tạo nên những nơi đậu tàu thuyền tự nhiên khá thuận lợi.

3. Khí hậu thuỷ văn trong đất liền: khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa điển hình, ít mưa và nằm trong vùng khô hạn nhất cả nước, với các đặc trưng là khô hanh, nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh từ 1.670 đến 1.827mm. Nhiệt độ trung bình năm là 27,40C; có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau.

4. Một số nét thuỷ hải văn vùng biển: theo báo cáo của Viện Hải dương học Nha Trang thì vùng biển Ninh Thuận nằm trong khu vực nước trồi mạnh nhất. Hệ sinh thái nước trồi năng suất sinh học cao, giàu có và phong phú sinh vật phù du, thực vật và động vật làm thức ăn cho nhuyễn thể, động vật cấp thấp, cấp cao có giá trị kinh tế. Vì vậy, vùng nước trồi thường có ngư trường lớn với nhiều đối tượng nguồn lợi hải sản khai thác có giá trị kinh tế cao.

Với điều kiện tự nhiên về vị trí địa lý, vùng biển, khí hậu thuỷ văn như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thuỷ sản Ninh Thuận phát triển thông qua việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hoá và giao lưu kinh tế với các tỉnh Đông Nam Bộ, vùng Duyên hải Miền Trung.

II. Tài nguyên nguồn lợi vùng biển tỉnh Ninh Thuận

1. Tài nguyên nguồn lợi vùng biển: nguồn lợi hải sản vùng biển Ninh Thuận được xác định trữ lượng ở độ sâu từ 200 mét nước trở vào khoảng 120.000 tấn, khả năng khai thác tối đa hằng năm cho phép 60.000 tấn. Về chủng loài hải sản được phân bố theo quần đàn, đa dạng, phong phú, di trú ổn định. Nếu tính khả năng vươn ra xa bờ ở Biển Đông và Trường Sa thì khả năng khai thác có thể lớn hơn.

2. Các lợi thế so sánh:

2.1. Lợi thế: nằm ở trung tâm vùng nước trồi, nguồn lợi hải sản phong phú, có nhiều bãi cá đáy, cá nổi ổn định và nhiều bãi rạn san hô là nơi cư trú sinh sản của các loài hải sản quý hiếm có thể khoanh nuôi, bảo tồn. Ngư trường nước sâu (đường đẳng sâu 50m nằm sát bờ) nằm trên đường di cư của các loài hải sản có nguồn gốc đại dương (thu, ngừ) nên thuận lợi cho việc sản xuất quanh năm (cả vụ Bắc và vụ Nam). Có cửa biển nước sâu (đầm Vĩnh Hy sâu 5m trở lên) làm nơi trú đậu tàu thuyền lớn công suất 1.000 CV trở lên và một số cửa lạch (biển) khá thuận lợi cho việc hình thành các trung tâm nghề cá như: Cà Ná, Đông Hải, Khánh Hội;

2.2. Hạn chế: dọc theo bờ biển có nhiều bãi ngang, ít đầm vịnh. Vùng biển không có hải đảo nên hạn chế đến việc mở rộng ngư trường và thực hiện các chương trình biển đông, tuyến đảo của Nhà nước.

III. Hiện trạng về tàu cá và cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cảng, bến cá tỉnh Ninh Thuận đến năm 2005

1. Hệ thống cơ sở năng lực tàu cá và dịch vụ thuỷ sản

1.1. Về năng lực tàu cá: tính đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có 1.810 chiếc với tổng công suất 83.500CV, bình quân 46,1CV/chiếc, tăng 788 chiếc/67.600 CV so với thời điểm chia tách tỉnh (1992). Cơ cấu tàu cá loại dưới 50CV có 1.264 chiếc/25.368CV, loại từ 50CV trở lên 546 chiếc/58.132CV. Đội tàu có công suất lớn 90CV trở lên đánh bắt xa bờ 328 chiếc/44.175CV chiếm 18,1% số thuyền và 52,9% công suất; đồng thời phát triển được một số nghề chủ lực như nghề vây rút chì, rê các loại, ... Năng lực tàu cá năm 2005 đang được phân bố cụ thể cho các khu vực địa phương như sau:

- Xã Phước Diêm (cảng cá Cà Ná), huyện Ninh Phước: 498 chiếc/39.350CV.

- Xã Phước Dinh (bến cá Sơn Hải), huyện Ninh Phước: 182 chiếc/4.957CV.

- Phường Đông Hải (cảng cá Đông Hải), thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: 402 chiếc/15.126CV.

- Phường Mỹ Đông (cảng cá Đông Hải), thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: 84 chiếc/4.382 CV.

- Thị trấn Khánh Hải (cảng Ninh Chữ), huyện Ninh Hải: 243 chiếc/7.420CV.

- Xã Tri Hải (cảng Ninh Chữ), huyện Ninh Hải: 71 chiếc/4.650CV.

- Xã Thanh Hải (bến cá Mỹ Tân), huyện Ninh Hải: 239 chiếc/6.426CV.

- Xã Vĩnh Hải (đầm Vĩnh Hy), huyện Ninh Hải: 91 chiếc/1.189CV;

Ngoài ra hằng năm còn có khoảng 500 - 700 tàu cá ngoài tỉnh vào đánh bắt, tiêu thụ và tiếp nhận cung ứng dịch vụ hậu cần tại các cảng, bến cá trong tỉnh.

1.2. Dịch vụ thuỷ sản: hình thành được hệ thống dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm tại các trung tâm nghề cá Đông Hải, Cà Ná và Ninh Chữ. Tính đến nay toàn tỉnh có 6 cơ sở đóng sửa tàu cá, 31 cây dầu, 43 cơ sở gia công cơ khí, 30 cơ sở mua bán ngư lưới cụ, 7 cửa hàng bán thiết bị hàng hải, 127 cơ sở chế biến cá khô hấp, 89 cơ sở thu mua và sơ chế, ... và 1 tàu dịch vụ hậu cần đánh cá vùng khơi gắn với công tác bảo vệ nguồn lợi, tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra các chủ nậu vựa, cơ sở thu mua tôm giống, sơ chế biến, ... đã đầu tư trên 45 chiếc xe bảo ôn và mua sắm, chuyển đổi 40 chiếc tàu loại từ 45 - 75CV/chiếc sang nghề kinh doanh dịch vụ trên biển như: cung ứng nước đá, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, … và thu mua hải sản. Về cơ bản đã đáp ứng được một phần nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của ngư dân.

2.1. Cảng cá Đông Hải: khởi công năm 1994, đưa vào quản lý sử dụng tháng 10/1996 với tổng giá trị đầu tư 36,4 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tập trung. Các hạng mục đầu tư: bến cập tàu dài 265m, luồng chạy tàu (-2,9m), vũng đậu tàu (-3,2 m), diện tích vũng đậu tàu 15.900m2, hệ thống kè bảo vệ D1 - D2 - D3 và kè khoá K1, kè hướng dòng T, đường nội bộ, hệ thống đèn chiếu sáng, … Quy mô công suất cảng phục vụ 336 - 400 chiếc tàu cá loại dưới 140CV. Thực tế hiện nay có khoảng 500 - 600 chiếc tàu cá trong và ngoài tỉnh thường xuyên ra vào neo đậu;

[...]